Trực tuyến: Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện trả lời chất vấn

07:41, 13/06/2017
|

(VnMedia) - Ngày 13/6, Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường và Bộ trưởng VH-TT-DL Nguyễn Ngọc Thiện trả lời chất vấn trước Quốc hội.

Sáng nay (14/6), Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch tiếp tục đăng đàn trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội.

Mở đầu phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tiếp tục thông tin về quy hoạch du lịch tại bán đảo Sơn Trà - Đà Nẵng.
 
Theo Phó Thủ tướng, Chính phủ không để cho Đà Nẵng muốn quyết Sơn Trà thế nào cũng được, nếu vậy thì không có câu chuyện quy hoạch quốc gia hay bàn với nhau con số 5.000 phòng hay 1.600 phòng.
 
Phó Thủ tướng nêu: Chính phủ muốn Đà Nẵng chủ động hơn trong việc tiếp thu ý kiến về Sơn Trà, cuối cùng là do Thủ tướng quyết định sau khi lắng nghe ý kiến các bên liên quan.
 
Phó Thủ tướng tiếp tục "nói Đà Nẵng cần chủ động hơn có hai lý do, một là cần sự thống nhất trong Đảng bộ chính quyền và đồng thuận trong nhân dân thành phố. Chúng ta và nhân dân Đà Nẵng đều yêu mến Sơn Trà. Thứ hai, trước đây vì chưa có quy hoạch quốc gia, nên Đà Nẵng đã cấp phép, nay có quy hoạch rồi và sẽ giữ quy mô ở mức nào thì Đà Nẵng cần làm việc với nhà đầu tư. Vì các quyết định ảnh hưởng tới lợi ích của doanh nghiệp thì phải trao đổi với doanh nghiệp".

*Ở phiên chất vấn, chiều nay (13/6), Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện  đã đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội. Trước khi nhận các câu hỏi, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã thẳng thắn đề cập đến những sự việc gần đây tại Cục Nghệ thuật biểu diễn và Tổng cục Du lịch, với nhận thức đây là bài học sâu sắc. “Là Bộ trưởng tôi xin nhận trách nhiệm người đứng đầu”, Bộ trưởng Bộ VH - TT- DL nói.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) nêu câu hỏi về năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý nghệ thuật biểu diễn khi liên tục để xảy ra nhiều sai sót về mặt nghiệp vụ.
 
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng: “Do năng lực cán bộ yếu kém nên mới xảy ra đến vấn đề như vậy. Người ta không yêu cầu cập nhật các bài hát đó thì mình lại cập nhật vào danh mục các bài hát được cấp phép. Việc làm này sai cơ bản về nghiệp vụ của quản lý nhà nước. Đối với sự việc này, trước hết chúng tôi xin nhận trách nhiệm và đề ra các giải pháp như tiến hành kiểm điểm trách nhiệm, nguyên nhân tại đâu?. Trên cơ sở đó để tăng cường đạo tạo cán bộ".
 
Trước vấn nạn hướng dẫn viên du lịch, Bộ trưởng cho biết, sự việc hướng dẫn viên không được cấp thẻ nhưng vẫn hành nghề du lịch xuất hiện ở một số địa phương khi khách du lịch tăng đột biết hoặc xuất hiện những du khách đến từ những thị trường mà ngôn ngữ không phổ biến. Để xử lý tình trạng hướng dẫn viên chui, Bộ quản lý chặt chẽ và công khai việc cấp thẻ; phạt nặng các công ty lữ hành sử dụng hướng dẫn viên không được cấp thể; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng hướng dẫn viên,...
 
Về bảo tồn di tích, Bộ trưởng cho biết, trên cả nước có 3.300 di tích quốc gia, gần 1 vạn di tích cấp tỉnh; đa số di tích làm bằng gỗ nên bị xuống cấp, cần được tôn tạo, trùng tu. Tuy nhiên, hiện nay do không còn nguồn đầu tư từ trung ương nên cần xã hội hóa công tác này trên cơ sở gắn bảo tồn với phát huy giá trị di tích lịch sử...
 
Về bảo tồn văn hóa nghệ thuật truyền thống (tuồng, chèo, cải lương...), nhấn mạnh đây là trách nhiệm rất lớn do nguồn thu từ các loại hình nghệ thuật truyền thống rất khó khăn... Bộ cũng đã tiến hành các hoạt động giới thiệu, quảng bá các loại hình nghệ thuật truyền thống đến với nhân dân và du khách các nước ( tổ chức biểu diễn nghệ thuật truyền thống ở Nhà hát lớn,..)...
 
Cập nhật 342 bài hát lên website: Những cái sai không đáng có
 
Trả lời câu hỏi của đại biểu Cao Thị Xuân về năng lực cán bộ trong việc vụ việc ở Cục Nghệ thuật biểu diễn, hay Tổng cục Du lịch, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng: "Thực sự mà nói sự việc xảy ra vừa rồi, trước hết là do năng lực cán bộ. Nếu tốt đã không xảy ra như vậy". 
 
