“Thả lỏng” nâng tầng chung cư: Dân “thổ cư” đứng ngoài rìa?

18:49, 06/04/2015
|

(VnMedia) - Dự thảo Nghị định cải tạo, xây dựng lại chung cư thực chất mới chỉ quan tâm đến “căn phòng ở” của người dân chung cư cũ, trong khi việc cải tạo có thể ảnh hưởng đến hàng vạn người dân trong khu vực.

>> Cải tạo chung cư: Không thể “thả lỏng” việc nâng tầng
>> Cải tạo chung cư cũ: Không chỉ là phá đi xây lại
>> Cải tạo chung cư cũ: doanh nghiệp không phải là "ông chủ"

 
Bộ Xây dựng đang đưa Dự thảo Nghị định cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ ra để lấy ý kiến. Có thể thấy, những người có nguy cơ bị (hoặc được) ảnh hưởng bởi các dự án cải tạo không chỉ là người dân đang sinh sống trong các khu chung cư, mà còn rất nhiều đối tượng khác sinh sống trong khu vực.
 
Bất cứ ai cũng có thể nhận thấy, một tòa nhà chung cư thường không nằm riêng lẻ mà luôn nằm trong một khu vực rộng hơn, bao gồm nhiều tòa nhà chung cư, nhà ở thông thường… Ngoài ra, đi kèm theo nó còn là không gian và các yếu tố xã hội khác như: mật độ dân số, đường giao thông, trường học, vườn hoa, tỷ lệ cây xanh/đầu người…
 
Như vậy, việc cải tạo chung cư cũ không chỉ ảnh hưởng rất lớn đến người dân trong các tòa nhà chung cư cần xây lại, mà có thể ảnh hưởng tới rất nhiều người dân khác sống trong toàn bộ khu vực như khu tập thể, phường…
 
Tuy nhiên, Dự thảo Nghị định cải tạo, xây dựng lại chung cư mà Bộ Xây dựng đang đưa ra lấy ý kiến không có bất cứ một điều khoản nào đề cập đến quyền lợi của những đối tượng liên quan đó, nhất là khi Dự thảo này quy định theo hướng mở không hạn chế về chiều cao, tức là khả năng tăng mật độ dân số sẽ là rất cao.

  Ảnh minh họa

Việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư có thể ảnh hưởng tới rất nhiều người dân khác sống trong toàn bộ khu vực như khu tập thể, phường…

 
Thử lấy ví dụ như khu tập thể Giảng Võ, hiện có một hệ thống trường học khá nổi tiếng, từ mầm non đến cấp I, cấp II, cấp III. Tuy nhiên, nếu khi các nhà chung cư ở đây được phá đi xây lại và mật độ dân cư tăng lên, những người dân trong các tòa nhà cũ và cả dân cư làng Giảng Võ sẽ phải chia sẻ phần hạ tầng xã hội quý giá này, cũng như các cơ sở hạ tầng kỹ thuật khác như đường giao thông, hồ nước, cây xanh…
 
"Gia đình tôi đã mấy đời ở làng Ngọc Khánh, đường và ngõ bây giờ đã rất chật hẹp. Trong khu vực này hiện có một số nhà tập thể cũ. Nếu họ phá đi, xây lại thành những tòa nhà cao ngất ngưởng thì sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến cảnh quan và môi trường sống của những người dân như chúng tôi. Mà nhà đất ở đây đắt, chỉ những người nhiều tiền mới mua được, còn chúng tôi thì là người lao động nghèo. Con cái chúng tôi sẽ thiệt thòi khi phải tranh đua vào các lớp học tốt. Có cái mương cũ lấp đi, lẽ ra có thể làm cái vườn hoa, sân chơi cho trẻ con thì bây giờ lại phải làm bãi đỗ ô tô cho những người giàu..." - ông Tuấn, một người dân làng Giảng Võ than thở.

  Ảnh minh họa

Người dân phường Ngọc Khánh (xưa kia là làng Ngọc Khánh) sẽ phải chia sẻ hạ tầng vốn chật hẹp của mình cho những người ở nơi khác đến khi nhiều chung cư cũ trong khu vực được xây dựng lại mà không bị khống chế tầng cao - ảnh: Bên phải phố Nguyễn Công Hoan là bãi đỗ xe cao tầng "treo"



Cần căn cứ vào các quy hoạch địa phương

“Dự thảo Nghị định cho phép tăng hệ số sử dụng đất, có thể sẽ làm tăng mật độ dân số. Như vậy, điều này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng sống của người dân ở tòa nhà đó mà còn ảnh hưởng đến nhiều người dân khác trong khu vực. Vì vậy, theo tôi, Dự thảo cần xây dựng theo hướng bắt buộc phải quan tâm đến ý kiến và điều kiện sống của cả những đối tượng ngoài khu chung cư” - KTS, chuyên gia độc lập Nguyễn Thị Hiền nói.
 
Đặc biệt, liên quan đến vấn đề này thì KTS Nguyễn Thị Hiền chỉ ra một điểm rất đáng quan tâm, đó là các căn cứ để xây dựng Nghị định cải tạo, xây dựng lại chung cư.
 
“Dự thảo Nghị định được xây dựng dựa vào nhiều luật, nhưng lại chưa chú ý đến một điểm quan trọng, đó là nhà ở chung cư chỉ tồn tại ở một số địa phương, một số đô thị, trong khi mỗi đô thị có đặc trưng rất khác nhau về vấn đề mật độ dân số, quỹ đất công, phát triển kinh tế xã hội trong khi việc cải tạo chung cư có thể gây những tác động khác nhau đối với mỗi địa phương…” - KTS Nguyễn Thị Hiền nêu vấn đề.
 
Theo vị chuyên gia tư vấn độc lập này thì Nghị định cần được xây dựng dựa trên các căn cứ như: quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch giao thông, quy hoạch cây xanh, chương trình phát triển nhà ở, chương trình chiến lược nâng cấp đô thị quốc gia…
 
“Ví dụ như Hà Nội đất chật người đông hơn các đô thị khác thì có các quy định không được tăng dân số trong nội thành… nhưng một thành phố non trẻ có thể có nhà chung cư cũ nhưng không có nhu cầu giảm mật độ dân số… nếu vậy thì các các căn cứ phải dựa cả vào các căn cứ của địa phương, chứ chỉ dựa trên luật thôi là không đủ.” - KTS Nguyễn Thị Hiền góp ý.
 
Theo KTS, khi cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, cần phải biết địa phương đó định làm gì với đất hoặc với quy hoạch xung quanh và vì thế, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương phải nằm trong căn cứ xây dựng Nghị định.
 
Cũng góp ý cho điều khoản này (Khoản 2, Điêu 8 của Dự thảo Nghị định), ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho biết, hiện nay, Quy chuẩn Xây dựng Việt Nam - Quy hoạch xây dựng 2008 (và Quy chuẩn đang sửa đổi năm 2014) đều không có quy định về hệ số sử dụng đất mà có quy định về Mật độ xây dựng thuần tối đa của nhóm  nhà chung cư theo diện tích lô đất và chiều cao công trình.
 
“Vì vậy, tôi đề nghị Dự thảo Nghị định điều chỉnh lại quy định  này cho phù hợp với Quy chuẩn hiện hành cũng như tuân thủ đúng các chỉ tiêu kỹ thuật của đồ án quy hoạch chi tiết đô thị của khu vực có khu chung cư đã được phê duyệt” - ông Trần Ngọc Hùng nêu rõ.


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc