Không thể vì lợi ích trước mắt để đồng tình hủy hoại di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám

15:17, 04/12/2017
|

Trong khi Đảng, Nhà nước đang tìm các giải pháp để bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa thì tại nhiều nơi vẫn chưa quan tâm mà chỉ chú trọng đến lợi ích, khai thác cạn kiệt các di sản văn hóa. Nhiều di sản văn hóa vật thể đang dần bị phá hỏng vì du lịch không theo hướng phát triển bền vững, bảo đảm lợi ích của người dân và giá trị của các di sản văn hóa.

 

Chuyện xảy ra với bãi trông xe của Văn Miếu – Quốc Tử Giám tưởng chừng nhỏ, nhưng do động chạm tới lợi ích của một nhóm người, cho nên gần đây họ ra sức biện minh cho hành vi xâm phạm khu di tích của họ nhiều năm qua bằng những lý lẽ là chỉ vì mục đích phục vụ khách tham quan.
Chuyện xảy ra với bãi trông xe của Văn Miếu – Quốc Tử Giám tưởng chừng nhỏ, nhưng do động chạm tới lợi ích của một nhóm người, cho nên gần đây họ ra sức biện minh cho hành vi xâm phạm khu di tích của họ nhiều năm qua bằng những lý lẽ là chỉ vì mục đích phục vụ khách tham quan.

Người dân bấy lâu nay vẫn quen việc đi vào Văn Miếu – Quốc Tử Giám là được gửi xe ở khu vực Vườn hoa Giám phía bên tay trái cổng chính. Nhưng gần đây khi bãi trông xe này bị UBND quận Đống Đa ra văn bản đề nghị tạm dừng việc tổ chức trông xe, chỉ được trông giữ phương tiện giao thông khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận, cấp phép theo quy định. Đến lúc này người dân mới phát hiện ra sự thật: hóa ra bãi xe tồn tại ở khu vực di tích nhiều năm qua là không phép.

Dư luận còn “sốc” hơn khi được biết, bãi xe không phép này được mở ra với mục đích kinh doanh, thu tiền cao hơn giá đã đăng ký với Cục thuế, nhờ đó đã mang lại nguồn thu lên đến nhiều tỷ đồng hằng năm cho những người có tham gia ủng hộ việc trông xe ở khu di tích. Điều này lại được ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Trung tâm HĐVH KH VM-QTG) lý giải là do lượng khách đến tham quan ngày càng đông, nhu cầu gửi xe rất lớn, cho nên đã tự phát một khu để xe ngay trong di tích. Khi trả lời báo chí, ông Tô Văn Động Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội cũng đồng thuận cho Trung tâm HĐVH KH VM-QTG tổ chức trông xe ở di tích tạm thời để phục vụ cho khách tham quan. Nhưng việc “tạm thời” này đã tồn tại hàng chục năm nay. 

Trao đổi với phóng viên, một nhà nghiên cứu về văn hóa ở Việt Nam cũng phải thốt lên: “Chẳng hiểu bãi trông xe này quan trọng thế nào đối với việc du khách đến khu di tích, mà người ta sẵn sàng đánh đổi cả những giá trị có thể sẽ không bao giờ phục dựng được để thỏa mãn những lợi ích trước mắt?”. Lợi ích nhóm được thể hiện rõ khi bãi đỗ xe này mỗi năm được Sở VHTT Hà Nội giao chỉ tiêu phải đón được khoảng 2 triệu lượt khách. Nếu trừ khi số ít khách đoàn thì đa số là phải gửi xe ở đây, như vậy số tiền hằng năm mà Trung tâm HĐVH KH VM-QTG thu được sẽ lên đến nhiều tỷ đồng mỗi năm. Vậy số tiền đó sẽ được sử dụng như thế nào trong nhiều năm qua vẫn là một dấu hỏi lớn của dư luận với hoạt động của Trung tâm HĐVH KH VM-QTG. 

Không phải tự nhiên mà khu vực Vườn hoa Giám (nơi bị xâm phạm làm bãi trông xe không phép) lại được đưa vào trong quần thể di tích phải được bảo tồn...bởi đây là di tích Quốc gia hạng đặc biệt
Không phải tự nhiên mà khu vực Vườn hoa Giám (nơi bị xâm phạm làm bãi trông xe không phép) lại được đưa vào trong quần thể di tích phải được bảo tồn...bởi đây là di tích Quốc gia hạng đặc biệt

