Nhiều bộ, ngành tinh giản biên chế không đúng đối tượng

06:55, 30/10/2017
|

(VnMedia) - Báo cáo của Chính phủ cho biết, tổ chức bộ máy và biên chế công chức tại các cơ quan hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương chưa giảm; một số Bộ, ngành, địa phương đưa vào diện tinh giản biên chế đối với một số trường hợp không thuộc đối tượng tinh giản…

tinh giản biên chế
Một số Bộ, ngành, địa phương đưa vào diện tinh giản biên chế đối với một số trường hợp không thuộc đối tượng tinh giản...

Hôm nay (30/10), Quốc hội sẽ thảo luận tại Hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016.

Bên chế công chức từ trung ương đến địa phương chưa giảm

Theo Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016, về tổ chức bộ máy, tuy đã được tích cực sắp xếp, kiện toàn qua các nhiệm kỳ Chính phủ nhưng đến nay tổ chức bộ máy bên trong của một số Bộ, cơ quan ngang Bộ vẫn còn biểu hiện cồng kềnh, còn tầng nấc trung gian; trên một số lĩnh vực vẫn còn giao thoa, đan xen hoặc phân công chưa thực sự phù hợp hoặc chưa đủ rõ, dẫn đến khó xác định trách nhiệm khi có vấn đề xảy ra.

Cùng với đó, công tác phối hợp thực hiện chức năng, nhiệm vụ giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ còn hạn chế, chưa thực hiện nguyên tắc một việc chỉ giao cho một cơ quan, một người chủ trì, chịu trách nhiệm chính. Thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực vẫn còn phức tạp, rườm rà, chậm được khắc phục.

Việc quy định về tổ chức trong các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành không thuộc lĩnh vực tổ chức Nhà nước làm phát sinh tăng đầu mối tổ chức, gây trở ngại cho việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy theo yêu cầu cải cách hành chính.

Báo cáo của Chính phủ cũng thừa nhận, số lượng cấp phó tại một số tổ chức hành chính còn vượt so với quy định, còn mất cân đối giữa số lượng người giữ chức danh lãnh đạo, quản lý và số công chức tham mưu tại một số tổ chức hành chính.

Cùng với đó, số lượng các sở được tổ chức thống nhất tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương còn nhiều và chưa phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị và điều kiện, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương theo yêu cầu của Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015. Một số tổ chức chi cục thuộc sở còn chưa được tổ chức lại cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao, tạo tầng nấc trung gian.

Tổ chức bộ máy và biên chế công chức tại các cơ quan hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương chưa giảm, tinh giản biên chế còn gặp nhiều khó khăn;

Việc lập và quản lý theo quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập theo ngành, lĩnh vực chưa được coi trọng, dẫn đến làm tăng cả về tổ chức và biên chế (số lượng người làm việc) trong các đơn vị sự nghiệp công lập.

Báo cáo của Chính phủ cũng chỉ ra, một số chính sách là điều kiện quan trọng để thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của đơn vị sự nghiệp công lập (như học phí, viện phí…); cũng như nhiều định mức kinh tế kỹ thuật, tiêu chuẩn ngành còn thiếu (định mức giờ giảng, định mức biên chế theo lĩnh vực, theo ngành, nghề...) chưa được ban hành hoặc sửa đổi kịp thời; các định mức chi và cơ chế quản lý chi chậm đổi mới, chưa gắn với kết quả hoạt động nên hạn chế tính tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp. Đây cũng là nguyên nhân làm chậm quá trình đẩy mạnh xã hội hóa đối với một số lĩnh vực dịch vụ sự nghiệp công.

Việc nghiên cứu, xây dựng các văn bản quy định tiêu chí cụ thể để đánh giá mức độ hoàn thành và chất lượng hoạt động sự nghiệp của đơn vị khi được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm còn nhiều lúng túng, chưa có hệ thống đánh giá kết quả hoạt động thích hợp với đặc thù của từng ngành, lĩnh vực.

Trong khi đó, về quản lý biên chế, báo cáo của Chính phủ cho biết, thẩm quyền quản lý biên chế được giao cho nhiều cơ quan, dẫn đến việc quản lý biên chế không bảo đảm thống nhất theo quy định tại Điều 96 Hiến pháp năm 2013, Luật tổ chức Chính phủ năm 2015, Luật cán bộ, công chức năm 2008 và Luật viên chức năm 2010.

Tại các văn bản của Đảng, Nhà nước đã xác định rõ yêu cầu kiên trì thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, bảo đảm không làm tăng biên chế của cả hệ thống chính trị nhưng một số Bộ, ngành, địa phương vẫn đề nghị bổ sung biên chế.

Việc xây dựng kế hoạch biên chế hằng năm của Bộ, ngành, địa phương chưa được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định tại các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Một số địa phương sử dụng biên chế công chức vượt so với chỉ tiêu biên chế công chức được Trung ương giao hàng năm.

Số người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập tăng nhiều hằng năm

Trong khi đó, báo cáo của Chính phủ cho biết, đối với số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập, trước năm 2015, phân cấp cho Bộ, ngành, địa phương tự quyết định, nhưng cơ chế kiểm tra, giám sát không cụ thể dẫn đến số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập tăng nhiều hằng năm.

Từ năm 2015, việc quản lý số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp đã được thực hiện thống nhất theo quy định của Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, Luật viên chức và các văn bản hướng dẫn thi hành. Tuy nhiên, nhiều địa phương không thực hiện đúng quy định: UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trình HĐND cùng cấp phê duyệt tổng số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập hằng năm khi chưa có ý kiến thẩm định của cơ quan có thẩm quyền, dẫn đến tăng số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập.

Việc chuyển các đơn vị sự nghiệp công lập có nguồn thu sự nghiệp, đáp ứng đủ điều kiện thực hiện cơ chế tự chủ, không hưởng lương từ ngân sách nhà nước và khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động cung ứng dịch vụ công trong các lĩnh vực sự nghiệp còn hạn chế.

Công tác thống kê, báo cáo về quản lý, sử dụng biên chế công chức, số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập tại một số Bộ, ngành, địa phương chưa kịp thời.

Về tinh giản biên chế, đến nay, đa số các Bộ, ngành, địa phương chưa phê duyệt Đề án tinh giản biên chế đến năm 2021 và chưa xây dựng kế hoạch tinh giản biên chế của Bộ, ngành, địa phương mình từ năm 2015 - 2021 và của từng năm, dẫn đến tình trạng đề xuất giải quyết chính sách tinh giản biên chế không theo quy định. Đồng thời, mới chỉ tập trung tinh giản biên chế mà không chú trọng việc cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức theo đề án vị trí việc làm.

Với tiến độ và cách làm như hiện nay thì khó có thể thực hiện được mục tiêu Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị" - Báo cáo của Chính phủ nhận định.

Đặc biệt, báo cáo cho biết, một số Bộ, ngành, địa phương thực hiện tinh giản biên chế chưa đúng theo trình tự quy định; đưa vào diện tinh giản biên chế đối với một số trường hợp không thuộc đối tượng tinh giản.

Các Bộ, ngành, địa phương không nghiêm túc thực hiện chế độ báo cáo kết quả, đánh giá tình hình thực hiện tinh giản biên chế của Bộ, ngành, địa phương mình gửi Bộ Nội vụ để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định.

Xuân Hưng


Ý kiến bạn đọc