Quảng Bình: Cả xã "mất nóc"

10:16, 17/09/2017
|

Xã Cao Quảng (huyện Tuyên Hóa) được bao bọc bởi các dãy núi cao xung quanh, tách biệt với bên ngoài. Cơn bão số 10 quét qua địa bàn, làm cho 100% ngôi nhà dân ở trong xã đều bị tốc mái, vỡ ngói, dân đùa nhau rằng: cả xã “mất nóc”.

Vào nhà vệ sinh hàng xóm trú bão

Cao Quảng là xã miền núi vùng sâu, vùng xa của huyện Tuyên Hóa. Đường đi vào xã Cao Quảng rất khó khăn do phải qua dãy núi Cao Mã ngoằn nghoèo, dốc đứng. Nếu đi xe ô tô theo đường QL 12 phải đi theo đường tỉnh 559 từ thị xã Ba Đồn đi lên với quãng đường gần 30km.

Do tích chất địa hình đồi núi xen lẫn khe suối, nên khi có thông tin bão số 10 siêu mạnh sẽ đi vào địa bàn, chính qyền địa phương đã phân chia thành các tổ công tác xuống các thôn quyết liệt di dời dân đến chỗ nhà kiên cố, công trình đảm bảo an toàn. Bão tan, người an toàn, nhưng tài sản chỉ còn đống đổ nát.

 
Ngôi nhà của anh Mai Anh Tuấn (thôn Sơn Thủy) chỉ còn lại 4 bức tường.
Ngôi nhà của anh Mai Anh Tuấn (thôn Sơn Thủy) chỉ còn lại 4 bức tường.

“Anh Mai Anh Tuấn (Thôn Sơn Thủy) cho biết “Gia đình tôi có hai vợ chồng và một con nhỏ 7 tháng tuổi. Nhà chúng tôi mới làm được vài năm, nghe tin bão mạnh nên vợ chồng cũng chằng dây néo. Nhưng khi gió bắt đầu to dần, tôi bế con cùng vợ chạy sang công trình nhà chú bên cạnh để trốn. Thấy nhà chú bị tốc ngói, nên chúng tôi phải trốn vào nhà vệ sinh. Nhà vệ sinh nhỏ, nhưng nhờ đổ mái bê tông, nên chúng tôi đã sống sót qua bão”.

Mái nhà lợp tôn của gia đình anh Tuấn bị gió bốc bay sang bên vườn nhà hàng xóm bẹp dúm. Những cây keo đường kính 30cm nằm vắt trên tường rào, trốc gốc lên như người dân nhổ sắn. Nhà anh Tuấn chỉ còn trơ lại bốn bức tường và trong nhà là ngổn ngang hàng hóa, đồ dùng ướt sũng.

Căn nhà tan hoang của gia đình cụ Đặng Thị Tiu (thôn Sơn Thủy)
Căn nhà tan hoang của gia đình cụ Đặng Thị Tiu (thôn Sơn Thủy)

“Chúng tôi mới lập gia đình và vay mượn tiền làm nhà ở riêng, để làm ăn trả nợ nên mở đại lý thức ăn gia súc phục vụ bà con và kèm bán tạp hóa. 6 tấn cám công ty mới nhập về, nghe bão đến hai vợ chồng chuyển vào nhà đùm bạt cẩn thận, nhưng mái nhà bị bốc đi, giờ cám và hàng hóa ướt hết hỏng hết. Giờ phải đi Ba Đồn mua bạt về để che cho có chỗ chui ra chui vào và để vợ con có chỗ ngủ. Còn mái nhà cũng không biết lúc nào mới có tiền để làm lại, trong khi nợ nần càng chồng chất” anh Tuấn buồn bã.

Không phải sang nhà vệ sinh hàng xóm trú, gia đình chị Ngô Phương Duy (1988, thôn Hợp Tiến) cả nhà chui xuống gần giường nghe gió rít, ngói và mưa rơi trên đầu.

Chị Ngô Phương Duy (thôn Hợp Tiến) đang tìm những thứ sót lại trong căn nhà bị đổ sập.
Chị Ngô Phương Duy (thôn Hợp Tiến) đang tìm những thứ sót lại trong căn nhà bị đổ sập.

“Gia đình tôi có nhà xây, và ngôi nhà bếp dựng bằng gỗ, khi dọn dẹp mọi thứ xong thì cũng là lúc gió bão bắt đầu lớn. Nhìn những nhà xung quanh cũng giống nhà mình, đều trú ẩn trong nhà, nên vợ chồng tôi cho con chui xuống giường, gác ván lên trên giường tránh đồ đạc rơi. Được một lúc thì ngôi nhà bếp bị đổ sập, nhà chính ngói bắt đầu rơi trên giường. Hai vợ chồng và 2 đứa con chỉ biết ôm chặt nhau chờ bão qua mau. Khi gió nhẹ, nhìn sang hàng xóm, gia đình anh Nguyễn Xuân Thắng cũng đã bị gió cuốn bay mái ngói, bức tường thưng bằng ván cũng đổ sập, bung ván bay khắp nơi. Gia đình anh phải dìu nhau chạy sang nhà hàng xóm trong bão” chị phương kể.

