"Xây nhà trái phép thì cưỡng chế dỡ bỏ, đề bạt cán bộ sai thì phạt cho tồn tại"

10:52, 08/11/2017
|

(VnMedia) - “Người ta xây dựng nhà trái phép thì phải cưỡng chế và dỡ bỏ, còn đề bạt cán bộ sai thì lại phạt cho tồn tại, tôi nghĩ nó không phù hợp. Cần xử lý người bổ nhiệm và kể cả người được bổ nhiệm” - đại biểu Mai Thị Phương Hoa nói...

Theo tính toán sơ bộ, đến năm 2021, nếu giảm được 10% biên chế thì ngân sách sẽ tiết kiệm được 70.000 tỷ đồng. Trưởng Ban tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính từng nói tại Kỳ họp trước, rằng chỉ cần nghiêm túc thực hiện tinh giản trong 2 năm là đã có 20.000 tỷ đồng giải phóng mặt bằng sân bay Long Thành.

Việc tinh giản ngoài giá trị về kinh tế thì còn có tác dụng rất quan trọng hơn là tinh gọn đầu  mối, không bị chồng chéo, nâng cao hiệu quả uy tín của bộ mày hành chính nhà nước.

Tuy nhiên, qua 5 năm, tổ chức bộ máy bên trong Bộ, cơ quan ngang Bộ còn cồng kềnh nhiều tầng nấc, số đầu mối đơn vị hành chính tăng, tỷ lệ cán bộ lãnh đạo tăng…

Các Bộ quá cồng kềnh, nhiều tầng nấc

Thảo luận về vấn đề này tại Hội trường, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) đã nêu tình trạng các văn bản quy phạm pháp luật về nội dung chuyên môn lấn sân sang các văn bản quy định về tổ chức bộ máy, thông qua các quy định về chuyên môn đã có hiện tượng quy định việc thành lập một loạt các tổ chức bộ máy mới từ Trung ương xuống địa phương.

“Ví dụ, Nghị định số 55/NĐ-CP của Chính phủ quy định về việc thành lập các tổ chức pháp chế tại các bộ, ngành địa phương. Theo đó, tất cả các bộ, ngành đã thành lập Vụ Pháp chế, ở Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đã thành lập tới 291 Phòng Pháp chế với tổng biên chế chuyên trách và kiêm nhiệm lên tới 5.100 người” - đại biểu Phương Hoa dẫn chứng.

ĐB Mai Thị Phương Hoa
ĐB Mai Thị Phương Hoa

Đại biểu Hoa cũng nêu sự cồng kềnh, còn nhiều tầng lớp bên trong Bộ, đó là việc thành lập các phòng trong vụ chuyên môn.

“Hiện nay, cơ cấu tổ chức của Bộ vẫn phổ biến theo mô hình truyền thống đó là trong một Bộ thì có Tổng cục, Cục, Vụ; trong Tổng cục thì lại có Cục, Vụ; trong Cục, Vụ thì lại có phòng, ban, chi cục…”, đại biểu tỉnh Nam Định nêu.

Cũng theo đại biểu Hoa thì Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị đã nêu là cơ bản không tổ chức phòng trong vụ và Nghị định 123/NĐ-CP của Chính phủ cũng đã quy định không tổ chức phòng trong vụ. Tuy nhiên, hiện nay chỉ có 2/22 Bộ là không tổ chức phòng trong vụ, còn tất cả các Bộ còn lại đều tổ chức phòng trong hầu hết các vụ tham mưu, chiếm 63,3%. Hiện nay, tuy đã giảm nhưng vẫn còn 861 phòng và cứ một vụ có 4 phòng và có vụ thậm chí lên tới 7 phòng.

Dư hàng nghìn biên chế vẫn xin thêm

Phát biểu tại Nghị trường, ĐB Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) nêu một thực tại, đó là một số bộ còn dư biên chế với số lượng khá lớn. Ví dụ, Bộ Tài chính còn dư tới 6.318 trên tổng số 71.714 biên chế bằng 8,8%. Bộ Nội vụ còn dư 492/872 biên chế bằng 56%, Bộ Ngoại giao dư 334/1.179 biên chế bằng 28%.

“Tôi rất phân vân bởi như vậy rõ ràng việc giao biên chế hoàn toàn không sát hợp với những nhu cầu sử dụng. Đáng quan tâm hơn đây không chỉ là hiện tượng cá biệt mà xu thế phổ biến ở các bộ, ngành, vì chỉ có một Bộ và một cơ quan ngang bộ sử dụng đúng biên chế. Có đến 13/15 bộ không sử dụng hết biên chế được giao tại các Tổng cục trực thuộc và 20/20 bộ, cơ quan ngang Bộ dư biên chế tại các vụ, cục trực thuộc”, đại biểu Cao Thị Xuân nêu.

