"Người bị thu hồi đất cần được chia sẻ lợi ích từ dự án"

09:12, 03/09/2017
|

(VnMedia) - Theo TS Phạm Sĩ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam - không nên xem người có đất thu hồi chỉ là bên bị thiệt hại được bồi thường “đúng giá”, mà cần xem họ là bên đóng góp cho phát triển, vì vậy ngoài việc lấy lại “đủ vốn”, họ còn có quyền chia sẻ lợi ích mà phát triển đem lại.

Thu hồi đất
Ảnh minh hoạ

Diện thu hồi đất quá rộng 

TS Phạm Sĩ Liêm cho biết, để thực hiện quy hoạch, chính quyền đô thị các nước đều có nhu cầu cấp đất cho các dự án phát triển vì lợi ích công cộng.

Ông lấy ví dụ: Hiến pháp các nước tuy đề cao viêc bảo vệ quyền tư hữu tài sản nhưng khi cần thiết vì lợi ích công cộng thì cũng trao quyền cho Nhà nước “tước đoạt” quyền sở hữu này, thông qua biện pháp “quyền tối thượng” (Eminent Domain)ở Hoa Kỳ, “trưng mua” (Compulsory Purchase) ở Anh, “truất hữu” (Expropriation) ở Pháp, “thu hồi quyền sử dụng đất công hữu và trưng thu đất sở hữu tập thể, trưng thu nhà cửa và bồi thường” ở Trung Quốc.

Trong khi đó, Việt Nam chỉ có đất công hữu nên Luật Đất đai dùng từ “thu hồi đất” để chỉ việc tước đoạt có bồi thường quyền sử dụng đất và cả tài sản tư nhân gắn liền với đất.

Theo TS Liêm, cách gọi này cần được điều chỉnh bổ sung cho chính xác hơn thành “thu hồi quyền sử dụng đất và trưng mua tài sản gắn với đất”, như vậy, không những rõ ràng về mặt pháp lý, phù hợp với Hiến pháp (Điều 32), mà còn hạn chế được tính tùy tiện của chính quyền khi thực thi quyền tước đoạt này.

Một đặc điểm khác của chế độ thu hồi đất Việt Nam, theo TS Phạm Sĩ Liêm, là diện quá rộng, bao gồm cả việc “thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng” (Điều 62 LĐĐ) đối với các dự án được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, hay được Thủ tướng chấp thuận/quyết định đầu tư, hoặc được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chấp thuận.

Đáng chú ý là  các loại dự án được HĐND cấp tỉnh chấp thuận, bao gồm: “Dự án xây dựng khu đô thị mới, khu dân cư nông thôn mới; chỉnh trang đô thị, khu dân cư nông thôn; cụm công nghiệp; khu sản xuất, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, hải sản tập trung; dự án phát triển rừng phòng hộ, rừng đặc dụng”. Có thể nói quy định này đã quy tụ hầu hết mọi dự án đầu tư xây dựng ở địa phương vào loại “vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng”: nếu dự án nhỏ lẻ thì ghép vào chỉnh trang đô thị, khu dân cư nông thôn; chỉ cần hai cơ sở sản xuất đặt cạnh nhau là đã thành cụm công nghiệp, còn khu sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản có thể chỉ là một nhà máy tư nhân…

Do đó, HĐND tỉnh được quyền chấp thuận thu hồi đất cho hầu hết dự án đầu tư xây dựng bất kể công hay tư, lớn hay nhỏ tại địa phương mình.

“Có thể thấy phạm vi áp dụng phương thức thu hồi đất mở ra quá rộng, nhiều dự án khó chứng minh được là “vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng” - TS Phạm Sĩ Liêm nhận định.

Người bị thu hồi đất cần được chia sẻ lợi ích

Theo TS Phạm Sĩ Liêm, đã đến lúc cần đánh giá đúng thực trạng thu hồi đất của nước ta để có giải pháp xử lý thỏa đáng.

Hướng xử lý, theo TS Liêm, là thu hẹp phạm vi áp dụng và thêm khâu tổ chức thẩm định mục đích thu hồi đất xem có thực sự “vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng” hay không.

“Cần bắt buộc giao cho tổ chức chuyên nghiệp làm dịch vụ điều tra xã hội học và thu hồi đất" - TS Liêm nhấn mạnh.

TS Phạm Sĩ Liêm đặc biệt lưu ý, không nên xem người có đất thu hồi chỉ là bên bị thiệt hại được bồi thường “đúng giá”, mà cần xem họ là bên đóng góp cho phát triển, vì vậy ngoài việc lấy lại “đủ vốn”, họ còn có quyền chia sẻ lợi ích mà phát triển đem lại.

“Ngoài ra, khi thu hồi nhà ở thì còn cần xem xét thêm vấn đề thu nhập của hộ dân gắn với nơi ở. Như vậy mới thực sự công bằng, được người dân đồng tình và tiến độ giải phóng mặt bằng sẽ được thực hiện đúng hạn, dự án được khởi công kịp thời, đạt được lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng" - TS Phạm Sĩ Liêm nhấn mạnh.

Ông cũng lưu ý, cần hoàn thiện thể chế tòa án hành chính nhằm bảo đảm tính độc lập xét xử đối với các vụ kiện về thu hồi đất, và chuyển các khiếu nại về thu hồi đất không hòa giải được sang cho tòa án này xét xử.

Xuân Hưng


Ý kiến bạn đọc