Thiệt hại hơn 55 tỉ đồng

Trong xã Cao Quảng có 606 nóc nhà, sau khi bão số 10 tàn phá thì cả 606 ngôi nhà đều bị hư hỏng, chủ yếu là mái ngói. Trong đó có 33 ngôi nhà bị hư hỏng nặng và tốc mái hoàn toàn, 300 ngôi nhà bị thiệt hại nặng.

Chị Nguyễn Thị Hướng (thôn Tân Tiến) đang tranh thủ phơi quần áo bên cạnh ngôi nhà “mất nóc” của gia đình.
Chị Nguyễn Thị Hướng (thôn Tân Tiến) đang tranh thủ phơi quần áo bên cạnh ngôi nhà “mất nóc” của gia đình.

Chị Phan Thị Thìn (thôn Sơn Thủy) đang cho con nhỏ ăn cháo trưa trong ngôi nhà trống hoác tràn ánh nắng “Lúc bão, tôi cùng 3 đứa con phải dắt díu nhau sang nhà hàng xóm tránh trú. Giờ trong nhà ướt hết, nên có thím bên xóm mới mang cháo qua cho 3 đứa con ăn. Những ngày sắp tới cũng không biết làm sao để lợp lại nhà”.

Ngôi nhà là chỗ trú ngụ, sinh hoạt và ổn định cuộc sống người dân, nên khi nhà bị bão làm hư hỏng khiến người dân hết sức lo lắng.

Anh Trương Đình Oánh nói trong nghẹn ngào “năm 2013, một trận bão lũ đã quét sạch tài sản của chúng tôi rồi, giờ mới nhen nhóm lên được tí thì bão lại xóa sạch. Nhà tôi bị vỡ 80 viên pibroximang, 1600 viên ngói, hơn 2 héc-ta keo tràm 3 và 4 năm tuổi. Số keo bị mất trong năm 2013 được thuê người trồng lại giờ lại bị đổ gãy hết. Trời không thương dân, làm bao nhiêu mất bấy nhiêu, rồi mai đây không biết làm gì mà sống”.

4 mẹ con chị Phan Thị Thìn đang nhờ vào những bát cháo của gia đình hàng xóm.
4 mẹ con chị Phan Thị Thìn đang nhờ vào những bát cháo của gia đình hàng xóm.

Ông Mai Xuân Tuyên-Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Cao Quảng vừa đi cơ sở kiểm tra các thôn đang cùng anh em làm báo cáo nhanh gửi huyện. Ông nói “bão tàn phá khinh khủng quá, ngoài sự quyết liệt của chính quyền bắt buộc người dân di chuyển đến chỗ an toàn để tránh trú. Các tổ xung kích đưa người già, người có nhà tạm lên trú tránh ở các trường học, ủy ban xã và trạm y tế. Tuyên truyền các hộ tìm sang nhà hàng xóm kiên cố trong thời gian bão tới. Qua bao trận bão trước, người dân cũng ý thức cao, nhưng sức tàn phá bão lần này là quá mạnh, nhà dân ở đây bị thiệt hại cả”.

“Địa phương hư hỏng 60.000 viên ngói, 1.250 tấm Pibroximang, 90.000m2 tôn lợp và 25.000 viên gạch Blô. Ngoài ra thiệt hại về nông nghiệp và lâm nghiệp lên tới 45 tỉ đồng, trong đó rừng sản xuất của bà con là hơn 43 tỉ đồng” ông Tuyên cung cấp.

Anh Trương Đình Oánh đang dọn dẹp nhà sau khi mưa, bão làm hư hỏng.
Anh Trương Đình Oánh đang dọn dẹp nhà sau khi mưa, bão làm hư hỏng.

Người dân địa phương lo lắng khi trên địa bàn xã có một đại lý vật liệu xây dựng nhỏ, đã sạch hàng để bán. Người dân muốn mua vật liệu phải đi xuống tận Ba Đồn mới có, trong khi đường tỉnh 559 thì mới phát cây thông xe máy, chứ xe ô tô chở vật liệu chưa thể qua lại. Trước mắt, tránh cảnh màn trời chiếu đất, thì các hộ dân phải ăn nhờ, ngủ nhờ nhà hàng xóm để tránh mưa, tránh nắng.

“Xã đã thành lập các tổ xung kích giúp phát sẻ đường giao thông và giúp đỡ những gia đình bị thiệt hại nặng sữa chữa nhà. Hiện chưa có vật liệu để tu sửa, khi nào có vật liệu thì Tỉnh Đoàn có cắt cử lực lượng về giúp dân lợp lại nhà”- ông Tuyên chủ tịch xã nói.

Người dân xã Cao Quảng sống chủ yếu dựa vào trồng rừng sản xuất, nhưng cơn bão số 13 đã cướp sạch tài sản họ một lần, 4 năm sau bão số 10 lại xóa sạch rừng gần cho thu hoạch. Biết khi nào người dân nơi rẻo cao này nhà “có nóc” trở lại, và ổn định được cuộc sống làm ăn đang là nỗi trăn trở lớn của chính quyền địa phương nơi đây.

Theo Infonet


Ý kiến bạn đọc