Hà Nội: Chất vấn "truy" trách nhiệm tham mưu xây nhiều nhà cao tầng

16:00, 05/07/2017
|

(VnMedia) - Trong phần chất vấn và trả lời chất vấn sáng nay (5/7), Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc (QHKT) Hà Nội nhận được hàng loạt câu hỏi về trách nhiệm đối với vấn đề hạ tầng xã hội, trong đó có trường học bị thiếu do xây dựng quá nhiều nhà cao tầng, điều chỉnh độ cao hoặc chuyển đổi công năng, hợp thức hóa sai phạm dẫn đến tăng mật độ dân số...

quả tải nhà cao tầng

Ảnh minh họa

Cụ thể, đại biểu Trần Thế Cương hỏi: Qua giám sát thấy hiện nay ở một số khu đô thị đã đi vào hoạt động nhưng còn thiếu các hạ tầng xã hội như nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng, vườn hoa và sân chơi, đặc biệt là các trường học. Các trường học đều quá tải, có những lớp học sinh lên đến 50-60 học sinh/lớp hoặc đông hơn. Có trường hợp do điều chỉnh công năng, một số công trình điều chỉnh từ văn phòng thương mại sang xây dựng nhà ở để bán dẫn tới số lượng khu căn hộ tăng rất lớn. Cá biệt có khu đô thị mới hình thành, có hơn 5.000 căn hộ với khoảng 2 vạn dân, bằng một phường nhưng không có các thiết chế liên quan như trụ sở làm việc, trường học…

"Chúng tôi đề nghị Giám đốc Sở QHKT cho biết vai trò của mình trong tham mưu quy hoạch về hạ tầng xã hội và quy hoạch xây dựng trường học trong khu đô thị" -- ĐB Cường đặt câu hỏi.

ĐB Đỗ Thùy Hương hỏi về trách nhiệm của các chủ tịch quận, huyện, về lộ trình xây dựng trường.

"Chúng ta có rất nhiều sáng kiến cải tiến chất lượng giáo dục nhưng không thể làm gì nếu mật độ trong một lớp quá đông thì thầy cô giáo cũng sẽ bất lực. Về phía Thành phố, trong công tác lập kế hoạch và thiết lập chỉ tiêu có tham vọng quá không? Làm thế nào giải trình được trước nhân dân về câu chuyện đâu là chỉ tiêu mong muốn đạt được, đâu là chỉ tiêu phải đạt, nên đạt, cần đạt thì phải đặt rõ lộ trình. Chứ nếu đưa ra mong muốn là 633 trường học, nhân dân cử tri rất vui mừng, nhưng khi chỉ đạt được 211 thì giải trình như thế nào?. Đến bao giờ thì chúng ta có bản đồ số gắn kết được giữa trường học và khu chung cư, và mật độ dân số ở khu vực đó như thế nào để phụ huynh tiện theo dõi, quyết định mua nhà cũng như có thông tin để truyền thông chỉ rõ nhưng chủ đầu tư sai phạm, liên kết giữa các sai phạm trong việc không xây dựng trường học với sai phạm trong phòng cháy chữa cháy, làm thế nào kết hợp để xử lý nghiêm khắc".

ĐB Phạm Thị Thanh Hương (Ứng Hòa): Việc quy hoạch đất xây dựng trường học có vấn đề khi quy hoạch vào khu vực nghĩa trang, ao làng, khu dân cư, khu vực khó giải phóng mặt bằng như tại dự án khu đô thị Tây Linh Đàm, nhà trẻ mẫu giáo được quy hoạch vào khu đất hiện trạng nghĩa trang khu thôn Bàng A hay khu đất xây dựng trường tiểu học được quy hoạch vào ao đình thôn; Dự án nhà ở Thạch Bàn, khu đất xây trường học đang bị vướng mắc giải phóng mặt bằng vi quy hoạch vào khu vực nghĩa trang thôn Mô. Dự án khu đô thị mới Cầu Bươu, khu đô thị Cổ Nhuế, Xuân Đỉnh các ô đất xây dựng trường học đều chưa được xây dựng do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng. Đề nghị UBND Thành phố cho biết, để xảy ra tồn tại trên, trách nhiệm thuộc về ai? Giải pháp khắc phục thế nào?

ĐB Hoàng Thị Tú Anh (Đan Phượng): Qua khảo sát cho thấy, sau khi di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi nội đô, nhiều trường hợp đã được cấp phép xây dựng khu đô thị hoặc không trả lại quỹ đất cho Thành phố quản lý dẫn đến tiếp tục gây khó khăn trong việc dành quỹ đất xây dựng trường học, vậy trách nhiệm thuộc về ai? Nguyên nhân và giải pháp khắc phục?

Đại biểu Nguyễn Hoài Nam: Việc di dân vào nội đô là do quy hoạch của Hà Nội chưa tốt. Thực tế cho thấy tốc độ tăng dân cư ở Hà Nội đang rất phức tạp.Phường Hoàng Liệt trong 2 năm, dân số tăng gấp đôi do các công trình chung cư xây dựng quá nhiều. Việc này dẫn đến quá tải. Hơn nữa, trình trạng thay đổi quy hoạch công trình theo hướng tăng tầng, tăng diện tích so với quy hoạch ban đầu đang gia tăng. Vậy trách nhiệm của Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc đến đâu?

Trả lời các câu hỏi trên, ông Lê Vinh, Giám đốc Sở QHKT cho biết, theo quy hoạch, các khu đô thị, quy hoạch đều phải có đầy đủ hạ tầng xã hội. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, các chủ đầu tư không thực hiện đúng. Thường phổ biến tình trạng các chủ đầu tư xây nhà trước, xây hạ tầng sau dẫn đến chậm hơn so với quy hoạch.

