Mưa lũ đã làm 72 người chết, 30 người mất tích

14:57, 16/10/2017
|

(VnMedia) - Theo báo cáo nhanh của các địa phương, thiệt hại tính đến 21h00 ngày 15/10, mưa lũ đã làm 72 người chết, tăng 4 người so với báo cáo trước đó do đã tìm thấy một số thi thể.

Nhiều gia đình tại Nghĩa Lộ bị lũ cô lập. Ảnh: Tiền phong
Nhiều gia đình tại Nghĩa Lộ bị lũ cô lập. Ảnh: Tiền phong

Trong số đó, Sơn La có 6 người; Yên Bái 15 người, tăng 1 người; Hòa Bình: 23 người, tăng 3 người; Thanh Hóa: 16 người; Nghệ An: 9 người, Hà Nội: 2 người; Quảng Trị: 1 người).

Mưa lũ cũng làm 30 người mất tích, giảm 4 người so với báo cáo ngày trước đó (Sơn La: 2 người; Yên Bái: 13 người, giảm 1 người; Hòa Bình: 10 người, giảm 3 người; Thanh Hóa: 5 người).

Cùng với đó, mưa lũ làm 33 người bị thương (Sơn La: 4 người; Yên Bái: 9 người, tăng 1 người; Thái Bình: 6 người; Hòa Bình: 8 người; Thanh Hóa: 5 người; Hà Tĩnh: 1 người).

Về sự cố sạt lở đất vùi lấp 4 hộ dân với 18 người tại xóm Khanh, xã Phú Cường, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, đến chiều ngày 15/10, đã tìm được 13 thi thể nạn nhân bị vùi lấp; còn 5 người mất tích, hiện vẫn đang tiếp tục tìm kiếm. Thông tin mới nhất cho thấy đã tìm thấy một phần thi thể của nạn nhân thứ 14.

Về nhà cửa, đã có 222 nhà bị sập đổ hư hỏng; 2.300 nhà di dời khẩn cấp; 49.402 nhà bị ngập; hiện nay mực nước đang rút, các địa phương tiếp tục tổ chức thống kê, tổng hợp

Còn theo báo cáo của Vụ Quản lý đê điều ngày 16/10, trong đợt mưa lũ từ ngày 10-13/10/2017, trên các tuyến đê đã đã xảy ra 170 sự cố (45.934m) (đê từ cấp III trở lên: 60 sự cố, đê dưới cấp III: 110 sự cố). Trong đó, trên một số tuyến đê của tỉnh Thanh Hóa đã xảy ra những sự cố rất nguy hiểm như: sự cố nứt mặt đê, sạt lở mái đê phía sông đê tả Chu (K17+250-K17+337); sạt mái đê phía sông đê hữu Mã (K32+200-K32+225); nước tràn và xấp xỉ tràn qua đỉnh đê tả, hữu sông Lạch Trường (tổng chiều dài 3.276m); sự cố bãi sủi ở hạ lưu đê tả Chu (K30+050); lỗ phụt nước đục hạ lưu đê hữu Lèn (K5+950).

Trên các tuyến đê dưới cấp III đã xảy ra tổng cộng 110 sự cố/35.166m, trong đó có 9 sự cố vỡ đê (87m), 30 sự cố sạt lở mái đê (1.562m); 5 sự cố thẩm lậu, rò rỉ nước qua thân đê (200m)… Trong đó, có các sự cố nguy hiểm như: sự cố lủng mang cống trạm bơm Quang Hoa tại K14+350 đê hữu Cầu Chày; sự cố sập hai bên mang cống Ông Công đê hữu sông Hoàng; nhiều đoạn đê tả, hữu Cầu Chày bị tràn và xấp xỉ tràn.

Hiện nay, các tỉnh đang tiếp tục thống kê, đánh giá thiệt hại và đề xuất nhu cầu hỗ trợ khẩn cấp.

Về sự cố giao thông, tại Yên Bái, tuyến đường tỉnh lộ 166 đoạn Âu Lâu-Đông An tại Km 42+200 đường   sạt lở gây ách tắc giao thông.

Tại Hòa Bình, Quốc lộ 6 đoạn ngã ba Tòng Đậu, huyện Mai Châu hiện đã thông tuyến nhưng lưu thông gặp nhiều khó khăn do nước chưa rút hết.

Tại Sơn La: Đường giao thông đến xã Mường Bang, Sập Xa, huyện Phù Yên; xã Chiềng Yên, Song Khủa, Suối Bàng, Mường Men, Liên Hòa, Mường Tè huyện Vân Hồ hiện vẫn bị cô lập (cầu Bản Đông xã Tường Phù, cầu gỗ xã Mường Cơi, cầu tại QL37, cầu Bản Kháng bị cuốn trôi; cầu Gia Phù bị trôi 02 mố).

Tại Thanh Hóa: Quốc lộ 16 đoạn qua huyện Thường Xuân Km168-Km190, tỉnh lộ 521B tại Km18+300 xã Lũng Cao, huyện Bá Thước, tuyến đường tuần tra biên giới đoạn qua huyện Thường Xuân, Quan Sơn còn ách tắc, chưa thông tuyến.

Hiện nay các địa phương vẫn đang tiếp tục tập trung lực lượng, phương tiện khắc phục giao thông.

Bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới

Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, bão số 11 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Hồi 13 giờ ngày 16/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) ở vào khoảng 20,3 độ Vĩ Bắc; 109,3 độ Kinh Đông, cách đảo Bạch Long Vĩ khoảng 160km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9.

Dự báo trong 12 giờ tới, ATNĐ di chuyển theo hướng Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 15km và suy yếu dần thành thành một vùng áp thấp. Đến 01 giờ ngày 16/10, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 19,0 độ Vĩ Bắc; 108,0 độ Kinh Đông, trên khu vực Nam Vịnh Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ).

Cảnh báo gió mạnh trên biển: Do ảnh hưởng của ATNĐ kết hợp với không khí lạnh, Vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9; biển động mạnh. Vùng biển Quảng Trị đến Quảng Ngãi (bao gồm các đảo Hòn Ngư, Cù Lao Chàm, Lý Sơn) có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8; biển động. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Cảnh báo mưa lớn trên đất liền: Do ảnh hưởng của hoàn lưu ATNĐ kết hợp với không khí lạnh tăng cường, từ hôm nay (16/10) đến hết ngày 17/10 ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa, mưa vừa, riêng phía Đông Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.

Do ảnh hưởng của gió mùa tây nam, khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển Bình Thuận-Cà Mau, Cà Mau-Kiên Giang tiếp tục có mưa rào và dông, gió tây nam cấp 5, có lúc cấp 6, trong cơn dông có khả năng giật cấp 7-9; biển động. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1.

Tuệ Khanh


Ý kiến bạn đọc