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, những vụ việc vừa qua xảy ra ở Cục Nghệ thuật biểu diễn (cấm các bài hát lưu hành rồi lại cấm phép trở lại: cấp phép Tiến quân ca...) chủ yếu do năng lực cán bộ, nếu cán bộ có năng lực tốt thì không xảy ra những việc như vậy.
 
Như việc cập nhật 342 bài hát lên trang web có những sai sót không đáng có về nghiệp vụ. “Không yêu cầu cập nhật thì anh cập nhật, lại cập nhật vào mục được cấp phép, tức là sai sót rất sơ đẳng”- Bộ trưởng nói. Những sai sót ở Tổng cục du lịch cũng tương tự...
 
“Chúng tôi nhận trách nhiệm về những sự việc này và đã tiến hành kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm. Bộ sẽ có những giải pháp để chấn chỉnh đội ngũ cán bộ, thanh lọc, kể cả việc điều chuyển cán bộ” - Bộ trưởng nói. 
 
Khu du lịch quốc gia Sơn Trà: Ưu tiên bảo tồn vì lợi ích của nhân dân

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã dành nhiều thời gian để trả lời các vấn đề liên quan đến quy hoạch khu du lịch Quốc gia Sơn Trà.

Bộ trưởng cho biết, cở sở lập quy hoạch khu du lịch Quốc gia Sơn Trà căn cứ vào nghị quyết  33 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa đất nước.

Trong Nghị quyết này, Bộ Chính trị có giao Bộ Quốc phòng xây dựng các phương án kết hợp phát triển kinh tế phù hợp an ninh quốc phòng đặc biệt khu vực bán đảo Sơn Trà phục vụ cho phát triển văn hóa, du lịch, gắn với quốc phòng, an ninh.

Căn cứ thứ 2 là Chiến lược quy hoạch tổng thế phát triển khu du lịch Việt Nam đến năm 2021 và tầm nhìn 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và xác định bán đảo Sơn Trà là 1 trong 47 địa điểm du lịch Quốc Gia.

Căn cứ hai văn bản này, Bộ Văn hóa - Thể Thao và Du Lịch và UBND TP Đà Nẵng đã tiến hành lập quy hoạch khu du lịch Quốc gia Sơn Trà. Năm 2014, quy hoạch được lập và năm 2016 trình Chính phủ phê duyệt. Trong quá trình lập quy hoạch, tất cả các khâu khảo sát, lập quy hoạch…Bộ VH-TT-DL đã gửi dự thảo để lấy ý kiến 11 Bộ ngành liên quan.

Tại các bản lấy ý kiến, Bộ đã tổ chức Lập hội đồng thẩm định và trình Thủ tướng phê duyệt. Quy hoạch được lập đúng quy trình phù hợp các quy định pháp luật liên quan.

Tuy nhiên, nội dung trong quy hoạch bán đảo Sơn Trà hơn 4.000 ha đã được điều chỉnh hơn 1.600 ha. Với tính chất đồ án quy hoạch tổng thể định hướng phát triển du lịch tại bán đảo Sơn Trà là phát triển du lịch sinh thái chất lượng cao. Du lịch văn hóa tâm linh gắn với mục tiêu bảo vệ tài nguyên môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học và an ninh quốc phòng.

Trước khi lập quy hoạch, TP Đà Nẵng cấp phép 25 dự án du lịch và 11 dự án đã được cấp phép với số lượng phòng hơn 5.000 phòng.

Trong quá trình xem xét quy hoạch Đà Nẵng đã cấp phép đầu tư, các chuyên gia tư vấn đã đề nghị cắt giảm số phòng lưu trú xuống còn 1.600 phòng. Còn lại các nội dung khác giữ nguyên, không có gì phát sinh.

"Vừa qua, dư luận và nhân dân có ý kiến, với tư cách là trưởng ngành, tôi rất trăn trở. Lần này, chúng tôi lắng nghe tất cả các ý kiến trên tinh thần chung là cầu thị, tiếp thu, lắng nghe. Quan điểm phát triển du lịch Sơn Trà là phát triển bền vững, có trách nhiệm, bảo vệ môi trường, ưu tiên bảo tồn. Giảm tối đa số phòng khách sạn. Ưu tiên bảo tồn vì lợi ích nhân dân thành phố Đà Nẵng.Việc trách nhiệm xử lý các dự án đã được cấp phép thuộc trách nhiệm của UBND TP Đà Nẵng. Trong quá trình xử lý Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với UBND TP Đà Nẵng" - Bộ trưởng nhấn mạnh.

 
 
* Ở phiên chất vấn buổi sáng, phát biểu khai mạc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, so với các phiên chất vấn trước đây, Quốc hội dành thêm nửa ngày để đáp ứng nguyện vọng của cử tri và ĐBQH. 
 