Chuyện xảy ra với bãi trông xe của Văn Miếu – Quốc Tử Giám tưởng chừng nhỏ, nhưng do động chạm tới lợi ích của một nhóm người, cho nên gần đây họ ra sức biện minh cho hành vi xâm phạm khu di tích của họ nhiều năm qua bằng những lý lẽ là chỉ vì mục đích phục vụ khách tham quan. Thế nhưng ông Lê Xuân Kiêu và ông Tô Văn Động lại quên rằng, Nhà nước, nhân dân trao cho các ông trách nhiệm của những người làm công tác bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc chứ không phải là những người tiếp tay cho hành vi xâm phạm, tàn phá di tích vì những lợi ích trước mắt. Bản thân Văn Miếu – Quốc Tử giám đã là một biểu tượng, di tích quốc gia được người dân cả nước biết trong nhiều năm nay và gần đây vào ngày 25/2/2013 khu di tích này lại được vinh dự đón chứng nhận là Di tích quốc gia đặc biệt. Không phải ngẫu nhiên mà lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Thành phố Hà Nội nhiều năm qua đã đóng góp công sức, trí tuệ cho việc bảo tồn, xây dựng và phát huy giá trị di tích đặc biệt quan trọng này.

Cũng không phải tự nhiên mà khu vực Vườn hoa Giám (nơi bị xâm phạm làm bãi trông xe không phép) lại được đưa vào trong quần thể di tích phải được bảo tồn. Và cũng không phải tự nhiên khi nhiều năm qua, các đời giám đốc Trung tâm HĐVH KH VM-QTG nhiều lần xin ý kiến được sử dụng khu vực nói trên làm bãi trông xe nhưng đều nhận được câu trả lời là : không thể được vì đây là khu di tích quốc gia đặc biệt phải được bảo tồn! Đề nghị phải có quy hoạch tổng thể để vừa phát huy nhưng vẫn bảo tồn được khu di tích quốc gia đặc biệt này.

Thông tin trên báo chí, ông Lê Xuân Kiêu cho biết: “nhiều du khách đến tham quan, khách đến giao dịch đã bức xúc khi không biết phải gửi xe ở đâu”. Đồng thời đề nghị cho phép tạm thời sử dụng Vườn hoa Giám để tiếp tục tổ chức trông giữ xe. Nhưng có lẽ ông Kiêu không biết, ở nhiều nước trên thế giới việc bảo tồn di sản được các cơ quan chức năng sở tại, đơn vị kinh doanh du lịch thực hiện nghiêm túc trên tinh thần tự giác. Không có chuyện họ vì cần khách mà sẵn sàng tổ chức làm bãi đỗ xe ngay trong khuôn viên di tích. Chẳng nói đi đâu xa, ngay tại Campuchia, khách du lịch muốn đến một số điểm di tích phải dừng xe ở phía ngoài khá xa và đi xe di chuyển vào bên trong, đến giờ họ sẽ đón. Khi chúng tôi có hỏi họvì  sao không để xe đi sát gần khu di tích sẽ thuận tiện hơn cho khách tham quan. Những người quản lý ở đây cười và trả lời, nếu ai cũng chỉ vì ngại đi một quãng đường như vậy, sử dụng những phương tiện, tổ chức những dịch vụ trong khu di tích thì chẳng mấy chốc mà di tích sẽ bị xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng và không thể phục hồi được. 

Bởi vậy, những người làm công tác bảo vệ, bảo tồn di tích không ai có tư tưởng vì những lợi ích trước mắt làm mờ đi những hậu quả để hậu thế phải gánh chịu. Một nhà nghiên cứu cũng cho rằng, ở Nhật Bản có một triết lý rất đáng học hỏi là: Mỗi người sinh ra đều là thành viên của xã hội, cùng hít thở chung một bầu không khí, cùng sống chan hòa dưới ánh nắng mặt trời. Vì thế, những cá nhân nào chỉ biết chăm chăm vào lợi ích của mình, mà không biết gì đến lợi ích chung của cộng đồng, ra tay hủy hoại các giá trị làm ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân thì đó chính là tội ác. Điều này nếu giải thích kỹ với người dân thì tôi tin ai cũng sẽ thấu hiểu và sẽ vui vẻ tìm những bãi trông xe gần đó. Nhưng trên hết vẫn là bản thân những người được nhân dân trao trách nhiệm bảo vệ di tích ấy hiểu.

Ngày 24/2/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 36/2005/QĐ-TTg về việc hàng năm lấy ngày 23/11 là “Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam”, nhằm “phát huy truyền thống và ý thức trách nhiệm của những người làm công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam, động viên các tầng lớp xã hội tham gia tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc”. Nhưng thực tế, tại nhiều di sản văn hóa đang dần lụi tàn bởi những người đến tham quan và bởi chính những ý thức của những người đang làm nhiệm vụ bảo tồn di sản. Bởi vậy cần có những kế hoạch cụ thể bảo tồn các giá trị văn hóa, phát triển theo hướng bền vững, vừa đảm bảo lợi ích của người dân mà không làm mất đi các giá trị di sản văn hóa.

Theo Nhà báo và Công Luận

 


Ý kiến bạn đọc