Chủ tịch Hà Nội lần đầu công khai số cây xanh đã và sắp bị chặt hạ

06:33, 06/07/2017
|

(VnMedia) - Chiều 5/7, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội đã công khai toàn bộ con số chặt hạ dịch chuyển cây xanh từ năm 2015 đến nay, cũng như kế hoạch chặt hạ, dịch chuyển cây xanh của năm 2017 - 2018.

Hàng cây xà cừ ở đường Phạm Văn Đồng có thể bị chặt bỏ
Hàng cây xà cừ ở đường Phạm Văn Đồng sẽ bị đánh chuyển, chặt hạ

Theo đó, năm 2015, Tổng số cây cấp phép là 1.645 cây,  trong đó chặt hạ 813 cây; Dịch chuyển 832 cây.

Cụ thể, dự án nâng cấp mở rộng đường Thanh Nhàn: 84 cây; Dự án đầu tư xây dựng nút giao Trung Hòa, Trần Duy Hưng: 63 cây;  Chỉnh trang tuyến đường Nguyễn Trãi-Trần Phú và đảm bảo an toàn cho tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông: 709 cây.

Trồng cây theo hình thức xã hội hóa thay thế cây sâu mục, cây nguy hiểm mất an toàn giao thông, cây không đúng chủng loại đô thị, cây cong nghiêng trên địa bàn Thành phố: 235 cây; Chỉnh trang tuyến đường Nguyễn Chí Thanh: 239 cây.

Năm 2016: Tổng số cây cấp phép: 1.011 cây, trong đó chặt hạ: 166 cây; Dịch chuyển: 845 cây, bao gồm:

Dự án đầu tư xây dựng nút giao trung tâm quận Long Biên theo hình thức hợp đồng BT: 257 cây; Dự án Tuyến đường sắt đô thị thí điểm Thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội (đường Kim Mã): 109 cây; Dự án nâng cấp cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ: 68 cây; Dự án xây dựng tuyến đường Lê Trọng Tấn, đoạn từ đường Tôn Thất Tùng kéo dài đến sông Lừ, quận Thanh Xuân: 176 cây.

6 tháng đầu năm 2017:  Tổng số cây cấp phép: 864 cây, trong đó chặt hạ: 335 cây; Dịch chuyển: 529 cây, bao gồm:

Phương án cải tạo và trồng cây xanh trên tuyến phố hai bên bờ sông Tô Lịch, quận Thanh Xuân: 314 cây; Dự án Tuyến đường sắt đô thị thí điểm Thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội (công trường BTM): 117 cây; Dự án đầu tư xây dựng tuyến phố Nguyễn Đình Chiểu (đoạn từ phố Tô Hiến Thành đến phố Đại Cồ Việt), quận Hai Bà Trưng: 56 cây; Dự án phần 3 - Cải tạo cảnh quan sân vườn, quảng trường đón tiếp khách quốc tế, bãi xe ngầm thuộc Dự án cải tạo trụ sở làm việc của Chính phủ và Văn phòng Chính phủ: 62 cây.

Cây xanh trồng trên đường Võ Chí Công
Cây trên đường Phạm Văn Đồng sẽ được trồng lại giống như cách trồng trên đường Võ Chí Công -ảnh: Zing.vn

2017 -2018 sẽ chặt hạ, dịch chuyển khoảng hơn 3000 cây

Theo kế hoạch, tổng số cây dự kiến thực hiện cấp phép trong giai doạn 2017-2018 là 3.036 cây xanh, trong đó: Đường vành đai 2 - Toàn tuyến 424 cây xanh (Minh Khai: 323 cây, Đại La: 101 cây); Đường vành đai 3 - Đường Phạm Văn Đồng toàn tuyến có 1.289 cây xanh; Dự án đường sắt đô thị Hà Nội đoạn Nhổn - ga Hà Nội 323 cây xanh; Dự án mở rộng Quốc lộ 70: đoạn đường Xuân Phương, Đại Mỗ và Sa Đôi, quận Nam Từ Liêm toàn tuyến có 602 cây xanh; Dự án xây dựng nút giao Tuyến số 1 với đường 70, đường Xa La - Văn Phú: 90 cây xanh.

Dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật phục vụ việc lắp đặt các tuyến cáp ngầm 110KV từ trạm 220KV Long Biên, quận Long Biên: 174 cây xanh; Bãi đỗ xe ngầm trước Công viên Thống Nhất có 133 cây xanh.

Về việc di chuyển cây xanh tại đường Phạm Văn Đồng, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho biết, tuyến đường Vành đai 3 là trục giao thông huyết mạch của Thủ đô, là tuyến đường hết sức quan trọng của giao thông liên tỉnh qua Hà Nội, cũng như là trục chính đô thị phục vụ đi lại nội đô Thành phố. Tuyến đường này được thống kê là một trong những tuyến quá tải nghiêm trọng gây ùn tắc diễn ra gần như cả ngày. Hiện có 1.289 cây xanh, trong đó: Xà cừ: 985 cây (đường kính 40-120cm); các chủng loại khác: 304 cây (gồm: Sấu, Sữa, Bàng, Đa, Bạch đàn, Dâu da, Dướng, Trứng cá, Xoan,... có đường kính 8-200cm).

UBND Thành phố đã giao Sở Xây dựng chủ trì phối hợp cơ quan, đơn vị liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học để đánh giá phương án giữ lại, dịch chuyển, chặt hạ giải tỏa cây xanh. Sở Xây dựng cũng đã tổ chức họp lấy ý kiến xác định các tiêu chí về giải tỏa, dịch chuyển cây xanh; xây dựng phương án đảm bảo an toàn giao thông, an toàn lao động, phân tích phương án nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường, làm tốt vấn đề tuyên truyền tạo sự đồng thuận trong xã hội.

Về phương án cây xanh thay thế, cây xanh sẽ được thiết kế hệ thống cây xanh theo mô hình tuyến đường Võ Chí Công. Theo đó, việc thiết kế cây xanh trồng mới bằng các loài cây đa dạng chủng loại, thành 3 – 4 tầng: Tầng cây cao trồng 1.547, gồm các loại cây như Giáng hương, bàng Đài Loan, cọ dầu, ban hoàng hậu… Tầng cây bụi trồng 4.649 cây các loại, gồm đại sứ, tường vi, ngọc bút, dâm bụt, hoa giấy… Tầng thảm cỏ, cây thảm lá màu trồng 60.772m2 các loại, gồm dương xỉ, ngọc trai, muống nhật, lan dẻ quạt;…

Theo tính toán, nếu chuyển gần 1.300 cây xà cừ sẽ tốn một diện tích 7 ha để ươm trồng. Và chi phí để bố trí, ươm trồng sẽ là 100 tỷ đồng. Đó còn chưa kể 60 tỷ đồng chi phí đánh chuyển.

“Tôi khẳng định cây xà cừ không thể đem trồng lại ở bất cứ tuyến phố nào. Bởi để trồng lại, phải đào hố rất rộng và sâu ảnh hưởng đến hệ thống ngầm. Hơn nữa, số tiền 160 tỷ đồng có thể mua 20.000 cây xanh mới đẹp hơn, giá trị kinh tế cao hơn. Hà Nội sẽ nghiên cứu trồng thêm cây xanh lá nhỏ hơn, có khả năng chống được tiếng ồn. Thực tế, lá xà cừ khi rộng không trôi được xuống cống”, ông Chung nói thêm.

Về công tác trồng cây xanh, Chủ tịch Hà Nội cho biết trong 6 tháng đầu năm 2017, Hà Nội trồng mới được 44.000. Dự kiến 6 tháng cuối năm, thành phố bổ sung trồng mới 200.000 cây các loại để đến năm 2020 hoàn thành kế hoạch trồng mới 1 triệu cây xanh đô thị.

Xuân Hưng


Ý kiến bạn đọc