Chính phủ thanh tra việc cử đoàn đi nước ngoài của các bộ, ngành

06:23, 12/07/2017
|

(VnMedia) - Ngày 11/7, tại trụ sở cơ quan Thanh tra Chính phủ, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn chủ trì buổi công bố quyết định thanh tra chuyên đề việc quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật trong việc cử đoàn đi nước ngoài của một số bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, địa phương.

Công bố quyết định thanh tra
Công bố quyết định thanh tra việc quản lý cử đoàn đi nước ngoài của các Bộ ngành

Đại diện các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các địa phương liên quan, các thành viên đoàn thanh tra, Tổ giám sát hoạt động đoàn thanh tra cùng dự công bố quyết định.

​​Quyết định số 1662/QĐ-TTCP ngày 03/7/2017 nêu rõ: Thanh tra việc quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật trong việc cử đoàn đi nước ngoài của một số bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và địa phương (trong đó có 4 bộ, cơ quan ngang bộ và 6 địa phương đoàn thanh tra sẽ tiến hành thanh tra trực tiếp; 8 bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 12 địa phương yêu cầu gửi báo cáo phục vụ công tác thanh tra chuyên đề).

Thời kỳ thanh tra từ 01/01/2012 đến 31/12/2016. Thời hạn tiến hành thanh tra là 90 ngày làm việc kể từ ngày công bố quyết định. Đoàn thanh tra có 14 thành viên do ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ làm Trưởng đoàn.

Đoàn công tác nước ngoài
Dư luận xôn xao việc đoàn thể thao Việt Nam đi dự Seagames có tới 10  phó đoàn

Bên cạnh đó, Tổng Thanh tra Chính phủ cũng ban hành quyết định thành lập Tổ giám sát hoạt động đoàn thanh tra theo quyết định số 1662/QĐ-TTCP. Tổ có 03 thành viên do ông Dương Văn Phấn, Phó Vụ trưởng, Vụ Giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra, Thanh tra Chính phủ làm Tổ trưởng.

Phát biểu tại buổi công bố quyết định, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn yêu cầu, các đơn vị được thanh tra phối hợp chặt chẽ với đoàn trong việc cung cấp hồ sơ tài liệu phục vụ cho công tác thanh tra; cử cán bộ đầu mối làm việc với đoàn. Đoàn thanh tra cũng như đơn vị được thanh tra cần bảo mật tài liệu theo quy định của pháp luật; chấp hành nghiêm chỉnh nội quy, quy chế phát ngôn. Trong quá trình tổ chức thực hiện thanh tra trực tiếp tại đơn vị, đoàn thanh tra cần xây dựng chi tiết kế hoạch gửi tới các đơn vị để bố trí lịch làm việc hợp lý.

Trước đó, dư luận xôn xao việc đoàn Thể thao Việt Nam đi dự Seagames 29 có quá nhiều phó đoàn.

Theo danh sách do Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện ký, danh sách đoàn Thể thao Việt Nam tham dự SEA Games 29 bao gồm 693 thành viên, với 1 trưởng đoàn, 10 phó trưởng đoàn.

Sau khi danh sách được công bố, dư luận đã xôn xao về số lượng phó đoàn (10 người) là nhiều. Trước phản ứng của dư luận, Bộ VHTTDL, Tổng cục TDTT đã nhanh chóng nghiên cứu, xem xét lại.

Trả lời báo chí ngày 5/7, ông Nguyễn Thái Bình - Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giải thích, SEA Games 29 sở dĩ có nhiều phó trưởng đoàn hơn các Đại hội trước do năm nay số lượng thành viên Đoàn TTVN là 693 thành viên (tăng so với SEA Games 28 là 123 thành viên, trong đó số lượng VĐV tăng hơn so với trước là 84 người).

Ngày 6/7, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã chủ trì cuộc họp về việc tổ chức đoàn Việt Nam tham dự các đại hội thể thao quốc tế gồm cả kỳ SEA Games và những đại hội thể thao của châu lục, thế giới, Bộ trưởng đã yêu cầu Tổng cục Thể dục thể thao tham mưu cơ cấu, thành phần đoàn thể thao VN tham dự các kỳ đại hội thể thao quốc tế theo đúng quy định của ban tổ chức. Trong đó, cần ưu tiên thành viên là các VĐV, chuyên gia, HLV và đội ngũ bác sĩ. Nâng cao trách nhiệm, vai trò của trưởng đoàn, phó trưởng đoàn trong việc quản lý, tổ chức đoàn VN tham dự các kỳ đại hội thể thao quốc tế.

Đặc biệt, Bộ trưởng giao Tổng cục Thể dục Thể thao rà soát lại cơ cấu, thành phần đoàn tham dự SEA Games 29 tại Malaysia, báo cáo Bộ trưởng.

Theo tinh thần của lãnh đạo Bộ, quy định của đại hội là mỗi đoàn thể thao chỉ được có 1 trưởng và 2 phó đoàn thì nên chấp hành đúng.

Xuân Hưng


Ý kiến bạn đọc