Công trình bảo vệ đa dạng sinh học dãy Trường Sơn: Giải Nhất lĩnh vực Môi trường

07:08, 17/11/2017
|

(VnMedia) - Công trình Bảo tồn đa dạng sinh học dãy Trường Sơn của Tác giả T.S Nguyễn Ngọc Sinh và các cộng sự - Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã vinh dự nhận được Giải thưởng Môi trường của Giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm 2017.

Ông Nguyễn Thiện Nhân - ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; ông Trần Hồng Hà - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường trao giải thưởng Môi trường.
Ông Nguyễn Thiện Nhân - ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; ông Trần Hồng Hà - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trao giải thưởng Môi trường cho T.S Nguyễn Ngọc Sinh

Đây là tổng hợp các công trình nghiên cứu khoa học về Bảo tồn đa dạng sinh học dãy Trường Sơn, được các chuyên gia Hội Bảo vệ Thiên nhiên & Môi trường Việt Nam biên soạn. Cuốn sách dày hơn 300 trang do TS.Nguyễn Ngọc Sinh - Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam làm chủ biên cùng các cộng sự - Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam.

Cuốn sách có 4 chương, bao gồm 18 đề mục lớn (trong đó có hơn 40 đề mục nhỏ và nhiều hình ảnh minh họa sinh động). Chương I của cuốn sách này giới thiệu khá kỹ về xuất sứ, ranh giới, văn hóa, con người, tài nguyên thiên nhiên…của dãy Trường Sơn huyền thoại. Trọng tâm của cuốn sách này là các Chương II, III và IV: giới thiệu đa dạng sinh học, những mối đe dọa nghiêm trọng, cũng như những hành động cấp bách để bảo tồn phát triển bền vững.

Cuốn sách
Cuốn sách Bảo tồn đa dạng sinh học dãy Trường Sơn đã được xuất bản năm 2012

Cuốn sách không chỉ giúp người đọc về hiểu biết về địa lý sinh học dãy Trường Sơn, các hệ sinh thái đặc thù và nắm bắt được những thông tin mới nhất về các nguồn gen đặc thù (động, thực vật) cũng như vai trò của nó đối với sự phát triển kinh tế - xã hội trong vùng. Cuốn “Bảo tồn đa dạng sinh học dãy Trường Sơn” còn chỉ ra những tác động của con người, tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, của sinh vật ngoại lai…đến đa dạng sinh học dãy Trường Sơn. Trong đó, các tác giả đã chỉ ra hàng loạt giải pháp, đặc biệt là phối hợp chặt chẽ với Lào, Campuchia cùng  xây dựng chiến lược và huy động sức mạnh của cộng đồng cùng bảo vệ, phát triển đa dạng sinh học dãy Trường Sơn.

Được Hội Khuyến học Việt Nam khởi xướng từ năm 2005, Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2017 được đồng tổ chức bởi Báo Dân trí cùng Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT). Tổng công ty Truyền thông VNPT-Media là đơn vị bảo trợ thông tin cho Giải thưởng.

Trao đổi với PV báo điện tử VnMedia tại Lễ trao giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm 2017, TS Nguyễn Ngọc Sinh chia sẻ, cuốn sách Bảo tồn đa dạng sinh học dãy Trường Sơn được các cộng sự của ông tại Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam dày công xây dựng. 

Hội bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã thành lập được 30 năm. Điều mà tất cả các hội viên đều mong muốn đó là một năm có thể xuất bản được 1 cuốn sách liên quan đến vấn đề môi trường.

Vào năm 2010, nhân dịp kỷ niệm Thập kỷ bảo tồn sinh học của Liên Hợp Quốc 2010-2020, Hội đã phát động một chương trình mà mục đích để tập hợp các công trình nghiên cứu về đa dạng sinh học dãy Trường Sơn. Sau đó, Hội đã thường xuyên tổ chức các hội thảo khoa học bảo tồn đa dạng sinh học dãy Trường Sơn. Đây được xem là hoạt động thường niên của Hội.

Thời gian đầu tiên, Hội đã tổ chức được 2-3 buổi hội thảo và tập hợp được rất nhiều tư liệu liên quan. Do vậy, các thành viên trong hội đã xuất bản và cho ra đời Tập 1 cuốn sách Bảo tồn đa dạng sinh học dựa trên việc tập hợp, tổng kết và nâng lên một cách hệ thống toàn diện các thông tin đã được trình bày tại các cuộc hội. 

“Qua các cuộc hội thảo này, chúng tôi thấy rằng, các tư liệu về bảo tồn đa dạng sinh học dãy Trường Sơn rất là phong phú và quý giá. Chúng ta cần thiết phải bảo tồn đa dạng sinh học dãy Trường Sơn – một vùng đất thiêng liêng. Nhất là Việt Nam đang trong quá trình phát triển và phải đối mặt với biến đổi khí hậu ” – T.S Nguyễn Ngọc Sinh nói.

Cũng theo T.S Nguyễn Ngọc Sinh, thông qua Giải thưởng Nhân tài Đất Việt, thay mặt cho Hội và các cộng sự, ông muốn truyền tải thông điệp chung đến cộng đồng “Hãy biết bảo vệ và giữ gìn vốn rất quý về đa dạng sinh học của mảnh đất Trường Sơn thiêng liêng".

Điều này sẽ giúp đất nước phát triển bền vững và ứng phó thành công với biến đổi khí hậu. Vùng sinh thái dãy Trường Sơn là một trong 7 vùng kinh tế trọng điểm của Việt Nam bởi thế mạnh về sự phong phú, độc đáo của tài nguyên đa dạng sinh học. Đây còn là vùng đang có 40 dân tộc anh em, trong đó có khoảng 30 dân tộc bản địa. Vì vậy, bảo tồn đa dạng sinh học trên dãy Trường Sơn cũng chính là bảo vệ phát huy các nền văn hóa đặc sắc của 40 dân tộc trong phát triển bền vững.

Khánh An


Ý kiến bạn đọc