Hà Nội: Cháu bé 8 tuổi tử vong là do sốc nhiễm khuẩn

17:56, 25/07/2017
|

(VnMedia) - Liên quan đến trường hợp cháu bé 8 tuổi ở Hà Đông (Hà Nội) tử vong tại viện 103 hôm 23/7 vừa qua, trả lời VnMedia, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, nguyên nhân là do sốc nhiễm khuẩn, không phải là do sốt xuất huyết.

dịch sốt xuất huyết
Cần loại bỏ những điều kiện sống, sinh sản của loại muỗi gây sốt xuất huyết

Theo ông Hạnh, tính từ ngày 1/1/2017 đến nay, toàn thành phố ghi nhận 6.699 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết, trong đó 99% bệnh nhân đã khỏi bệnh, 3 trường hợp tử vong (1 ở phường Trung Liệt, Đống Đa; 1 ở phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai và 1 ở phường Cống Vị, quận Ba Đình.)

Về trường hợp cháu bé 8 tuổi ở làng Đa Sỹ, Kiến Hưng, Hà Đông tử vong tại bệnh viện 103 hôm Chủ nhật (23/7), trả lời VnMedia, ông Hạnh cho biết, cơ quan y tế đã thống nhất kết luận đây là trường hợp được chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn, không phải là sốt xuất huyết.

“Ghi nhận trong 10 năm trở lại đây dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội tăng cao vào năm 2009 với 16.090 ca mắc, 4 ca tử vong; năm 2015 với 15.412 ca mắc; còn lại trung bình mỗi năm ghi nhận từ 5-6.000 trường hợp.”  - ông Hạnh cho biết.

Cũng theo Phó Giám đốc sở Hoàng Đức Hạnh, tuy số mắc sốt xuất huyết ở Hà Nôi cao đứng thứ ba cả nước, nhưng tính theo số bệnh nhân trên 100.000 dân thì Hà Nội đứng thứ 19 trên cả nước, vì dân số Hà Nội rất đông.

Tuy nhiên, cũng theo ông Hạnh, dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội năm nay đến sớm và diễn biến phức tạp, theo nhận định trong thời gian tới, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn Thành phố có thể tiếp tục gia tăng do thời tiết mùa hè nóng ẩm, mưa nhiều, muỗi phát triển mạnh. Hơn nữa, đỉnh dịch thường là vào tháng 9, tức là còn kéo dài khoảng 2 tháng nữa.

Một điều bất thường, theo ông Hạnh, năm nay, ngoài việc loăng quăng bọ gậy xuất hiện ở những vũng nước mưa, dụng cụ chứa nước ngoài trời, trong nhà (kể cả bình cắm hoa trên bàn thờ, bình cây cảnh...) thì còn xuất hiện cả ở bể chứa nước inox của các gia đình. Đây là điều mà trước đây không hề có.

Mặc dù số ca bệnh sốt xuất huyết đang tăng nhanh như vậy nhưng hiện nay, các biện pháp phòng bệnh hiện nay chủ yếu là giám sát phát hiện người bệnh, tuyên truyền, tổ chức diệt muỗi và diệt bọ gậy. Chưa có biện  pháp đặc hiệu như vắc xin hay thuốc điều trị.

Ông Hoàng Đức Hạnh nhấn mạnh, việc phòng bệnh sốt xuất huyết hiện nay cơ bản vẫn là diệt bọ gậy, loăng quăng, trong đó quan trọng nhất là cần loại bỏ những điều kiện, môi trường cho bọ gậy, loăng quăng có thể sinh sống, sinh sản do loại muỗi này chỉ thích những nơi nước sạch.

Hoàng Hải


Ý kiến bạn đọc