TP HCM: Bị phạt hành chính vì tự bỏ tiền làm đường cho dân

14:33, 12/11/2017
|

Đây không phải trường hợp đầu tiên bị phạt hành chính vì tự ý bỏ tiền làm đường chung. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn tiếp tục gây chú ý dư luận và không ít nuối tiếc vì thiếu sự phối hợp giữa chính quyền và người dân.

Vừa “xây” đã phá

Một vị tổ trưởng dân phố tự bỏ tiền và vận động các hộ dân đóng góp thêm để đổ bê tông, mở rộng con đường hẻm dài hàng trăm mét sạch đẹp. Trong nhiều ý kiến ủng hộ vẫn có người phản đối, cho rằng “mạnh thường quân” tự ý làm đường không xin phép.

Lực lượng cưỡng chế đang dùng máy xới tung đoạn hẻm vừa trải nhựa.
Lực lượng cưỡng chế đang dùng máy xới tung đoạn hẻm vừa trải nhựa.

Còn UBND phường đã lập biên bản phạt 2 triệu đồng, cưỡng chế xới tung con hẻm vừa được người dân đóng góp nâng cấp. Hành động của chính quyền đang là câu chuyện “nóng” tại khu phố 8 (phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP.HCM).

Theo người dân, trước năm 2000, con đường 40, thuộc khu phố 8 chỉ là một con hẻm nhỏ khiến việc đi lại rất khó khăn và liên tục bị ngập mỗi khi trời mưa hoặc có triều cường.

Đến năm 2009, ông Trần Thới Linh (tổ trưởng tổ 52, khu phố 8) đã bỏ ra cả trăm triệu đồng và vận động các hộ dân đóng góp thêm để nâng cấp đổ bê tông, mở rộng đường hẻm 40 dài hàng trăm mét sạch đẹp.

Không chỉ bỏ tiền làm đường, ông Linh còn đầu tư lắp đèn điện thắp sáng dọc theo con hẻm, được người dân ủng hộ. Khoảng giữa năm 2017, ông Linh lại ngỏ ý bỏ thêm tiền để sửa lại những đoạn hẻm bê tông cũ đã xuống cấp.

Ông tìm đến từng hộ dân trong tổ để xin ý kiến và chia sẻ tâm nguyện của mình muốn trải nhựa cho đoạn hẻm sạch đẹp. Ý tốt của ông đã được nhiều người hoan nghênh, thậm chí còn vui vẻ đóng góp ngày công cùng làm.

Chia sẻ về việc này với báo chí, ông Linh cho biết khi nâng cấp đoạn hẻm này, ông đã tự nguyện bỏ ra hơn 60 triệu đồng để trải nhựa khoảng 30m tại khu vực trước cổng trường mầm non. Không ngờ khi mặt hẻm còn chưa kịp khô nhựa, ông bị phường xuống lập biên bản xử phạt.

Con đường vừa nâng cấp cũng bị cưỡng chế xới tung lên để trả lại hiện trạng con hẻm cũ. Được biết, không phải tất cả các hộ dân đều đồng tình với việc thi công mặt hẻm của ông Linh.

Có hộ dân phản đối và gửi đơn khiếu nại ông Linh tự ý nâng cao mặt sân trong khuôn viên nhà ông khiến nước chảy xuống đường, gây ngập cho các hộ dân lân cận. Hộ dân này cũng cho rằng ông Linh vì quyền lợi cá nhân mà tự ý làm đường hẻm không xin phép.

Nhận được đơn, UBND phường Hiệp Bình Chánh đã có Văn bản số 1239/UBND, ngày 14/8/2017 trả lời đơn khiếu nại, khẳng định hộ ông Trần Thới Linh đã nâng mặt sân trong khuôn viên và trải nhựa một đoạn hẻm trước nhà không gây ảnh hưởng tới khả năng thoát nước của đường 40, an toàn giao thông và việc ngập nước các hộ dân lân cận là không có.

Tuy nhiên, sau đó UNBD phường lại cho cán bộ xuống lập biên bản xử phạt hành chính 2 triệu đồng, yêu cầu ông Linh khắc phục ngay công trình nâng cấp trải nhựa đường hẻm trong 3 ngày để trả lại hiện trạng ban đầu.

Ông Linh cùng một số hộ dân làm đơn tập thể xin cứu xét gửi các ngành chức năng, trình bày nguyện vọng muốn giữ lại con hẻm vừa trải nhựa sạch đẹp. Tuy nhiên, việc này không có kết quả.

Vai trò của chính quyền?