Đáng chú ý, trong tình hình đó, một số Bộ, ngành dù dư biên chế chưa thực hiện nhưng vẫn tiếp tục đề nghị bổ sung biên chế như Bộ Xây dựng, Bảo hiểm xã hội Việt Nam…

“Như vậy, chúng ta hoàn toàn có dư địa để thực hiện mục tiêu tinh giảm 10% biên chế theo tinh thần Nghị quyết 39, vấn đề có quyết tâm làm vì lợi ích chung hay không”, đại biểu Xuân nhấn mạnh.

ĐB Cao Thị Xuân
ĐB Cao Thị Xuân (Thanh Hóa)

Xác định rõ tầng lớp trung gian để giảm đúng

Trong khi các đại biểu đánh giá cao báo cáo của Chính phủ cũng như giám sát của Quốc hội về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước thì đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (đoàn Nghệ An) cho rằng, cả hai báo cáo còn mờ nhạt, chưa đậm nét.

Vị đại biểu là Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An này đặt vấn đề: “Nghị quyết của QH tại trang 4 ghi rõ "giảm cấp trung gian". Thế nhưng câu hỏi cấp trung gian là cấp nào? Tình trạng Bộ trong Bộ xảy ra ở đâu thì trong Báo cáo giám sát không chỉ rõ”.

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu cho biết, tìm hiểu thì thấy, trong 22 Bộ, cơ quan ngang Bộ thì có 17 Bộ, cơ quan ngang Bộ có Tổng cục, còn lại 5 Bộ và cơ quan ngang Bộ không có Tổng cục.

“Ví dụ, 5 Bộ không có Tổng cục mà vẫn hoạt động bình thường như thời gian vừa qua như Bộ Xây dựng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông, Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Dân tộc. Số lượng tổng cục hiện nay của 17 Bộ là 40, dưới Tổng cục có các Cục, Vụ, văn phòng, phòng, chi cục. Trong bộ máy của các Bộ này vừa có văn phòng bộ vừa có văn phòng Tổng cục mà văn phòng thì rõ ràng là phục vụ”, đại biểu Cầu nêu.

ĐB Nguyễn Hữu Cầu
ĐB Nguyễn Hữu Cầu

Với những phân tích đã nêu trên, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu đề nghị QH nên làm rõ cấp trung gian là cấp nào để giảm cho đúng.

“Đã đến lúc QH cần phải mạnh dạn chỉ rõ cấp trung gian trong các Bộ, ngành Trung ương chính là cấp Tổng cục và cấp phòng trong các Vụ, Cục cần phải giảm”, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu thẳng thắn nói nhưng cũng lưu ý, đây là một vấn đề hết sức nhạy cảm, rất tế nhị, không thể cào bằng bởi vì mỗi Bộ, ngành có một đặc điểm riêng, “nhưng nhất định phải giảm chứ không thể để nhiều như hiện nay”.

Trong khi đó, đại biểu Mai Thị Phương Hoa phân tích về nguyên nhân "nhận thức về mục đích, ý nghĩa việc sắp xếp tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế chưa đầy đủ và sâu sắc nên quyết tâm chính trị chưa cao...", được đưa ra trong hầu hết các báo cáo và đặt vấn đề: “Nếu đã là lãnh đạo quản lý mà nhận thức chưa đầy đủ thì có thể cho đào tạo lại hoặc thay thế, chứ không thể nêu nguyên nhân chung chung thế này thì tôi nghĩ rằng không thuộc nhiều trách nhiệm và cũng chưa xác định rõ trách nhiệm đối với người đứng đầu”.

Đại biểu Hoa cũng cho biết, cử tri và nhiều cán bộ lão thành rất bức xúc với việc khi Ủy ban kiểm tra Đảng các cấp phát hiện sai phạm của cán bộ, đảng viên thì nêu là "nghiêm trọng", "rất nghiêm trọng". Tuy nhiên, xử lý kỷ luật về Đảng là như vậy, nhưng về Nhà nước lại chưa xem xét mức độ nghiêm trọng hay rất nghiêm trọng, truy cứu trách nhiệm pháp luật là như thế nào, hay áp dụng hình thức cho thôi giữ chức vụ đó...

“Cho thôi thì không phải là hình thức kỷ luật, kỷ luật hành chính chưa nghiêm”, đại biểu Mai Thị Phương Hoa bức xúc nói.

Bà Hoa ví von: “Người ta xây dựng nhà trái phép thì phải cưỡng chế và dỡ bỏ, còn đề bạt cán bộ sai thì lại phạt cho tồn tại, tôi nghĩ nó không phù hợp” và đề giải pháp mạnh hơn, đó là “cần xử lý người bổ nhiệm và kể cả người được bổ nhiệm”.

Xuân Hưng


Ý kiến bạn đọc