Đại biểu truy trách nhiệm các lãnh đạo về tái lấn chiếm vỉa hè

13:50, 06/12/2017
|

(VnMedia) - Sáng nay (6/12), tại phiên chất vấn của HĐND thành phố Hà Nội, nhiều đại biểu đã tập trung chất vấn và truy trách nhiệm về việc vỉa hè, lòng đường bị chiếm dụng để kinh doanh hay trông giữ xe đang tái diễn phức tạp.

Tái lấn chiếm vỉa hè: Ai chịu trách nhiệm?

Theo đó, đại biểu Nguyễn Thế Vinh (tổ Đống Đa) nêu tình trạng các bãi giữ xe trái phép vẫn còn tồn đọng và chiếm vỉa hè lòng đường, gây mất an toàn giao thông; tình trạng thu vượt phí gửi xem gấp 5, 7 lần; còn tình trạng bãi giữ xe “mini” không có vé, không đúng thể thức, cán bộ giữ xe không mặc đúng đồng phục quy định.

“Vậy Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm và Đống Đa cho biết về trách nhiệm và phương án giải quyết?” – ông Vinh hỏi.

ĐB Nguyễn Minh Đức (tổ Thanh Xuân) đặt vấn đề, năm 2017, TP khởi đầu chủ trương thiết lập lại trật tự vỉa hè lòng đường, trả lại vỉa hè cho người đi bộ. Các quận, huyện, thị xã đã ra quân rầm rộ. Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện, tại địa bàn các quận và kể cả ngoại thành lại xảy ra tình trạng tái lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, tiếp tục ảnh hưởng đến mỹ quan các tuyến phố, gây bức xúc dư luận.

“Vậy với trách nhiệm quản lý lĩnh vực, đề nghị các đồng chí phụ trách sở ngành liên quan cho biết nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng tái lấn chiếm vỉa, ai chịu trách nhiệm chính cho việc này và giải pháp xử lý để trả lại vỉa hè cho người đi bộ một cách bền vững, lâu dài?”.

ĐB Nguyễn Minh Đức
ĐB Nguyễn Minh Đức

Đại biểu Hoàng Huy Được cũng nêu lên một vấn đề bức xúc là tình trạng đi xe máy lên vỉa hè diễn ra phổ biến tại nhiều tuyến phố nội đô, mà theo ông mô tả là “vào giờ cao điểm, xe máy lao lên vỉa hè như như nước tràn bờ.”

“Tôi muốn Chủ tịch UBND các quận: Đống Đa, Thanh Xuân cho biết giải pháp để hạn chế hiện tượng nêu trên? Nên chăng lắp đặt các barie thấp để ngăn chặn tình trạng xe máy đi lên vỉa hè” – ĐB Được đề xuất.

Trả lời về vấn đề này, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Nguyễn Xuân Lưu cho biết, trên địa bàn Thanh Xuân có một số điểm hay xảy ra ách tắc giao thông vào giờ cao điểm như tuyến đường Lê Văn Lương, đường Nguyễn Trãi… “Điều này trách nhiệm trước hết thuộc về bộ phận Công an Giao thông và Thanh tra Giao thông quận và một số cơ quan liên quan.” – ông Lưu cho biết và thừa nhận, lưu lượng tham gia giao thông trên các tuyến đường này rất lớn khiến tình trạng ùn tắc xảy ra tại nhiều thời điểm.

Về giải pháp, theo ông Lưu, quận Thanh Xuân ngoài tuyên truyền thì quận đã tổ chức lại một số tuyến đường cấm một chiều, tăng cường xử phạt các vi phạm giao thông và thí điểm thành lập tổ tự quản 24/24 giờ.

Tái chất vấn về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Minh Đức nêu lại ý kiến Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đã từng chỉ đạo quy hoạch lại vỉa hè, sắp xếp kinh doanh trên vỉa hè một cách ngăn nắp, trật tự. Những nơi cho kinh doanh trên vỉa hè cần được đấu thầu và có thu phí….

“Tuy nhiên, đến nay nội dung này chưa được thực hiện, dẫn đến tình trạng lộn xộn, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh còn diễn ra phổ biến. Đến bao giờ mới có các cơ chế, chính sách để quản lý vỉa hè theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP?” – ông Đức hỏi.

Đại biểu Vũ Ngọc Anh (tổ Nam Từ Liêm) thì chất vấn, qua giám sát của Ban đô thị HĐND TP cho thấy việc thực hiện các dự án đầu tư quy hoạch bãi đỗ xe còn rất chậm. Tỷ lệ quỹ đất dành cho giao thông tĩnh thấp, mới đạt 14,87% trên tổng số diện tích đất dành cho giao thông tĩnh. Qua rà soát 95 dự án thì đến thời điểm này mới có 59 dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư từ nhiều năm nhưng chưa được triển khai, trong đó có nhiều dự án hết hạn được cấp phép đầu tư chưa được thu hồi.

“Điều này phản ánh công tác kêu gọi xã hội hóa đầu tư trong thời gian qua chưa hiệu quả, việc theo dõi giám sát đôn đốc kêu gọi dự án chưa được quan tâm đúng mức.” – đại biểu Vũ Ngọc Anh nói.

Đại biểu Anh đề nghị Giám đốc Sở QH&ĐT cho biết nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan liên quan để xảy ra tồn tại trên và giải pháp để đẩy nhanh tiến độ đầu tư, hoàn thành các dự án, công trình được phê duyệt trong thời gian tới.

