Nguyên nhân nào dẫn đến mưa lụt gây thiệt hại kinh hoàng vừa qua?

20:28, 13/10/2017
|

Ông Lê Thanh Hải - Phó TGĐ Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia nhận định, những ngày qua, cả 2 yếu tố thời tiết không khí lạnh và áp thấp nhiệt đới cùng xuất hiện đã kết hợp tạo nên một đợt mưa lớn ở khu vực Bắc miền Trung và các tỉnh miền núi phía Bắc, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, các trận mưa có tính chất cực đoan và khó lường hơn.

 

Hình ảnh hàng nghìn con lợn chết trong nước lũ ở Thanh Hóa gây sốc. (Ảnh: Duy Tuyên)
Hình ảnh hàng nghìn con lợn chết trong nước lũ ở Thanh Hóa gây sốc. (Ảnh: Duy Tuyên)

Liên quan đến đợt mưa lũ vừa qua xảy ra tại khu vực Bắc miền Trung và các tỉnh miền núi phía Bắc gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, sáng ngày 13/10, phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Lê Thanh Hải – Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia.

Theo ông Hải, nguyên nhân chính của đợt mưa lớn lần này ở khu vực trên là do ảnh hưởng trực tiếp của áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào khu vực Nghệ An – Hà Tĩnh, sau đó là kết hợp với quá trình tăng cường yếu của không khí lạnh từ phía Bắc gây ra đới gió Đông ẩm và gây mưa liên tục cho khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ.

“Thông thường vào mùa Thu, khi xuất hiện không khí lạnh hoặc áp thấp nhiệt đới đã gây mưa to. Nhưng mấy ngày qua, hai yếu tố này lại kết hợp tạo nên một đợt mưa lớn ở khu vực Bắc miền Trung và các tỉnh miền núi phía Bắc gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản” – ông Hải phân tích.

Cũng theo ông Hải, cường độ mưa lớn ở các tỉnh Bắc Trung Bộ tập trung vào ngày 9-10/10, trong khi ở Bắc Bộ xảy ra tập trung từ đêm 10/10 đến đêm 11/10.

 

Mưa lũ đã gây ngập nặng ở nhiều tỉnh miền Bắc, miền Trung (Ảnh: Nguyễn Duy).
Mưa lũ đã gây ngập nặng ở nhiều tỉnh miền Bắc, miền Trung (Ảnh: Nguyễn Duy).

 

Đặc biệt lượng mưa lớn nhất cực đoan tập trung ở khu vực Hòa Bình với tổng lượng mưa ở khu vực này đạt 300-400 mm, có nơi xấp xỉ 500 mm. Cá biệt có điểm như: Bát Mọt (Thanh Hoá) gần 600 mm hay Kim Bôi (Hoà Bình) 550 mm, trong khi ở các khu vực khác phổ biến 100-200 mm, có nơi hơn 300 mm.

Ngoài ra, ông Hải cho biết, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên các trận mưa có tính chất cực đoan và khó lường hơn.

Đánh giá về lượng mưa năm nay, đặc biệt tại khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc, ông Hải cho biết: Năm 2017, mưa ở các tỉnh đều ghi nhận cao hơn trung bình nhiều năm.

Tại các tỉnh miền núi phía Bắc, đầu tháng 8/2017, đã xuất hiện trận lũ lịch sử gây thiệt hại nặng nề về người và của, đặc biệt ở 2 tỉnh Sơn La và Yên Bái.

Ông Hải cho biết, trận lũ lịch sử đầu tháng 8 vừa qua, ông đã trực tiếp có mặt tại huyện Mường La của tỉnh Sơn La để ghi nhận thực tế tình hình.

“Theo đánh giá, ở khu vực con suối Nậm Păm ở huyện Mường La có khoảng một triệu m3 đất đá bị dịch chuyển và sạt lở trong trận mưa lũ đó. Nhưng để dịch chuyển được khối lượng đất đá này đòi hỏi phải có khoảng 5 triệu m3 nước. Số nước này không thể có được trong mấy ngày mưa, mà nó phải được tích hàng tháng trước đó” – ông Hải nói.

Vừa qua, mưa lớn xảy ra tại Hòa Bình từ ngày 9-11/10 có nơi đã ghi nhận được trên 500 mm. Nước từ thượng nguồn đổ về hồ thủy điện Hòa Bình rất lớn, do đó, này đã phải mở 8 cửa xả đáy, được đánh giá là đợt xả lũ lớn so với nhiều năm.

Nhận biết sạt lở đất, lũ quét bằng kinh nghiệm?

Về việc người dân ở các địa phương miền núi không kịp trở tay khi có mưa lớn, đã bị thiệt mạng do đất đá sạt lở, vùi lấp, liệu có phải lỗi do khâu dự báo, ông Hải từ chối trả lời và nói “Việc này hãy để các địa phương và Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đánh giá”.

Cũng liên quan công tác dự báo, trước đó, Tiến sĩ Bùi Minh Tăng – nguyên Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương – cho biết: Cơ quan khí tượng thủy văn chỉ cảnh báo được vùng này có mưa lớn, chứ để chỉ ra cụ thể quả đồi, ngọn núi nào có nguy cơ sạt lở hoặc dòng sông, con suối nào có nguy cơ xảy ra lũ quét thì thực sự không làm được. Điều này chỉ có người dân địa phương nếu quan tâm, theo dõi và bằng kinh nghiệm mới biết được.

Tiến sĩ Tăng cho biết thêm, lượng mưa rơi xuống cũng chỉ là điều kiện cần, chứ không phải là điều kiện đủ để xảy ra lũ quét và sạt lở đất.

"Đủ" có nhiều thứ như phụ thuộc vào độ dốc, thảm thực vật, kết cấu đất đá vùng đó như thế nào nữa. Có những trận mưa chỉ 50-70 mm cũng có thể xảy ra lũ quét, nhưng có những điểm mưa tới 200-300 mm nhưng không làm sao, vì dòng nước không bị chặn nên không thể xảy ra lũ quét.

“Tôi lấy ví dụ, 1 con suối ở 1 xã nào đó dài khoảng 3-4km, bình thường không làm sao, nhưng bất ngờ có 1 cái cây nào đó đổ xuống, hoặc do con người chặt phá rừng dẫn đến cây đổ xuống, khi mưa xuống nó chặn dòng, sau đó dồn ứ lại và phá ra là nguy cơ xảy ra lũ quét ngay” – Tiến sĩ Tăng cho biết.

Cũng theo Tiến sĩ Tăng, trong phòng chống lũ quét, chính người dân ở địa phương đó mới biết nguy cơ của mình đến mức nào. Mỗi một địa phương cần thành lập 1 nhóm, khi người ta báo mưa thì nhóm này sẽ đi rà soát các điểm có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét; chỗ nào tích nước rồi cần phá ra để khơi thông dòng chảy.

 

 


Ý kiến bạn đọc