Hà Nội tạm giữ trên 4.600 phương tiện vi phạm giao thông

19:50, 25/09/2017
|

(VnMedia) - Trong 9 tháng năm 2017, lực lượng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt đã kiểm tra xử lý trên 144 nghìn trường hợp vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, xử phạt hành chính trên 42 tỷ đồng; tạm giữ trên 4.600 phương tiện.

Sáng 25/9, Hà Nội tổ chức buổi giao ban các quận, huyện, thị xã quý III/2017. Báo cáo tại buổi giao ban, Thiếu tướng Đinh Văn Toản, Phó Giám đốc Công an TP. Hà Nội cho biết, tình hình trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt tiếp tục được duy trì ổn định, không xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài, các vi phạm nổi cộm về trật tự, an toàn giao thông. Các vi phạm liên quan đến “xe dù, bến cóc”, xe 3, 4 bánh tự sản xuất, tự lắp ráp, vi phạm liên quan đến xe khách, xe quá khổ, quá tải... đã được các lực lượng chức năng kiểm tra xử lý kịp thời.

Tuy nhiên, tình hình trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn còn những diễn biến phức tạp, đặc biệt là trong khu vực nội đô, trên một số tuyến quốc lộ tại một số huyện ngoại thành số vụ tai nạn giao thông và số người chết còn cao. Còn xảy ra tình trạng các phương tiện giao thông di chuyển khó khăn tại địa bàn các quận nội thành, trên các trục tuyến chính, các tuyến đường, phố tập trung đông người trong giờ cao điếm. Thành phố còn 41 tuyến, điểm giao thông có nguy cơ xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông.

Tình trạng người điều khiển xe mô tô, xe đạp điện tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm theo quy định; chở quá số người quy định; sử dụng rượu bia; chạy quá tốc độ quy định; vi phạm liên quan đến xe 3, 4 bánh tự sản xuất, tự lắp ráp; vi phạm liên quan đến phương tiện quá khổ, quá tải... còn diễn ra, tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến tai nạn giao thông.

Trong 9 tháng năm 2017, lực lượng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt đã kiểm tra xử lý trên 144 nghìn trường hợp vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, xử phạt hành chính trên 42 tỷ đồng; tạm giữ trên 4.600 phương tiện.

Theo Phó Giám đốc Công an TP. Hà Nội, còn xảy ra tình trạng người điều khiển mô tô, xe máy không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định trên các tuyến đường tỉnh lộ, liên huyện, liên xã; tình trạng phương tiện dừng, đỗ sai quy định trên một số tuyến phố có địa điểm tâm linh, đình, đền, chùa. Công tác kiểm tra xử lý tình trạng “xe dù ”, “bến cóc ”, xe khách “núp bóng” xe hợp đồng chạy tuyến cố định, xe 3, 4 bánh tự chế còn chưa triệt để.

Vi phạm giao thông
Ảnh minh họa

Về trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa còn tồn tại những diễn biến phức tạp; còn xảy ra tình trạng khai thác trái phép tài nguyên, khoáng sản cát sỏi, lòng sông vào ban đêm và sáng sớm tại khu vực giáp ranh với các tỉnh Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Phúc Thọ, Hưng Yên (nhất là trên tuyển sông Hồng, sông Đà).

Những tháng còn lại của năm 2017, Công an Thành phố sẽ tăng cường công tác tuần tra kiểm soát lưu động, tập trung xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân dẫn đến ùn, tắc và tai nạn giao thông; đẩy mạnh xử lý vi phạm giao thông đường bộ qua hệ thống camera giám sát. Ngoài ra, nâng cao năng lực, hiệu quả của lực lượng 141, tăng cường công tác phối hợp, trao đổi thông tin hai chiều giữa các Tổ công tác 141 và lực lượng Cảnh sát cơ động với Công an các quận, huyện, thị xã nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội. Nghiên cứu xây dựng phương án bố trí lực lượng khép kín thời gian, địa bàn, tập trung kiểm tra xử lý đối tượng thanh niên tụ tập càn quấy vi phạm Luật Giao thông, lạng lách, đáng võng, mang theo vũ khí tham gia giao thông.

Ngoài ra, thường xuyên tổ chức rà soát xác định các nút giao thông trên địa bàn Thành phố có nguy cơ xảy ra ùn, tắc giao thông tại các giờ cao điểm để có phương án huy động Công an phường, xã, đồn, trạm, thị trấn, bảo vệ dân phố, dân phòng, thanh niên tình nguyện phối hợp hướng dẫn, phân luồng, chống ùn tắc, nhất là trong các giờ cao điểm; các tuyến, nút giao thông không bố trí Cảnh sát giao thông đứng bục chỉ huy, điều khiển giao thông. Trong đó, phân công rõ trách nhiệm cho từng đơn vị để chủ động triển khai, bố trí đủ lực lượng làm nhiệm vụ.

Phát biểu chỉ đạo, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải đánh giá cao nỗ lực của UBND TP khi quy hoạch, xây dựng đề án quản lý phương tiện được HĐND thông qua; có kế hoạch cụ thể để triển khai. Khẳng định đây là tiền đề quan trọng, Bí thư Thành ủy đề nghị các quận huyện phải coi đây là các giải pháp “nước sôi, lửa bỏng”, triển khai quyết liệt ngay từ bây giờ. Dẫn chứng việc thành phố dành 60% số vốn trung hạn dành đầu tư cho giao thông, Bí thư Thành ủy cho biết: Sắp tới Hà Nội sẽ kiến nghị cơ chế với Chính phủ, giao HĐND thẩm quyền lớn hơn đối với các dự án hạ tầng trọng điểm để đáp ứng nhu cầu cấp thiết đô thị 10 triệu dân.

Liên quan đến tình hình PCCC, Bí thư đánh giá đây là vấn đề nóng, tuy đã chỉ đạo rất quyết liệt nhưng còn diễn biến xấu. Số vụ mấy năm gần đây tăng hơn năm trước, riêng từ đầu năm 2017 đến nay, số người chết đã ở mức cao. Dẫn chứng vụ việc cháy làm hai người chết rạng sáng 25/9 ở Chương Mỹ hay vụ việc đau xót ở Hoài Đức, và trước con số đang lo ngại với 500.000 nhà ống, trong đó có 120.000 nhà, kết hợp ở và kinh doanh,  không có lối thoát hiểm… Bí thư Thành ủy Hà Nội gợi mở, mỗi hộ dân phải xây dựng phương án PCCC; từng cơ sở sản xuất phải có phương án thoát hiểm.

Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải cũng nhắc nhở, lực lượng PCCC phải tăng cường huấn luyện, đào tạo tốt hơn. Các lực lượng chức năng cần rà soát lại từng hộ dân, cũng như các cơ sở kinh doanh có điều kiện như vũ trường, karaoke… Với 60 công trình chưa đảm bảo điều kiện PCCC vẫn chưa xử lý xong, Bí thư Thành ủy yêu cầu xử lý dứt điểm, có kế hoạch, thời gian, trách nhiệm từng người với từng công trình.

Xuân Hưng


Ý kiến bạn đọc