Tham nhũng ở khu vực tư lũng đoạn cả chính sách

14:41, 29/11/2017
|

(VnMedia) - Tham nhũng ở khu vực tư rất nghiêm trọng, nhiều khi chi phối, lũng đoạn cả chính sách. Nhiều người đưa hối lộ hoặc thông đồng với khu vực nhà nước để tư lợi gây thất thoát lớn tiền, tài sản nhà nước… ĐBQH nhấn mạnh sự cần thiết phải mở rộng phòng chống tham nhũng ra khu vực tư…

Trước trạng đưa, nhận hối lộ, móc nối giữa tư nhân và cán bộ, công chức để giành lợi thế trong sản xuất, kinh doanh…, Dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi vừa qua đã mở rộng phạm vi điều chỉnh sang phòng chống tham nhũng ở cả khu vực ngoài Nhà nước.

Quy định mới này đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của các đại biểu Quốc hội, trong đó kể cả những ý kiến đồng ý hoặc không đồng ý đều đưa ra những lập luận có cơ sở. Đây là một dự luận được hầu hết các đại biểu đánh giá là hết sức quan trọng nên phải được thảo luận, phân tích một cách thấu đáo. Luật dự kiến sẽ được tiếp tục thảo luận trong 2 Kỳ họp tới và sẽ được hoàn thiện, thông qua vào tháng 11/2018.

VnMedia xin đưa ra hai luồng ý kiến và những lập luận đó để bạn đọc tham khảo. Trước hết, trong bài viết này, chúng tôi giới thiệu những ý kiến và lập luận đồng ý với Dự thảo.

ĐB Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ): Tham nhũng ở khu vực tư rất nghiêm trọng

Tôi thống nhất việc mở rộng phạm vi phòng, chống tham nhũng sang khu vực tư. Đây là điểm nổi bật trong sửa đổi luật lần này phù hợp với công ước quốc tế về chủ trương của Đảng là từng bước mở rộng hoạt động phòng, chống tham nhũng ra ngoài khu vực nhà nước…

Việc lợi dụng quyền lực để vụ lợi trong khu vực tư về bản chất cũng không khác gì khu vực công nên phải được coi là hành vi tham nhũng. Tham nhũng ở khu vực tư rất nghiêm trọng, nhiều khi chi phối, lũng đoạn cả chính sách, nhiều người đưa hối lộ hoặc thông đồng với khu vực nhà nước để tư lợi gây thất thoát lớn tiền, tài sản nhà nước. Ở Việt Nam đã xảy ra các vụ tham nhũng nghiêm trọng trong khu vực tư, như tại công ty cho thuê tài chính ALCII hoặc các vụ chiếm đoạt tiền của ngân hàng, của khách hàng gửi tiền v.v...

Đây mới chỉ là bước đầu nên luật tập trung vào phòng, chống tham nhũng tại các công ty đại chúng, các tổ chức tín dụng, các quỹ, các tổ chức xã hội, tôi cho là phù hợp vì kinh nghiệm cho thấy tham nhũng xảy ra tại các đơn vị này ảnh hưởng đến nhiều người và nếu tham nhũng xảy ra ở mức độ nghiêm trọng, có thể ảnh hưởng đến cả cộng đồng.

Việc mở rộng lần này cũng chỉ giới hạn ở 4 loại hình đơn vị nên không kìm hãm sự phát triển của khu vực tư và không cản trở việc tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng trong khu vực nhà nước…

ĐBQH Hoàng Quang Hàm
ĐBQH Hoàng Quang Hàm

ĐB Đỗ Văn Bình (TP Hải Phòng):

Thực tế hiện nay ngày càng có sự gắn kết giữa các cơ quan, đơn vị nhà nước với các đơn vị thuộc khu vực ngoài nhà nước. Nhiều doanh nghiệp, đơn vị ngoài nhà nước đã trở thành đối tác cung cấp dịch vụ vật tư hàng hóa cho các đơn vị ngoài đơn vị nhà nước. Do sự gắn kết giữa hai khu vực này, nếu chỉ tập trung phòng, chống tham nhũng ở khu vực nhà nước mà chưa tập trung chống tham nhũng ở khu vực ngoài nhà nước thì công tác phòng, chống tham nhũng ngay ở trong khu vực nhà nước cũng khó mà đạt hiệu quả cao.

ĐBQH Đỗ Đức Bình
ĐBQH Đỗ Văn Bình

ĐB Nguyễn Văn Khánh (Bình Dương):

Thực tiễn đấu tranh các tội phạm tham nhũng cho thấy sự móc nối, liên kết giữa khu vực công và khu vực tư để thực hiện hành vi tham nhũng ngày một phổ biến, trong quá trình phát triển ngày càng nhiều doanh nghiệp, tổ chức thuộc khu vực tư trở thành đối tác cung cấp dịch vụ cho các cơ quan, tổ chức, nhà nước như dịch vụ hành chính công, giao thông, xây dựng, giáo dục, y tế v.v... hay việc cung cấp vật tư, hàng hóa, phương tiện kỹ thuật cho hoạt động của bộ máy nhà nước thông qua hợp đồng kinh tế, từ các mối quan hệ này đã phát sinh tham nhũng.

