Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm:: "Cải cách bộ máy hành chính còn nhiều phức tạp"

18:12, 30/10/2017
|

(VnMedia) - Chiều nay, 30/10, tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội tiếp tục thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016.

Toàn cảnh phiên họp Quốc hội
Toàn cảnh phiên họp Quốc hội

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) nêu ba nguyên nhân dẫn tới việc cải cách bộ máy hành chính còn nhiều bất cập. 

Thứ nhất là việc phân cấp, phân quyền chưa đạt được mong đợi như nghị quyết của Đảng. Lý do có thể vì tinh thần trách nhiệm của các bộ ngành quá cao, thấy lo lắng cho chính quyền địa phương nếu giao không đủ khả năng. Nhưng mặt khác có thể do quy định trong pháp luật về trách nhiệm chưa tương thích với quyền lợi, còn có độ vênh giữa quyền lợi thu được với trách nhiệm người đứng đầu hoặc cán bộ công chức. 

Thứ hai là địa phương thiếu chủ động, ỷ lại các cơ quan trung ương hoặc các bộ ngành chưa cầu thị, lắng nghe. Thực tế các địa  phương có đề xuất, chứng minh năng lực nhưng không được tiếp nhận.

Thứ ba là thiếu tôn trọng thực tiễn, mang nặng tư duy cào bằng, cầu toàn trong quá trình triển khai thực hiện. Nhìn trên 63 tỉnh thành để mà phân cấp cụ thể từng địa phương, chứ không đánh giá từ thực tiễn và năng lực cụ thể của từng địa phương, vùng miền. 

Đại biểu Tâm đề nghị cần làm rõ nguyên nhân về phân cấp, phân quyền chưa đạt như yêu cầu về Nghị quyết của Đảng, Hiến pháp đặt ra. Một mặt do tinh thần trách nhiệm của các bộ, ngành chưa đạt được như các địa phương. Mặt khác do quy định pháp luật về trách nhiệm chưa tương thích với quyền lợi, trách nhiệm của người đứng đầu, hoặc bộ phận công chức, chuyên viên mà bộ phận đó mang lại. “Đề nghị cần phân tích thẳng thắn thấy việc chậm vì sao”, đại biểu yêu cầu.

Lý do thứ hai là do địa phương có tính ỷ lại, thiếu chủ động, các bộ, ngành chưa lắng nghe ý kiến, kiến nghị ở các địa phương. “Có thực tế các địa phương đã đề nghị được phân cấp, có chứng minh rõ lý do vì sao cần phân cấp, nhưng bộ, ngành chưa lắng nghe vấn đề này”, đại biểu cho biết. Thêm một vấn đề nữa được đại biểu chỉ ra, đó là sự thiếu tôn trọng thực tiễn, đánh giá các điều kiện đủ. “Tôi cho rằng có tư tưởng cào bằng, cầu toàn, cho nên thực hiện vấn đề này chưa tốt”, đại biểu nói.

Chính vì vậy, để việc phân cấp, phân quyền, ủy quyền đi sát với quy đinh pháp luật, theo đúng chủ trương của Đảng, đại biểu đề nghị, chính quyền địa phương cần có sự chủ động đề xuất, kiến nghị được phân cấp cụ thể. Chính quyền địa phương phải chứng minh cho được năng lực, chứng minh được sự đổi mới của mình trong tư duy trong quản lý. Chính phủ, bộ, ngành phải chủ động phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương, đánh giá đúng tình hình năng lực chính quyền địa phương để phân cấp. Chính phủ cùng bàn luận với địa phương để xem phân cấp vấn đề gì. Cần giám sát việc thi hành pháp luật để xem pháp luật có được thực thi đúng không?

Đại biểu Phạm Quang Dũng (Nam Định) tranh luận, cho rằng thủ tục đầu tư hiện quá rườm rà, phức tạp... làm cho GDP không tăng trưởng được; đây không phải là cơ quan hành chính nhũng nhiễu mà còn do luật pháp chồng chéo khó thực hiện; dẫn báo cáo của VCCI cho rằng chi phí không chính thức, chi phí tín dụng cao hơn so với các nước trong khu vực dẫn tới giá thành sản phẩm của VN cao hơn các nước trong khu vực từ 15-17%, hàng hóa VN không xuất khẩu được mà thua ngay trên sân nhà, dẫn tới DN Việt đình đốn, phá sản ngay trên sân nhà, nhà nước mất nguồn thu... do vậy cần phải làm rõ nguyên nhân gốc rễ để có giải pháp phù hợp... Đại biểu đề nghị xem xét lại quy trình làm luật; cơ quan soạn thảo luật phải độc lập với cơ quan quản lý...

Đại biểu Hoàng Trung Hải (đoàn Hà Nội) chia sẻ, gần 2 năm thực hiện Nghị quyết 39, thành phố Hà Nội đã rút được hàng trăm phòng ban, điều đó đồng nghĩa với việc giảm nhiều hơn nữa về số lượng cán bộ có vị trí trưởng, phó phòng; đồng thời giảm được gần 1.000 cán bộ, công chức.

Sau sắp xếp, tinh giảm bộ máy thì đánh giá là hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền tốt hơn. Trong khi số lượng nhân sự ít hơn nhưng với chỉ một đầu mối nên khối lượng công việc làm được nhiều hơn. Tuy nhiên, vấn đề này đòi hỏi cả một quá trình, chứ không phải ngay một lúc, một năm mà được.

Hiện TP Hà Nội cũng đang đề nghị Chính phủ cho xây dựng cơ chế tự nguyện. Tức là một người tự nguyên xin nghỉ làm việc thì có cơ chế hỗ trợ thêm như thế nào ngoài những chính sách của nhà nước. Thường các nước làm theo sơ đồ như vậy, đây là sơ đồ rất nhân văn.

Khánh An


Ý kiến bạn đọc