Thi THPT quốc gia 2017-2018: Không có đề mẫu khiến giáo viên hoang mang

09:27, 28/10/2017
|
Nhiều giáo viên, học sinh bày tỏ sự hoang mang, lo lắng về cấu trúc đề thi cũng như việc ôn luyện quá dàn trải bởi kỳ thi THPT quốc gia năm nay Bộ GD&ĐT công bố không có đề thi minh họa cũng như không giới hạn kiến thức lớp 11.
 
Hoang mang
 
Đầu tháng 10/2017, Bộ GD&ĐT ra văn bản hướng dẫn dạy học và ôn tập trong đó khẳng định kỳ thi THPT quốc gia 2017-2018, bộ sẽ không ra thêm đề thi minh họa. Điều này khiến các giáo viên, học sinh băn khoăn, lo lắng khi kiến thức ôn thi năm nay có thêm cả lớp 11.  
Thí sinh làm thủ tục dự thi kỳ THPT Quốc gia 2016-2017.
Thí sinh làm thủ tục dự thi kỳ THPT Quốc gia 2016-2017.
Cô Nguyễn Thị Hằng Nga, Tổ trưởng môn Ngữ văn Trường THPT Hoài Đức B (huyện Hoài Đức, Hà Nội) cho rằng, năm nay bộ cho biết, đề thi sẽ ra cả phần kiến thức lớp 11 là đã nặng hơn năm trước rồi. Vậy mà, bộ không ra đề minh họa sẽ là điều khó  khăn đối với giáo viên lẫn học sinh. Theo cô Nga, giáo viên sẽ không biết kiến thức lớp 11 mà đề sẽ ra vào phần nào để ôn tập. “Nếu không có đề mẫu lẫn giới hạn kiến thức cả giáo viên sẽ rất hoang mang và bối rối bởi kiến thức quá rộng thầy trò bơi không kịp”, cô Nga nói.
 
Cô Nguyễn Thị Thu Hương, giáo viên Toán một trường THPT ở Hà Tĩnh cho biết, thời kỳ này cô trò rất vất vả, hoang mang bởi không biết đề thi năm nay có điểm rơi ở đâu hay dàn trải? Nếu có đề minh họa, cô trò còn nắm được ma trận đề thi ra sao để có hướng ôn tập trên lớp cũng như hướng dẫn học sinh tự học ở nhà. Theo cô Hương, năm nay. Bô GD&ĐT cho rằng, cấu trúc đề thi tương tự năm 2016 tuy nhiên, khả năng đề thi năm nay sẽ khác nhiều bởi năm nay có thêm phần kiến thức lớp 11. Cô Hương cũng chia sẻ: “3 năm lại đây, kỳ thi THPT quốc gia có quá nhiều thay đổi, khiến giáo viên chạy theo rất mệt mỏi, học sinh lo lắng”.
 
Thầy Trần Văn Hán, giáo viên Vật lý một trường THPT tại Hà Nội cũng đồng quan điểm là không có đề minh họa đồng nghĩa học sinh phải bơi giữa biển kiến thức nặng và rộng. Thầy Hán cho biết, hiện tại chưa có kế hoạch nào khác nên thầy trò ôn hết kiến thức lớp 11, còn phần kiến thức lớp 12 học đến đâu ôn luyện cuốn chiếu đến đó. “Khi kết thúc chương trình, thầy trò sẽ dành một thời gian để gút lại vấn đề trọng tâm nhưng điều này sẽ rất khó cho học sinh yếu kém bởi sau một thời gian không ôn bài trước, các em sẽ nhanh quên”, thầy Hán nói.
 
Cần có đề thi  minh họa
 
Cô Nguyễn Thị Hằng Nga cho rằng, thời điểm này Bộ GD&ĐT vẫn nên ra đề thi minh họa để học sinh nắm được cấu trúc đề thi như thế nào. Cụ thể, kiến thức lớp 12 chiếm bao nhiêu %, kiến thức lớp 11 được ra như thế nào để có hướng ôn tập tốt nhất.
 
Cũng theo cô Nga, nếu Bộ vẫn cương quyết với tình trạng không có đề mẫu, không giới hạn kiến thức lớp 11 thì rất dễ có khả năng học sinh bất ngờ với đề thi. Cô Nga nói, học sinh ở Trường THPT Hoài Đức B, ngay từ đầu năm học đã được ôn luyện thêm 1 buổi/tuần. Ôn luyện cuốn chiếu như vậy giáo viên mới đủ thời gian để giảng giải, hướng dẫn cho học sinh hiểu nội dung, phong cách tác giả, tác phẩm cũng như cách xử lý nội dung đó vào từng câu hỏi như thế nào cho hợp lý. “Nhiều giáo viên trẻ mới ra trường, chưa có kinh nghiệm, chưa có khả năng khái quát và chốt vấn đề tốt thì học sinh rất dễ bị rơi vào hoang mang, nắm kiến thức lơ mơ”, cô Nga nói.
 
Trong khi đó, Hiệu trưởng Trường THPT Đồng Quan (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) ông Lê Văn Dũng cho rằng, với nội dung kiến thức thi rộng như năm nay trường phải tăng tốc ôn tập cho học sinh ngay từ đầu năm học. Cụ thể, các môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ trường tổ chức dạy ôn tập 1 buổi/ tuần từ đầu năm. Khi vào học kỳ II, học sinh đăng ký các môn thi, khi đó trường tổ chức phân lớp để ôn luyện. “Đặc biệt, đối với học sinh có năng lực yếu kém, trường chia nhiều nhóm, cắt cử giáo viên khá giỏi bồi dưỡng để các em không bị bỏ xa so với các bạn”, ông Dũng nói.
 
Ông Dũng cũng cho rằng, với việc ôn luyện nhiều môn cùng lúc, cộng với đề thi thêm phần kiến thức lớp 11, nếu có đề thi minh họa, học sinh, giáo viên sẽ có lợi hơn. “Vì cùng lúc phải ôn luyện nhiều môn nên dù Bộ có cho thí sinh đăng ký thi hai tổ hợp môn cùng lúc nhưng trường cũng khuyên học sinh không nên “ôm” bởi các em phải học quá nhiều sẽ khó hiệu quả”, ông Dũng nói.
 
Hiệu trưởng một trường THPT khác ở Hà Nội cũng chia sẻ, thời điểm này trường mới chỉ ôn tập các môn cơ bản tuy nhiên, nhiều học sinh, giáo viên lo lắng. Ông nói, những năm trước đến khoảng tháng 5 là trường cơ bản chốt được việc ôn luyện, cho thi thử để đánh giá chất lượng học sinh. Năm nay, cộng với phần ôn tập kiến thức lớp 11, thời điểm đó sẽ rất khó. Hiệu trưởng này cũng cho rằng, học sinh đang đối mặt với kỳ thi nhiều áp lực khi cùng lúc phải ôn luyện tới 8 môn, kiến thức lại quá rộng. Nếu giáo viên bộ môn chưa có kinh nghiệm hướng dẫn học sinh, nhiều em khó nắm vững kiến thức để thực hiện bài thi trắc nghiệm với nhiều câu hỏi.   
 
(Theo Tiền Phong)
 

Ý kiến bạn đọc