Như vậy, tham nhũng hiện nay không còn dừng lại ở quan niệm truyền thống là sản phẩm của khu vực công mà là tệ nạn, căn bệnh chung của toàn xã hội, không phân biệt ở khu vực công hay khu vực tư. Hành vi tham nhũng ở khu vực tư thường xuất hiện như hành vi hối lộ, đòi hoa hồng, lại quả, gửi quà, quà biếu, bồi dưỡng, cảm ơn, chiêu đãi, tham ô, sử dụng phương tiện tài sản của tập thể vào mục đích cá nhân. Như vậy tham nhũng ở khu vực ngoài nhà nước không khác gì khu vực công…

ĐBQH Nguyễn Văn Khánh
ĐBQH Nguyễn Văn Khánh

ĐB Nguyễn Quang Dũng (Quảng Nam):

Quan điểm của tôi là cần thiết phải mở rộng vì điều này đã có nhiều nước làm và pháp luật hình sự của nước ta cũng đã có quy định. Trong chính sách hình sự của nhà nước ta từ nhiều năm nay đã và đang xử lý những người không phải là cán bộ, công chức với vai trò đồng phạm trong các vụ tham ô, hối lộ. Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi) cũng đã quy định xử lý người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước là chủ thể trong các tội tham ô tài sản và hối lộ. Do đó, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật này sẽ phù hợp với Bộ luật hình sự.

ĐBQH Nguyễn Quang Dũng
ĐBQH Nguyễn Quang Dũng

ĐB Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An):

Thực tế hiện nay tình hình tham nhũng trong khu vực tư hay khu vực ngoài nhà nước đã và đang xuất hiện dưới nhiều hình thức, có sự liên kết, móc ngoặc giữa khu vực công và khu vực tư, làm ảnh hưởng đến các hoạt động cạnh tranh lành mạnh trong môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư, cản trở hiệu quả hoạt động phòng, chống tham nhũng của chúng ta. Việc mở rộng này nó phù hợp với quan điểm chỉ đạo của Đảng, phù hợp với một số quy định trong Bộ luật Hình sự, phù hợp với Công ước quốc tế về phòng, chống tham nhũng mà chúng ta là thành viên.

ĐBQH Nguyễn Thanh Hiền
ĐBQH Nguyễn Thanh Hiền

ĐB Y Nhàn (Kon Tum):

Vấn đề lợi ích không chỉ trong khu vực công, tức là khu vực nhà nước mà còn cả trong khu vực tư ngoài nhà nước. Mặt khác, chúng ta đang thực hiện cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, sự phát triển kinh tế tư nhân ngày càng được khuyến khích và nhà nước phải thiết lập bộ máy quản lý và trao quyền lực cho người đứng đầu. Còn những người quản lý kinh tế ngoài nhà nước lại có xu hướng lạm quyền thông qua những người này và như thế xuất hiện hiện tượng móc nối liên kết giữa khu vực công và tư. Hiện tượng đó là cơ sở tham nhũng trong khu vực tư với các hình thức hối lộ, biển thủ tài sản, gửi giá trong các hợp đồng thương mại dịch vụ v.v... 

ĐBQH Y Nhàn
ĐBQH Y Nhàn

ĐB Trần Tất Thế (Hà Nam): Phù hợp với thông lệ quốc tế

Thực tế tình hình tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước đã xuất hiện và đang phát triển phức tạp, khó kiểm soát, nhất là trong các lĩnh vực như vay vốn đầu tư, đấu thầu, ký kết hợp đồng giữa các doanh nghiệp, các khoản chi không chính thức để lại quả bằng các hình thức biếu quà, mời đi du lịch hoặc tạo việc làm cho người thân của các doanh nghiệp, cuối cùng đều tính vào giá thành sản phẩm và người tiêu dùng là người phải gánh chịu.

Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật ra khu vực ngoài nhà nước là phù hợp với thông lệ quốc tế, cụ thể là công ước của Liên hợp quốc về phòng, chống tham nhũng mà Việt Nam đã ký kết. Trong công ước này đã quy định cụ thể về phòng, chống tham nhũng trong khu vực tư.

Ngoài ra, do yêu cầu thống nhất quy định về hành vi tham nhũng giữa Bộ luật Hình sự và Luật Phòng, chống tham nhũng. Bộ luật Hình sự năm 2015 đã mở rộng phạm vi điều chỉnh các hành vi tham nhũng sang khu vực ngoài nhà nước với việc quy định 4 tội danh là tham ô, đưa hối lộ, nhận hối lộ và môi giới hối lộ. Do đó, Luật Phòng, chống tham nhũng cần phải có quy định về vấn đề này cho phù hợp.

Tuy nhiên, cần thận trọng, tránh làm phát sinh việc lạm quyền, nhũng nhiễu của cán bộ, công chức nhà nước khi phát hiện phòng, chống tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước làm ảnh hưởng đến quyền tự do kinh doanh, hiệu quả sản xuất của doanh nghiệp. Đề xuất, cân nhắc cơ chế giám sát việc thực hiện công vụ về phòng, chống tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước để tránh lạm quyền, tránh việc thanh tra, kiểm tra tràn lan, không có căn cứ.

ĐBQH Trần Tất Thế
ĐBQH Trần Tất Thế

Xuân Hưng

 


Ý kiến bạn đọc