Đại biểu Quốc hội còn nhiều băn khoăn về Luật Quy hoạch

08:35, 26/10/2017
|

(VnMedia) - Ngày 25/10, Dự thảo Luật Quy hoạch một lần nữa được đưa ra thảo luận, lấy ý kiến của các đại biểu Quốc hội.  Đây là lần thứ 2 Quốc hội thảo luận và cho ý kiến về dự án Luật Quy hoạch, tuy nhiên, tại phiên thảo luận này vẫn còn một số đại biểu băn khoăn về tính khả thi của dự Luật.

Tại Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật Quy hoạch, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xin bổ sung danh mục gồm 25 Bộ luật và Luật tại Phụ lục 2 của Dự thảo Luật Quy hoạch.

Việc sửa các quy định liên quan đến quy hoạch tại 25 Bộ luật và Luật này về cơ bản liên quan đến quy trình và thẩm quyền lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh các loại quy hoạch để bảo đảm đồng bộ với Luật Quy hoạch. Do vậy, kiến nghị Quốc hội cho phép bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 dự án một luật để sửa đồng thời các luật này theo hướng chia nhóm các luật theo ngành, lĩnh vực mà các bộ quản lý. 

Đại biểu Quốc hội thảo luận về Luật Quy hoạch

Đại biểu Quốc hội bàn thảo về Dự thảo Luật Quy hoạch

“Việc sửa đổi như vậy là khả thi và đảm bảo có hiệu lực cùng với Luật Quy hoạch theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Ngoài ra, để không bỏ sót các quy định liên quan đến quy hoạch, Khoản 4 Điều 70 của Dự thảo Luật giao Chính phủ rà soát và ban hành danh mục các quy hoạch được tích hợp quy định và các quy hoạch sản phẩm trước ngày 01/01/2019. UBTVQH cũng đã chỉ đạo dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc thi hành Luật Quy hoạch, trong đó yêu cầu Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương chuẩn bị các công việc cần thiết để bảo đảm hiệu lực trong thực thi Luật ” - ông Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh. 

Góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật, các đại biểu đánh giá cao Dự thảo Luật lần này đã được chỉnh lý theo hướng điều chỉnh tầm nhìn của các quy hoạch dài hơn, cụ thể tầm nhìn của quy hoạch cấp quốc gia là từ 30 năm đến 50 năm, tầm nhìn của quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh là từ 20 năm đến 30 năm đã bảo tính ổn định lâu dài của quy hoạch, tuy nhiên một số đại biểu vẫn bày tỏ e ngại về quy trình lập quy hoạch.

Băn khoăn về quy định tổ chức lập, phê duyệt nhiệm vụ, thành lập Hội đồng thẩm định quy hoạch tại dự án Luật có thể gây ra cách hiểu là có tình trạng vừa đá bóng, vừa thổi còi, một số đại biểu đặt vấn đề: Việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư có thẩm quyền thành lập Hội đồng thẩm định quy hoạch cấp tỉnh liệu có phù hợp, khi cấp tổ chức quy hoạch là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh?

Đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị đối với quy hoạch của tỉnh phải từ 20 năm trở lên, của vùng phải từ 30 năm trở lên, quốc gia từ 50 năm trở lên. Hàng năm sẽ tiếp nhận các ý kiến bổ sung nhưng cứ 5 năm xem xét một lần. ĐB Lê Xuân Thân (Khánh Hòa), cũng cho rằng, thời kỳ quy hoạch nêu trong dự thảo là 10 năm là quy định cứng nhắc.
 
"Tôi đề nghị cần công khai quy hoạch càng nhiều càng tốt cho nhân dân biết. Khi chúng ta xây dựng quy hoạch cần lấy ý kiến nhưng khi quy hoạch làm xong cần công khai ở mức nhiều nhất cho nhân dân biết vì tất cả mọi thắc mắc, ý kiến này nọ là do chúng ta không công khai" - ĐB Nguyễn Anh Trí nêu. 

Đại biểu Thái Trường Giang (Cà Mau) cho rằng, quy định lấy ý kiến cộng đồng bằng hình thức hội thảo, hội nghị như trong hội thảo chưa đầy đủ. Nhiều vấn đề chuyên sâu thì cộng đồng không thể hiểu, dẫn đến việc lấy ý kiến không hiệu quả. Theo đại biểu này, cần có nhiều hình thức lấy ý kiến cộng đồng. Đồng thời, có quy định cụ thể về tỷ lệ ý kiến đồng thuận là bao nhiêu để đồ án quy hoạch được thông qua.

Liên quan đến vấn đề này, theo lý giải của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, việc phân định các vùng phụ thuộc vào Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Đảng trong từng thời kỳ, nhằm kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội.

Mặt khác, vùng hiện nay không phải là 1 cấp hành chính, vì vậy, việc không quy định cụ thể các vùng ngay trong Luật là để đảm bảo việc phân vùng sẽ phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội ở từng giai đoạn phát triển và tính linh hoạt trong chỉ đạo điều hành, phù hợp với quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ trong quản lý và phát triển kinh tế được quy định tại Luật Tổ chức Chính phủ. Do vậy, Dự thảo Luật sẽ giao cho Chính phủ quy định chi tiết.

Đối với các thành phố trực thuộc Trung ương, sẽ chịu sự điều chỉnh của cả Luật Quy hoạch và Luật Quy hoạch đô thị, trong đó, các quy định của Luật Quy hoạch đô thị sẽ liên quan đến việc tổ chức không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội và nhà ở để tạo lập môi trường sống thích hợp cho người dân sống trong đô thị, được thể hiện thông qua đồ án quy hoạch đô thị.

Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa nhận đây là dự án Luật khó. Theo Bộ trưởng, về quy trình lập quy hoạch, không thể một cơ quan hay tổ chức nào, mà phải nhiều bộ ngành, các chuyên gia trong và ngoài nước cùng lập quy hoạch. Khi có mâu thuẫn giữa quy hoạch cùng cấp thì nếu quy hoạch ngành quốc gia mâu thuẫn với nhau thì phải thực hiện theo quy hoạch tổng thể quốc gia; nếu quy hoạch vùng, tỉnh mâu thuẫn với nhau thì thực hiện theo quy hoạch cấp trên.

Khánh An


Ý kiến bạn đọc