Đứng nhìn nhóm nhân công đang dùng máy cào xới tung đoạn hẻm dài hàng chục mét vừa được trải nhựa nhẵn đẹp, nhiều người dân sống xung quanh đường hẻm này cũng chỉ biết xót xa khi con hẻm đang bị đưa về hiện trạng ban đầu.

Cầm trên tay những tờ đơn vừa viết vội, ông Linh bức xúc: “Tôi không ngờ việc mình tự nguyện làm đường cho mọi người dân ở đây cùng hưởng lợi lại bị xử phạt thế này. Tôi thất vọng quá!”.

Theo ông Linh, việc ông nâng cấp trải nhựa một đoạn hẻm ngắn không xin giấy phép là vì trước đây các hộ dân tự đóng góp đổ bê tông con hẻm này cũng đâu phải xin thủ tục gì. Một hộ dân ở đường 40 bày tỏ: “Các hộ dân chúng tôi đang phấn khởi vì vừa có được con hẻm trải nhựa, đi lại thuận tiện an toàn và không bị ngập lụt như trước.

Vậy nhưng chỉ vì một hộ dân có ý kiến khiến con hẻm đã bị băm nát như thế này. Đúng ra việc làm tốt của ông Linh cần phải được ghi nhận và khuyến khích”.

Một người khác cũng lên tiếng, đường đi bị xuống cấp mà chính quyền không có động thái gì. Khi người dân muốn đóng góp tiền của, ngày công để chỉnh trang lại bị phạt và bắt trả lại nguyện trạng?

Câu hỏi này dường như người dân chưa tìm được trả lời thỏa đáng. Vụ việc tương tự cũng xảy ra cách đây không lâu tại TP HCM.

Hồi tháng 5/2017, thấy đường Tân Thới Nhì 16 nối dài trên địa bàn xã Tân Thới Nhì (huyện Hóc Môn, TP HCM) mỗi khi mưa là lầy lội nên bà Nguyễn Thị Thanh Hoa (ngụ huyện Bình Chánh) gặp một số người dân nơi đây đề nghị sẽ bỏ tiền ra để thuê xe lu ủi, đổ đá dăm cho mọi người đi dễ dàng.

Trao đổi với báo chí, bà Hoa cho biết thấy đường lầy lội, gia đình bà đã bỏ ra 158 triệu đồng để làm đường cho mọi người đi lại an toàn, thì ngày 1/7 cán bộ xã Tân Thới Nhì tới lập biên bản phạt gia đình bà Hoa 3 triệu đồng và bắt gia đình phải lấy hết đá dăm đã đổ xuống, hoàn lại con đường lầy lội như cũ.

Cũng theo lời bà Hoa, theo quyết định thì người bị phạt là chồng bà, nhưng chồng bà lại không đứng tên giấy tờ sở hữu đất ở xã Tân Thới Nhì. Nguyên nhân phạt được ghi trong quyết định là do “san, lấp mương trái quy định”.

Một số người dân ở khu vực cho hay, con đường này tồn tại đã mấy chục năm nay nay. Trước kia đường nhỏ, trời mưa thì lầy lội, sau khi đổ đá dăm xe cộ đi lại rất thoải mái và an toàn. Về vấn đề này, đại diện UBND xã Tân Thới Nhì cho biết, theo các tài liệu cũ, và các quy định của TP HCM về đất đai thì đoạn đường vừa mới làm này chính là một tuyến mương để sản xuất nông nghiệp.

Sau đó, chồng bà Hoa có tiến hành san lấp nên chính quyền xã đã xử lý theo qui định, đồng thời yêu cầu hộ dân vi phạm phải trả lại hiện trạng ban đầu là kênh mương tưới tiêu cho dân.

Theo vị này, nếu bà Hoa có nhã ý muốn làm đường thì UBND xã rất ủng hộ và sẽ hướng dẫn tận tình chu đáo, đúng thủ tục. Và trước đó chính quyền đã xử phạt đối với một số trường hợp làm cống, làm đường trái quy định ở khu vực này.

Đại diện chính quyền cho rằng mục đích của chủ đất là phân lô để bán nền nên việc tự ý làm đường cũng là để nâng giá đất. Khoảng giữa tháng 4/2017, chủ đất đã tự ý phân thành 10 lô. Phát hiện sự việc, UBND xã đã lập biên bản xử lý và chủ đất hứa sẽ tự khắc phục, tháo dỡ phần tường xây…

Đến giữa tháng 5/2017, chủ đất tiếp tục đổ đất, san lấp để thực hiện tiếp “con đường” trên, do đó UBND xã đã ra quyết định xử phạt.

Theo Pháp Luật Plus


Ý kiến bạn đọc