Trả lời các câu hỏi trên, Chủ tịch UBND quận Quận Đống Đa Võ Nguyên Phong cho biết, năng lực của giao thông tĩnh trên địa bàn quận mới đáp ứng được 9% nhu cầu thực tế, do đó dẫn đến tình trạng trông giữ, dừng đỗ phương tiện trái phép. "Quận đã tích cực triển khai công tác duy trì, xử lý vi phạm trật tự đô thị. Cụ thể đã giải toả trên 40 điểm trông giữ xe không phép, tạm giữ 300 xe, phạt hành chính 1.254 phương tiện khác”.

Ông Phong khẳng định, vi phạm trật tự đô thị trên địa bàn Đống Đa đã giảm, được Ban chỉ đạo 197 TP đánh giá tốt. Tuy nhiên còn một số vị trí vẫn phát sinh vi phạm.

Quận đã thành lập 10 Tổ Công tác nhằm kiểm tra, xử lý vi phạm cũng như xử lý trách nhiệm đối với cán bộ, lãnh đạo các địa bàn còn tồn tại, tái diễn vi phạm.

Chủ tịch quận Đống Đa cho biết, thời gian tới, Đống Đa sẽ tập trung vào 5 giải pháp: Phối hợp với Sở GTVT Hà Nội cấp phép cho dừng đỗ trên lòng đường (30 điểm) và sắp tới sẽ tiếp tục rà soát và cấp phép thêm; Tăng cường quản lý, kiểm tra việc niem yết giá trông giữ phương tiện, dừng đỗ e trái phép; Ứng dụng iParking; Lắp đặt camera theo dõi, phạt nguội các vi phạm…

Nhân rộng mô hình Iparking ra 4 quận nội thành

Về trách nhiệm của Sở GTVT, Giám đốc Sở Vũ Văn Viện cho biết, theo Quy hoạch GTVT Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, TP sẽ dành 3 – 4 % diện tích đất đô thị cho giao thông tĩnh; tuy nhiên đến nay mới chỉ đạt được 0,6% và chủ yếu vẫn là trên lòng đường, hè phố. Theo phân cấp của TP thì quản lý vỉa hè là thẩm quyền của UBND các quận huyện, lòng đường là thẩm quyền của Sở GTVT.

Giám đốc sở GTVT Vũ Văn Viện
Giám đốc sở GTVT Vũ Văn Viện

Ông Viện cũng cho biết, cơ sở pháp lý để thực hiện việc cấp phép trông giữ xe ở vỉa hè, lòng đường là theo luật Giao thông đường bộ và Thông tư 04/2008 của Bộ xây dựng, theo đó, hai văn bản trên cho phép đô thị dùng 1 phần vỉa hè lòng đường cho giao thông tĩnh vì chưa có điểm giao thông tĩnh tập trung.

Cũng theo ông Viện, mặc dù trong quy định nêu rõ các quy định cụ thể để được cấp phép, và thực tế cấp phép theo đúng quy định, nhưng khi sử dụng thì chủ bãi thường xuyên lấn chiếm diện tích, làm mất đường của người đi bộ và cản trở giao thông.

Để chấm dứt tình trạng này, ông Viện cho biết, sắp tới TP sẽ triển khai nhân rộng dịch vụ iParking trên toàn địa bàn TP. Sở đã kiểm tra, rà soát toàn bộ các dự án bãi đỗ xe tập trung trên địa bàn TP, báo cáo Lãnh đạo Thành uỷ, UBND TP và đang tích cực đôn đốc các dự án chậm trễ. Với một số dự án quá chậm trễ hặc có nhiều sai phạm Sở sẽ kiến nghị UBND TP thu hồi.

Theo ông Viện, việc đỗ xe dưới lòng đường thí điểm triển khai Iparking cho thấy kết quả tốt, doanh thu tăng 33%, Chủ tịch Thành phố chỉ đạo sẽ triển khai trên 4 quận nội thành.

“Với ứng dụng này, việc lấn chiếm diện tích của các điểm trông giữ được khắc phục, trước đây nộp phí 100m nhưng lấn ra thành 200m, còn thu phí theo đầu phương tiện sẽ đảm bảo chặt chẽ, chống lấn chiếm diện tích, quản lý doanh thu chặt chẽ vì không thu tiền mặt, thu tiền cao hơn hoặc không xé vé.” – Giám đốc Sở GTVT cho biết.

Trong khi đó, Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Mạnh Quyền khẳng định, công tác quy hoạch hệ thống bến bãi được phê duyệt từ năm 2003 và đến nay không còn phù hợp với thực tiễn.

“TP đã kêu gọi 4 dự án đầu tư đỗ xe nhưng trên thực tế chỉ có 2 nhà đầu tư đăng ký vào 1 dự án cho thấy sức hấp dẫn trong lĩnh vực này chưa cao.” – ông Quyền nói.

Về việc ứng dụng CNTT trong việc quản lý điều hành bến bãi xe, ông Quyền cho biết, trong thời gian qua, Sở đã cùng các đơn vị khác tiến hành công bố các danh mục kêu gọi đầu tư, đã kêu gọi được 89 dự án đầu tư nước ngoài. Trong đó, 22 dự án đã hoàn thành để đưa vào hoạt động, 54 dự án đang tiến hành các thủ tục đầu tư theo quy định, 13 dự án đang được UBND TP chấp thuận về chủ trương, trên cơ sở đó nhà đầu tư triển khai lập kế hoạch chi tiết. Tuy vậy tiến độ triển khai với yêu cầu thực tiễn còn chậm. Vì thế, Sở vẫn đang tiến hành rà soát, đôn đốc từng dự án một, đồng thời, xử lý với 8 dự án vi phạm thủ tục hành chính với mức xử phạt 132,5 triệu đồng.

Xuân Hưng


Ý kiến bạn đọc