Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Bão số 10 kéo dài và mạnh chưa từng thấy

19:41, 15/09/2017
|

(VnMedia) - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, chưa có cơn bão nào kéo dài tới 8 tiếng đồng hồ với cường độ mạnh như cơn bão số 10, khiến cho thiệt hại về vật chất là vô cùng nặng nề...

bão số 10
Một ngôi nhà ở Hà Tĩnh bị sập - Ảnh: Báo Hà Tĩnh
 
Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo khắc phục bão ở Quảng Bình

Ngay sau khi dự và phát biểu tại Hội nghị các Bộ trưởng Doanh nghiệp nhỏ và vừa APEC lần thứ 24 (SMEMM 24) tại TP. Hồ Chí Minh sáng 15/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác của Chính phủ đã ra Quảng Bình để kiểm tra tình hình mưa bão, chỉ đạo công tác ứng phó hoàn lưu sau bão và khắc phục hậu quả cơn bão.

Theo dự kiến ban đầu, máy bay chở đoàn công tác sẽ bay thẳng ra Đồng Hới (Quảng Bình), nhưng do điều kiện thời tiết không cho phép, máy bay đã hạ cánh xuống Đà Nẵng và từ đó, đoàn đi đường bộ ra Quảng Bình. Đoàn xe chở Thủ tướng và đoàn công tác đã đi qua các tỉnh Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị và hiện đang có mặt tại Quảng Bình.

Hiện Thủ tướng đang thị sát tình hình thiệt hại và khắc phục hậu quả bão tại thành phố Đồng Hới.

Tính đến chiều 15/9, theo thống kê của các cơ quan chức năng, tại Quảng Bình có 1 người chết, 6 người bị thương. Toàn tỉnh cũng có 13 nhà bị sập ở huyện Quảng Trạch, 1.500 nhà bị ngập ở thị xã Ba Đồn và 49.155 ngôi nhà bị tốc mái. Hiện tại Quảng Bình, mực nước sông Gianh đang dâng cao, gây ngập lụt sâu cho hàng ngàn hộ dân trên địa bàn thị xã Ba Đồn.

80% nhà ở Kỳ Anh bị hư hại

Trong khi đó, trực tiếp thị sát tại Hà Tĩnh, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, chưa có cơn bão mạnh nào kéo dài như cơn bão số 10, liên tục trong 8 tiếng liền, gây thiệt hại lớn ngooài sức tưởng tượng.

“Đến thời điểm này, 80% số nhà ở huyện Kỳ Anh (khoảng 25.000 ngôi nhà) bị tốc mái cho thấy tính khốc liệt của cơn bão. Nhưng rất may Kỳ Anh không có thiệt hại về người. Lúa hè thu của Kỳ Anh đã thu hoạch gọn; toàn bộ dân đưa đi sơ tán là an toàn” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thông tin.

Còn theo thống kê nhanh thì toàn tỉnh Hà Tĩnh đã có trên 63.000 ngôi nhà bị sập, tốc mái và hư hại.

Về thiệt hại chung của bão số 10, Bộ trưởng cho biết, khoảng gần 100.000 ngôi nhà bị tốc mái và thiệt hại ở mức độ khác nhau, 3 người tử vong (1 ở Huế, 1 ở Quảng Bình và 1 người ở Hà Tĩnh, 6 người bị thương; 3.000 ngôi nhà bị ngập, khoảng 30-32 thôn của Hà Tĩnh bị ngập khoảng 70-80cm; hàng vạn cây xanh và hàng nghìn cột điện bị đổ, viễn thông nhiều khu vực bị gián đoạn.

Cảnh báo mưa lũ sau bão 

Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, hồi 16 giờ chiều nay, vị trí tâm bão số 10 ở vào khoảng 17,9 độ Vĩ Bắc; 105,3 độ Kinh Đông, trên khu vực Trung Lào. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 12.

Dự báo trong 06 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 22 giờ ngày 15/09, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 18,2 độ Vĩ Bắc; 103,5 độ Kinh Đông, trên khu vực Trung Lào. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60 km/giờ), giật cấp 9.

Dự báo trong 06 đến 12 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau là một vùng áp thấp trên khu vực Thượng Lào.

Cảnh báo gió mạnh, sóng lớn trên biển: Vùng biển các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị (bao gồm đảo Cồn Cỏ, Hòn Ngư) chiều và tối nay còn có gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11, sóng biển cao từ 2-4m, biển động mạnh (Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3); từ đêm nay gió giảm dần. 

Trong đêm nay và ngày mai (16/09), ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Thanh Hóa, các tỉnh Nam đồng bằng Bắc Bộ, Hòa Bình và Sơn La có mưa vừa, mưa to đến rất to với tổng lượng mưa 50-150mm, có nơi trên 200mm. Riêng các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình từ ngày mai mưa giảm nhanh.

Từ nay đến ngày 17/09, trên các sông từ Thanh Hóa đến Quảng Trị sẽ xuất hiện 1 đợt lũ. Trong đợt lũ này, mực nước trên các sông ở Hà Tĩnh, Quảng Bình lên mức báo động BĐ2-BĐ3; các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị lên mức BĐ1.

Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập úng cục bộ tại các tỉnh Điện Biên, Hòa Bình, Sơn La, từ Thanh Hóa đến Quảng Bình. 

Nguy cơ cao xảy ra ngập úng ở các khu đô thị, các thành phố lớn như: TP.Vinh (Nghệ An), thị xã Kỳ Anh, TP.Hà Tĩnh (Hà Tĩnh), Ba Đồn, Đồng Hới (Quảng Bình), Quảng Trị, Đông Hà (Quảng Trị).

Tuệ Khanh


Ý kiến bạn đọc