Hà Nội: Xây biệt thự bằng tiền hỗ trợ hộ nghèo!

14:09, 07/01/2015
|

(VnMedia) - Được xếp vào diện hộ nghèo nhất thôn Mạch Lũng, Đông Anh, Hà Nội nên gia đình ông Vương Văn Lượng được hưởng hỗ trợ chính sách 40 triệu đồng để tu sửa nhà cửa. Tuy nhiên, ông Lượng không tu sửa nhà mà lại xây dựng 1 tòa biệt thự hoành tráng. Điều này khiến dư luận đặt câu hỏi, liệu nguồn tiền từ chính sách có được “rót” đúng đối tượng?

Gần đây, báo điện tử VnMedia đã nhận được đơn khiếu nại của một số gia đình thuộc diện chính sách tại thôn Đại Mạch và Mạch Lũng (xã Đại Mạnh, Đông Anh, Hà Nội) về việc phân bổ tiền hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ chính sách để tu sửa nhà cửa. Căn cứ đơn khiếu nại, nhóm PV VnMedia đã vào cuộc và từ đây hé mở nhiều câu chuyện ngang trái.

Từ năm 2013, huyện Đông Anh đã dành riêng một khoản kinh phí để phân bổ cho các hộ nghèo, hộ chính sách trong huyện để sửa chữa nhà ở. Căn cứ vào đề xuất của Phòng Chính sách – xã hội (xã Đại Mạch), Phòng Lao động –thương binh - xã hội huyện Đông Anh đã phê duyệt cho 2 hộ gia đình chính sách nghèo nhất xã Đại Mạch được hưởng khoản tiền này là nhà bà Nguyễn Thị Đỗ (vợ liệt sỹ) và nhà ông Vương Văn Lượng (thương binh 2/3). 

Xin nhấn mạnh, theo văn bản hướng dẫn của Phòng lao động – thương binh – xã hội Huyện Đông Anh thì những gia đình được hưởng chính sách này trước hết phải thuộc đối tượng chính sách người có công và phải là hộ nghèo trên địa bàn có nhu cầu sửa chữa nhà ở.

Tuy nhiên, việc thực thi chính sách nhân văn này đã có rất nhiều điểm bất thường. Theo sự chỉ dẫn 1 đồng chí phó trưởng công an xã Đại Mạch, nhóm PV chúng tôi đã tìm đến nhà ông Vương Văn Lượng. Đập vào mắt chúng tôi là 1 ngôi biệt thự rộng khoảng 200m2, xây kiên cố 3 tầng với kiến trúc hiện đại, cửa lim bóng loáng. Nếu theo cảm quan bình thường thì không ai có thể nghĩ gia đình ông Lượng lại được xếp vào diện nghèo nhất xã Đại Mạch. Lại không thể ngờ, ông Lượng đã dùng số tiền 40 triệu đồng tiền hỗ trợ từ ngân sách để xây ngôi biệt thự nguy nga, có giá trị tiền tỷ.

Ảnh minh họa
Ngôi biệt thự khang trang là nhà ông Lượng

 

Ông Lượng cho biết, năm 2013 gia đình ông đã nhận được 40 triệu đồng tiền hỗ trợ sửa chữa nhà cửa của Huyện Đông Anh. Tuy nhiên, ông không dùng số tiền này để sửa chữa lại ngôi nhà cấp 4 (ngôi nhà này là căn cứ để xét duyệt cho ông Lượng hưởng tiền chính sách -PV) mà quyết định vay mượn thêm tiền của họ hàng, con cháu để xây biệt thự 3 tầng trên mảnh đất ngay sát cạnh ngôi nhà cấp 4. Hiện ngôi nhà cấp 4 đang được ông dùng để làm chuồng nuôi gà.

Khi PV đặt câu hỏi, trong khi còn bao nhiêu hộ gia đình nghèo khó hơn nhưng không nhận được tiền hỗ trợ, còn gia đình ông có thể lo đủ tiền để xây 1 ngôi biệt thự tiền tỷ nhưng vẫn nhận tiền chính sách, ông Lượng nói: “Tôi không biết. Chỉ thấy xã cho thì nhận thôi”.

Để tìm hiểu xem gia đình ông Lượng có phải hộ nghèo nhất trong xã Đại Mạch hay không, chúng tôi đã tìm gặp nhiều người hàng xóm sống xung quanh nhà ông Lượng. Hầu hết, mọi người rất ngạc nhiên và bất bình vì họ cho rằng nhà ông Lượng được xếp vào diện giàu nhất thôn Mạch Lũng. Con cháu ông Lượng làm ăn rất giỏi giang, khá giả. Càng bất bình hơn khi họ được biết ông Lượng được Huyện hỗ trợ kinh phí sửa chữa nhà cửa.

Ảnh minh họa

Gian nhà cấp 4 của ông Lượng đang được sử dụng làm
chuồng nuôi gà.

Bác Đàm Văn Ngẫu (thôn Mạch Lũng) đau xót chỉ cho PV hai gia đình thương binh nặng sống ngay cạnh nhà ông Lượng hiện đang khó khăn nhưng không nhận được bất cứ sự hỗ trợ nào từ ngân sách . “Hai năm nay, tôi không biết xã đăng ký thành tích nông thôn đổi mới gì đó nên các hộ nghèo trong xã bị cắt giảm hết chính sách hỗ trợ. Thậm chí, nhiều gia đình nghèo trong xã muốn xin thẻ bảo hiểm cũng không được chứ chưa nói gì tiền hỗ trợ. Chúng tôi đau xót lắm,” bác Ngẫu chia sẻ.

Ông Vương Bá Chi – Phó chủ tịch UBND xã Đại Mạch cho biết, "việc xét duyệt gia đình được hưởng chính sách được làm đúng quy trình. Trước hết, chúng tôi căn cứ vào đề xuất của thôn, sau đó trình Phòng Lao động thương binh xã hội Huyện duyệt. Trong quá trình làm, cán bộ Huyện đã đến kiểm tra thực địa và đồng ý. Sau khi Huyện phê duyệt, chúng tôi mới rót kinh phí. Trong thời gian xây dựng công trình, cán bộ chính sách của xã là chị Liên đều giám sát. Xây dựng xong, chúng tôi cũng đã thẩm định lại. Vì vậy, không thể sai được".

Tuy nhiên, khi PV đặt câu hỏi "Tại sao trong đơn đề xuất xin hỗ trợ, gia đình ông Lượng trình bày ngôi nhà cấp 4 của gia đình được làm tạm từ năm 1976 đến nay đã bị mối mọt hết các bộ phận cột kèo, mái nhà dột nát không đảm bảo sức khỏe… Vì vậy, xin được cấp kinh phí sửa chữa ngôi nhà cấp 4 nhưng lại xây mới toàn bộ trên nền đất khác? Ông có biết việc này không?" thì ông Chi không trả lời được và nói, mọi việc ông đã giao hết cho cán bộ chính sách xã là chị Liên.

Còn theo khẳng định của chị Vương Thị Liên – cán bộ chính sách phòng chính sách – xã hội xã Đại Mạch nói: “việc xét duyệt do phòng Lao động thương binh xã hội Huyện xem xét phê duyệt. Tôi chỉ được tham gia một phần. Nếu PV thắc mắc lên gặp Phòng Lao động hỏi, mọi hồ sơ cũng được lưu trên phòng. Còn việc ông Lượng dùng tiền hỗ trợ để xây nhà mới không có gì sai cả”.

Bài 2: Lập hồ sơ giả để ăn chặn tiền chính sách dành cho gia đình liệt sỹ


Anh Đào

Ý kiến bạn đọc