Chuyển đổi mô hình phát triển bền vững - Tương lai của 20 triệu dân ĐBSCL

06:38, 21/09/2017
|

(VnMedia) - Hội nghị của Chính phủ về chuyển đổi mô hình phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long đặt mục tiêu đưa được quyết sách mới có tính hệ thống, chiến lược, đột phá về quan điểm phát triển cho khu vực có gần 20 triệu dân này.

Chiều 20/9, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức họp báo Quý III. Tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã thông tin về Hội nghị của Chính phủ về chuyển đổi mô hình phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long.

Theo Bộ trưởng, Hội nghị này diễn ra trong hai ngày 26 và 27/9 tại Cần Thơ, do Thủ tướng Chính phủ chủ trì. Hội nghị sẽ thu hút sự tham gia của hơn 500 đại biểu của các Ban Đảng, Quốc hội, Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các Bộ, ngành, địa phương, Hội nông dân, trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long và khu vực lân cận, các cơ quan nghiên cứu, các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển, cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà
Bộ trưởng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp báo

Về lý do tổ chức Hội nghị này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, hiện nay, vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện đang phải đối mặt với những thách thức mang tính sống còn do mô hình phát triển trước đây không còn phù hợp, chính sách quy hoạch, phân vùng, quản lý thiếu gắn kết, đồng bộ, tổng thể, do xu thế không thể đảo ngược của biến đổi khí hậu, hoạt động sử nguồn nước từ bên ngoài và điều đó dẫn đến sự phát triển thiếu an toàn, bền vững, làm cho sinh kế của gần 20 triệu người dân trở nên bấp bênh.

Trước những yêu cầu cấp bách đặt ra nêu trên, nhằm cụ thể và hiện thực hoá những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long, với trách nhiệm và tâm huyết của mình, trong tháng 7 vừa qua, Thủ tướng đã trao đổi với Chính phủ Hà Lan lựa chọn vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nơi đang chịu những tác động kép, phức tạp để xây dựng một hình mẫu chuyển đổi mô hình phát triển bền vững, phát huy tiềm năng, phù hợp với điều kiện tự nhiên, con người và văn hoá trên cơ sở kết hợp khoa học công nghệ cao với kế thừa tri thức bản địa, biến thách thức thành cơ hội.

“Thủ tướng Chính phủ hai nước đã ký bản Ý định thư về hợp tác thúc đẩy và triển khai các dự án chuyển đổi quy mô lớn nhằm mục tiêu phát triển bền vững cho vùng đồng vùng đồng bằng quan trọng này” - Bộ trưởng cho biết.

Ngay sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương liên quan tổ chức Hội nghị nhằm tập hợp trí tuệ, phát huy sáng kiến xem xét một cách tổng thể, toàn diện, có hệ thống nhằm nhận diện đầy đủ các thách thức, định hướng được mô hình phát triển, huy động được sự tham gia chung tay của cả hệ thống chính trị, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, tạo ra những đột phá trong tư duy, thống nhất hành động trong toàn xã hội để tìm ra mô hình phát triển bền vững cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long, chủ động trước những xu thế, diễn biến, biến đổi không thể đảo ngược về điều kiện tự nhiên.

Yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ đặt ra đối với Hội nghị là khả thi, thực chất, cụ  thể: Hội nghị phải đưa được quyết sách mới có tính hệ thống, chiến lược, đột phá về quan điểm phát triển, định hướng ưu tiên, quy hoạch phân vùng lãnh thổ, đề xuất được các cơ chế chính sách phù hợp để huy động sự tham gia của các bên.

Phương án, giải pháp phải khả thi, dễ vận dụng, có tính chất kết nối toàn vùng và liên vùng, tránh riêng rẽ, bị động; có biện pháp, giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm bảo đảm cuộc sống của người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long ổn định, phát triển;

Đẩy mạnh việc áp dụng khoa học công nghệ và quản lý trên cơ sở các nghiên cứu thực tiễn; tận dụng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; phát huy vai trò của các chuyên gia, các nhà khoa học có kinh nghiệm trong nước và quốc tế thẩm định, thẩm tra, phát biểu phản biện về những giải pháp, trình bày tại Hội nghị;

Thu hút được tối đa các nguồn lực (vốn ODA, vốn vay ưu đãi, vốn tín dụng, nguồn vốn tư nhân…) nhằm phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong điều kiện tác động mạnh mẽ bởi biến đổi khí hậu;

“Trên cơ sở kết quả của Hội nghị, Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết về chuyển đổi mô hình phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu” - Bộ trưởng thông tin.

Chia sẻ thêm với báo chí, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết,nhấn mạnh quan điểm nhất quán về bảo vệ môi trường trong chuyển đổi mô hình phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long, đó là không vì phát triển mà hi sinh môi trường.

“Đồng bằng sông Cửu Long là vùng có nguồn nước từ hai chiều, nước từ thượng nguồn, có thể có lũ, nhưng đây là nguồn nước dồi dào và có một nguồn nước nữa là từ biển. Nếu ô nhiễm môi trường xảy ra sẽ ảnh hưởng đến cả vùng rộng lớn, vì vậy vấn đề môi trường ở đó phải rất trú trọng. Quan điểm về quản lý tài nguyên là phải tính toán, đánh giá nhận dạng để phát huy được giá trị đất, nước, con người. Không nên dùng nhu cầu, mưu cầu phát triển để khai thác cạn kiệt tài nguyên, cũng như khai thác mà thiếu sự tính toán hài hoà”- bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

Ông Hà cũng cho biết, “tiếng nói và sự tham gia của người dân, đại diện cho người dân tại hội nghị này là rất quan trọng”, thông qua Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân… để có những ý kiến đóng góp cụ thể.

"Tôi mong muốn những quyết sách, kết luận từ Hội nghị này, kể cả quy hoạch ĐBSCL như thế nào tới đây cũng công bố để người dân biết, góp ý và phản biện và chú ý lắng nghe mọi nơi mọi lúc, thông qua nhiều hình thức" - ông Hà nói và cho biết thêm, người dân có quyền giám sát đánh giá lại doanh nghiệp và cơ quan quản lý. Cơ chế phải đảm bảo cung cấp thông tin" - Bộ trưởng chia sẻ.


Ngày 26/9, Hội nghị của Chính phủ về chuyển đổi mô hình phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long khai mạc tại Cần Thơ. 

3 phiên thảo luận chuyên đề bàn chuyên sâu về những vấn đề cụ thể của đồng bằng sông Cửu Long bao gồm:

Phiên thứ nhất, tổng quan, thách thức phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long do Bộ Tài nguyên-môi trường chủ trì. Phiên họp chuyên đề thứ nhất không chỉ có sự tham gia của các cơ quan quản lý, các ngành, nhà khoa học, còn có sự tham gia đóng góp ý kiến của cả người dân.

Phiên thứ hai, quy hoạch tổng thể phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long; huy động điều phối nguồn lực cho phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long do Bộ Kế hoạch-Đầu tư chủ trì.

Phiên thứ ba, nông nghiệp bền vững, hạ tầng thuỷ lợi, phòng chống thiên tai và sạt lở do Bộ Nông nghiệp & phát triển nông thôn chủ trì.

Ngày 27/9, Thủ tướng Chính phủ sẽ chủ trì phiên toàn thể bàn về chuyển đổi mô hình phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Sau đó, Chính phủ sẽ có nghị quyết riêng về chuyển đổi mô hình phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.

Xuân Hưng


Ý kiến bạn đọc