3 "đặc khu kinh tế" đều ở vị chí chiến lược: Cần đảm bảo quốc phòng an ninh!

16:34, 10/11/2017
|

(VnMedia) - Theo Uỷ ban pháp luật, các địa bàn dự kiến thành lập 3 đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt đều có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh nên cần làm rõ vấn đề bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia. Hơn nữa, giao đất 99 năm là quá dài...

Chiều nay (10/11), sau khi Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt (HCKTĐB), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật (UBPL) của Quốc hội Nguyễn Khắc Định đã trình bày Báo cáo thẩm tra, trong đó nêu lên nhiều vấn đề hệ trọng cần phải được xem xét kỹ lưỡng.

Chủ nhiệm UBPL cho biết, UBPL tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt với những lý do như được nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, bên cạnh đó, UBPL đề nghị Chính phủ làm rõ hơn một số nội dung.

Theo UBPL, các mô hình khu kinh tế hiện nay ở nước ta  được hưởng nhiều ưu đãi về đầu tư, thuế, đất đai…, tuy nhiên, tính hiệu quả của các chính sách ưu đãi và sự đáp ứng các mục tiêu, kỳ vọng đặt ra khi thành lập các khu kinh tế này còn nhiều hạn chế….

Đặc khu kinh tế
Phú Quốc dự kiến trở thành đơn vị  hành chính - kinh tế đặc biệt

Đặc biệt, các địa bàn dự kiến thành lập 3 đơn vị HCKTĐB (Phú Quốc, Vân Đồn, Bắc Vân Phong - PV) đều là những nơi có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh. Do đó, UBPL đề nghị làm rõ vấn đề bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia và tác động của tình hình an ninh chính trị trong khu vực đến sự phát triển ổn định của các đơn vị này.

Bên cạnh đó, việc phát triển đơn vị HCKTĐB dự kiến sẽ gắn với các dự án quy mô lớn, vì vậy cần đánh giá về tác động đối với việc bảo tồn các giá trị tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học, đặc biệt là tài nguyên biển đảo và rừng phòng hộ ở các khu vực này.

UBPL cũng cho biết, có ý kiến cho rằng "dự thảo Luật chưa hài hòa giữa việc thiết kế chính sách ưu đãi thu hút đầu tư, phát triển kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội có thể phát sinh, đặc biệt là việc bảo vệ quyền lợi của các nhóm xã hội dễ bị tổn thương..." . Do đó, đề nghị Cơ quan soạn thảo báo cáo rõ hơn về những tác động xã hội đối với cư dân địa phương, làm rõ lợi ích của những cơ chế, chính sách dự kiến áp dụng đối với việc từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho Nhân dân ở các khu vực này, giải pháp để khắc phục, giảm thiểu các tác động bất lợi (nếu có).

Về việc tổ chức chính quyền địa phương đơn vị HCKTĐB, Chính phủ đưa ra hai phương án. Theo đó, phương án 1 là không tổ chức Hội đồng nhân dân (HĐND) và Ủy ban nhân dân (UBND) tại đơn vị HCKTĐB mà thực hiện thiết chế Trưởng Đơn vị HCKTĐB do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, được phân quyền, phân cấp mạnh, có thẩm quyền quyết định và tổ chức thực hiện toàn bộ các hoạt động hành chính, kinh tế - xã hội trên địa bàn đơn vị HCKTĐB. Chính phủ đề xuất lựa chọn phương án này. Phương án 2 là tổ chức chính quyền địa phương đơn vị HCKTĐB gồm có HĐND và UBND. Do còn ý kiến khác nhau, UBPL xin báo cáo Quốc hội xem xét, cho ý kiến về vấn đề này.

Đối với các chính sách liên quan đến đất đai, tài nguyên thiên nhiên, UBPL đề nghị Luật cần bảo đảm nguyên tắc hiến định là đất đai, tài nguyên thiên nhiên thuộc sở hữu toàn dân. Vì vậy, các chính sách liên quan đến quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất cần được đặc biệt lưu ý, đánh giá tác động thận trọng.

Về quyền và nghĩa vụ về sử dụng đất tại đơn vị HCKTĐB, UBPL cho biết, việc quản lý, sử dụng đất đai, tài sản gắn liền với đất không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn liên quan tới an ninh, chủ quyền quốc gia. Đối với một số địa bàn còn có ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân do tác động của việc thu hồi đất.

Ngoài ra, các khu vực dự kiến thành lập đơn vị HCKTĐB đều là những nơi có tiềm năng, lợi thế về du lịch, dịch vụ, hiện đang có sức hấp dẫn lớn đối với các nhà đầu tư, đồng thời, có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh.

“Hơn nữa, việc giao đất với thời hạn tới 99 năm là quá dài so với chu kỳ thu hồi vốn của hoạt động sản xuất, kinh doanh và có thể bất lợi cho Nhà nước do nền kinh tế thế giới đang có sự biến động mạnh mẽ, có thể dẫn đến những thay đổi khó dự báo về vai trò, vị trí của một số ngành, nghề được ưu tiên trong nền kinh tế”, UBPL nhấn mạnh.

Do đó, UBPL đề nghị khi xây dựng luật cần xem xét đánh giá tác động của chính sách này đối với sự ổn định kinh tế vĩ mô cũng như với cuộc sống của người dân; quy định thời hạn sử dụng đất phù hợp hơn đối với từng ngành, nghề ưu tiên phát triển và phù hợp với thực tế sử dụng, gắn với thực trạng quỹ đất hiện có tại mỗi địa phương để vừa thu hút đầu tư, vừa bảo đảm an ninh, chủ quyền, lợi ích quốc gia, dân tộc và không gây lãng phí nguồn tài nguyên đất đai.

Về chính sách ưu đãi về thuế, Dự thảo Luật quy định các ưu đãi về thuế thu nhập cá nhân, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp trong đơn vị HCKTĐB…

Theo UBPL, những ưu đãi về thuế sẽ tác động tới nguồn thu của ngân sách, ảnh hưởng trực tiếp tới nền kinh tế đất nước, do đó, cần có sự tính toán về những chi phí và lợi ích của những chính sách này, cân nhắc về tác động đối với các doanh nghiệp nội địa ngoài đơn vị HCKTĐB và nguy cơ các ưu đãi về thuế bị lợi dụng . Mặt khác, kinh nghiệm các nước cho thấy, việc hoàn thiện khung pháp lý và sự thuận lợi về thể chế hành chính trong nhiều trường hợp có thể còn quan trọng hơn các ưu đãi về đất đai hay thuế.

Xuân Hưng


Ý kiến bạn đọc