Thứ hai là tốc độ phát triển đô thị rất lớn, các hạ tầng xã hội trong đó có nhà trẻ, trường không thể đáp ứng kịp. Một nguyên nhân dẫn đến quá tải trường mầm non là do do tỉ lệ trường công và trường xã hội hóa rất lệch. Nhu cầu người dân là muốn cho con em học theo trường công.

"Ví dụ ở quận Cầu Giấy có 15 trường mẫu giáo công trên tổng số 51 trường; quận Nam Từ Liêm có 11 trường công trên tổng số 47 trường mẫu giáo; Quận Tây Hồ có 8 trường mầm non công trên tổng số 32 trường.

“Như vậy tỷ lệ trường là rất nhiều, nhưng tỷ lệ trường công để đáp ứng nhu cầu của đa số người dân thì chênh lệch dẫn đến trường công quá tải. Thứ hai là với các khu trong nội thành do thiếu đất phát triển trường học là do lịch sử để lại” - ông Vinh nói.

“Ngay từ đầu, trong nhiều năm, chúng ta đã không có một cơ chế, chế tài buộc các nhà đầu tư phải xây dựng hạ tầng xã hội trước rồi mới xây dựng nhà ở để bán sau. Cho nên các chủ đầu tư cứ xây nhà để bán, còn nhà trẻ trường học thì khoanh để lại. Đây là điều mà trong vấn đề khách quan và cũng là hạn chế của chúng ta” - ông Vinh kết luận về phần trách nhiệm.

Giám đốc Sở Quy hoạch & Kiến trúc cũng thừa nhận có tình trạng chủ đầu tư quy hoạch nhà trẻ, trường học vào khu khó giải tỏa như ao làng, nghĩa trang. “Sở đã phát hiện ra những sự việc này và đã yêu cầu chủ đầu tư thay đổi quy hoạch nhà trẻ sang các vị trí khác”.

đại biểu Lan Hương
Đại biểu chất vấn Giám đốc Sở QHKT

Về hướng giải quyết, Giám đốc Sở QHKT nói: "Đối với các dự án mới, yêu cầu các nhà đầu tư đẩy nhanh tốc độ xây dựng trường học nhà trẻ đã có trong quy hoạch. Đó là điều chúng ta phải làm ngay. Thứ hai, đối với các dự án cấp phép đầu tư cần phải xây dựng công trình hạ tầng trước khi xây nhà. Đối với khu vực đang cải tạo bên trong Thanh phố, trong thời gian vừa rồi Thành phố đã có giải pháp quyết liệt như cho phép nâng tầng trường học từ 3 tầng lên 4-5 tầng, trong đó dành 3 tầng dưới cho trường học, 2 tầng trên cho khối phục vụ để tang quy mô lớp học. Việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm sẽ được ưu tiên phát triển trường học”.

Đối với câu hỏi về việc tham mưu cho phép điều chỉnh quy hoạch ông Vinh nói: “Chúng ta phải khẳng định với nhau là luật quy hoạch cho phép xem xét điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với tình hình cụ thể của từng vị trí và có những quy định chặt chẽ.”

Đối với 3 vị trí cho phép điều chỉnh mà đại biểu nêu, ông Vinh cho rằng, thực tế những sai phạm và xin điều chỉnh “đều nằm trong giới hạn và khống chế của quy hoạch phân khu”. Tuy nhiên, phần trả lời của ông Vinh không nhận được sự đồng ý của đại biểu Đặng Việt Cường. Ông Cường nói: “Câu trả lời về việc đối với các dự án sai phạm mà lại được chấp thuận điều chỉnh mặc dù chủ tọa Kỳ họp HĐND thành phố trong kỳ họp trước đã kết luận không được phép điều chỉnh, là chưa thỏa đáng. Khi chủ tọa đã kết luận thì sở phải có trách nhiệm tham mưu với lãnh đạo Thành phố báo cáo lại thường trực HĐND TP cho ý kiến và báo cáo lại HĐND TP trong kỳ họp gần nhất.

ĐB Cường cũng cho rằng các giải pháp mà ông Vinh nêu ra cũng không rõ ràng. Ví dụ như một loạt khu đô thị được chấp thuận điều chỉnh chiều cao công trình làm tang quy mô dân số  nhưng không điều chỉnh quy hạ tầng, làm tang áp lực với hạ tầng.

Tuy nhiên, Giám đốc Sở QHKT tiếp tục khẳng định, tất cả những sự điều chỉnh này đều nằm trong “khung” khống chế quy hoạch phân khu về hạ tầng, theo đó, chỉ khi nào điều chỉnh tăng dân số vượt quá duyệt ban đầu đến 1,5 lần thì mới phải điều chỉnh bổ sung hạ tầng kỹ thuật.

Phường Hoàng Liệt quận Hoàng Mai có 72 tòa nhà cao tầng, cuối năm nay sẽ có 10 tòa nữa đón cư dân vào ở. Đây là địa bàn lập kỷ lục về số nhà cao tầng ở Hà Nội. Hạ tầng xã hội đang chịu sức ép của 7 vạn dân, tương đương dân số 3 phường cộng lại, nhưng chỉ có 1 trường công duy nhất, phải cõng số học sinh gấp 3 lần quy mô xây dựng, 

Phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, có 16.000 dân, 3 năm nay người dân phải bốc thăm cho con đi học mẫu giáo. Nhưng hàng loạt nhà cao tầng đang xây dựng tiếp.

Xuân Hưng


Ý kiến bạn đọc