Đấu giá 8 trụ sở "đất vàng": Chủ đầu tư sẽ xây công trình gì?

07:12, 01/12/2017
|

(VnMedia) - Hà Nội dự kiến sẽ bán đấu giá 8 trụ sở cơ quan nhà nước ở những vị trí "đất vàng" lấy 2.000 tỷ đồng thay vì dùng để làm công trình công cộng. Vậy, sau khi trúng đấu giá, các chủ đầu tư sẽ làm gì với những mảnh đất vàng này?

Theo kế hoạch, sau khi chuyển 8 cơ quan, gồm các sở, ngành: Tài chính  (38B Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm), Sở Kế hoạch và Đầu tư  (16 Cát Linh, Đống Đa), Sở Quy hoạch và Kiến trúc (31B Tràng Thi, Hoàn Kiếm), Sở Tài nguyên và Môi trường (Huỳnh Thúc Kháng), Sở Khoa học và Công nghệ (số 7 Nguyễn Trãi, Hà Đông), Sở Xây dựng  52 Lê Đại Hành, Hai Bà Trưng)., Giao thông Vận tải (số 2 Phùng Hưng, quận Hà Đông) và Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội (Nhà B6A Khu đô thị Nam Trung Yên, Cầu Giấy)về khu liên cơ, những trụ sở cũ của các Sở, ngành nằm tại vị trí “đất vàng” sẽ được bán đấu giá công khai để xây dựng thêm một khu liên cơ nữa tại quận Hai Bà Trưng.

Đất vàng
Sở Quy hoạch Kiếến trúc nằm trên "đất vàng" phố Tràng Thi - ảnh Vne

Trả lời VnMedia về việc bán đấu giá quyền sử dụng đất các trụ sở của Hà Nội mà không ưu tiên để làm các công trình công cộng như vườn hoa, sân chơi, bà Phạm Thanh Mai, Trưởng Ban Tài chính Ngân sách (HĐND Thành phố) cho biết, đất sau đấu giá phải sử dụng theo đúng quy hoạch của Thành phố.

- Thưa bà, lâu nay chính Hà Nội bức xúc về việc các trụ sở Bộ ngành khi di dời không chịu giao lại cho Hà Nội để làm các công trình công cộng như trường học, vườn hoa, sân chơi. Vậy tại sao chính Hà Nội lại bán đấu giá trụ sở các sở ngành mà không dành làm không gian công cộng?

Bà Phạm Thanh Mai: Đối với việc di dời trụ sở của các bộ, ngành trung ương, UBDN, HĐND Thành phố và nhiều đại biểu chất vấn và thảo luận tại hội trường đã nêu rất rõ là việc di dời trụ sở bộ ngành theo quyết định 130 của Thủ tướng Chính phủ theo lộ trình phải bàn giao lại cho Hà nội nhưng đến nay là không có.

Chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần, thậm chí hàng năm khi sơ kết luật Thủ đô, chúng tôi cũng đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đã nêu rất thẳng thắn, đề nghị Quốc hội có ý kiến với các bộ ngành.

Còn đối với Hà Nội, việc đấu giá 8 trụ sở dự kiến lấy 2000 tỷ là trên cơ sở sắp xếp lại toàn bộ các mạng lưới trụ sở của các cơ quan để sử dụng hiệu quả nhất tài sản nhà nước. Đối với trụ sở nào hiện hữu đang nằm xen kẹt giữa nhà dân, các cửa hàng… Thường trực HĐND, UBND Thành phố rà soát tổng thể và đều phải thực hiện theo quy hoạch, không thể nào không thực hiện theo quy hoạch được.

Ví dụ trụ sở của Sở Kế hoạch và Đầu tư ở 16 Cát Linh, không ai bán chỗ đó để xây dựng nhà. Trước đây, do quá bí bách về trụ sở sau hợp nhất nên tạm thời dùng chỗ đó làm trụ sở, còn nguyên thủy chỗ đó là bãi đỗ xe cho sân vận động. Đến nay sau khi sắp xếp kiện toàn tất cả các mạng lưới và di chuyển trụ sở thì chỗ đó phải trả lại phục vụ cho mục tiêu đúng quy hoạch.

- Nhưng nếu chúng ta bán đấu giá thì chủ đầu tư có quyền sử dụng mảnh đất đó theo ý của họ, làm sao chúng ta khống chế được? Nếu họ xây vào đó những tòa nhà ở làm tăng mật độ sử dụng thì sao? Liệu 2.000 tỷ thu được có đủ để chúng ta khắc phục những hậu quả hay không?

Nhà đất, tài sản của nhà nước thì phải sử dụng hiệu quả nhất. Hiện nay Trung ương vẫn nói Hà Nội chưa khai thác hết tiềm năng lợi thế. Mà tiềm năng lợi thế của chúng ta chính là quỹ nhà đất, trụ sở cơ quan. Đương nhiên sẽ phải làm đúng, không ai dám làm sai, ai làm sai kiến nghị chúng tôi sẽ giám sát. Không có chuyện chuyển trụ sở rồi lại xây tòa nhà cao ngất lên.

- Cụ thể thì Thành phố sẽ làm như thế nào, thưa bà?

Tất cả việc này phải có đề án tổng thể, UBND Thành phố sẽ phải báo cáo thường trực HĐND, báo cáo cấp ủy về sử dụng hiệu quả cơ sở nhà đất. Còn cụ thể từng địa điểm như thế nào thì Sở Tài chính là đầu mối tổng hợp.

Muốn đấu giá thì phải rõ đấu giá để làm gì. Trong đầu bài khi chúng tôi yêu cầu đưa ra, ví dụ đấu giá quyền sử dụng đất để xây dựng nhà ở, quy mô bao nhiêu, được phép xây mật độ thế nào, phải rất rõ. Còn đấu giá trụ sở để xây dựng phải theo quy hoạch. Có thể ô đất này sau khi di dời, và không phải là đất xen kẹt trong các khu dân cư hiện hữu, nếu phù hợp với quy hoạch để xây khách sạn vì hiện nay các cơ sở lưu trú phục vụ du lịch của Hà Nội rất thiếu, và nhà đầu tư thấy có hiệu quả thì họ mới tham gia đấu giá và xây dựng.

Tất cả phải phù hợp quy hoạch. Khi đưa ra các điểm như vậy, UBND Thành phố bao giờ cũng yêu cầu Sở QHKT rà soát, quy hoạch làm gì, chứ không phải tung ra đấu giá rồi ai muốn làm gì thì làm.

Xin cảm ơn bà!

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó Chủ tịch HĐND Thành phố: Tôi nghĩ rằng chắc là chỗ nào đấu giá là phải có khảo sát kỹ rồi, chỗ nào làm không gian công cộng vườn hoa sân chơi thì sẽ không đấu giá. Chắc là không thể đấu giá hết được. Phải ưu tiên cho các công trình công cộng.

Tuệ Khanh


Ý kiến bạn đọc