Chủ tịch Quốc hội cho biết, tính đến hết ngày 12/6 đã có 86 phiếu chất vấn và 98 câu hỏi gửi đến Thủ tướng và Chính phủ, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Thông qua phiếu xin ý kiến, UBTVQH đã nhận được 145 vấn đề chất vấn của 42 Đoàn ĐBQH. Theo báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Quốc hội đã nhận được 3.288 ý kiến kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 3. Đây là cơ sở quan trọng để UBTVQH chọn 4 nhóm vấn đề chất vấn trình Quốc hội quyết định.
 
Để hoạt động chất vấn đạt được hiệu quả, kết quả như mong muốn,Chủ tịch Quốc hội yêu cầu ĐBQH nêu câu hỏi ngắn gọn rõ ý, nằm trong nhóm vấn đề đã chọn, không đặt câu hỏi kiểu tìm hiểu thông tin hay nắm tình hình. Thời gian đặt câu hỏi không quá 2 phút một lần. Phiên chất vấn tiếp tục sử dụng quyền tranh luận, ĐBQH cần chuẩn bị nội dung tranh luận cụ thể, rõ ý. Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu các thành viên Chính phủ trả lời thẳng, không né tránh, hướng khắc phục và giải pháp để Quốc hội có cơ sở giám sát việc thực hiện lời hứa.

Ngay sau khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên chất vấn (kéo dài trong 3 ngày), Ủy viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV.

Tiếp đó, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường là Bộ trưởng đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn.

Nội dung chất vấn tập trung vào giải pháp đột phá và lộ trình thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp trong thời gian tới; Biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, hướng đến xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa, phát triển nông nghiệp bền vững; Công tác bảo tồn, bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, quản lý các hoạt động khai thác thủy sản.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Nguyễn Xuân Cường (trái) và Bộ trưởng Bộ Văn hoá Nguyễn Ngọc Thiện
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường (trái) và Bộ trưởng Bộ Văn hoá Nguyễn Ngọc Thiện

Đầu giờ sáng đã có 68 đại biểu đăng ký chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời về gói tín dụng ưu đãi 100.000 tỷ đồng

Các đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh (Bình Phước); Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh); Nguyễn Thị Ngọc Lan (Bắc Ninh); Trần Thị Hiền (Hà Nam); Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng)... có chất vấn về vấn đề: Giải quyết bất cập để doanh nghiệp (DN), Hợp tác xã (HTX) tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi 100.000 tỷ đồng; giải quyết cơ chế xin cho trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao; giải pháp căn cơ để giải quyết tình trạng "được mùa mất giá, được giá mất mùa"; căn cứ xây dựng quy hoạch phát triển ngành chăn nuôi lợn; trách nhiệm của Bộ trưởng trong việc ngành chăn nuôi "vỡ trận", giải pháp căn cơ để khắc phục vấn đề này; vấn đề tiêu thụ nông sản qua các cửa khẩu (tạm nhập tái xuất); giải pháp đột phá thực sự để tái cơ cấu nông nghiệp...

Trả lời về vốn cho nông nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, về tiếp cận gói tín dụng 100.000 tỷ đồng, thời gian qua, Chính phủ, Bộ NN & PTNT và NHNN đã vào cuộc tích cực, giải ngân được khoảng trên 30 nghìn tỷ cho các dự án, doanh nghiệp, khu vực sản xuất nông nghiệp.Nhiều ngân hàng không chỉ coi đây là mục tiêu "giải cứu" mà còn là thị trường tiềm năng. 
 
Tuy nhiên theo Bộ trưởng, hiện đúng là có khó khăn là một số tài sản trên phần đất khi hình thành tài sản thế chấp còn vướng mắc. Ví dụ nhà kính, nhà lưới, cả tỷ đồng tại sao lại không được hoàn thiện thủ tục pháp lý để trở thành tài sản thế chấp. Hiện lãnh đạo Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ ngành (Tư pháp, TNMT,..) xây dựng giải pháp tháo gỡ để DN tiếp cận vốn thuận lợi.
 
Về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, Bộ trưởng khẳng định không có cơ chế xin cho trong lĩnh vực này, nơi nào, địa phương nào đáp đáp ứng đủ điều kiện thì đều có thể phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
 
Về tiêu thụ sản phẩm, đây là vấn đề chung, sức sản xuất tiềm năng hiện nay của chúng ta rất lớn, nhưng khâu chế biến và tổ chức thị trường còn yếu. Cần tổ chức lại từng ngành hàng, đây là vấn đề cần thời gian dài để đầu tư phát triển, cũng như chấn chỉnh những bất cập... 
 
Khủng hoảng thừa thịt lợn: Do lượng cung tăng nhanh
 
Về khủng hoảng thừa thịt lợn trong giai đoạn vừa qua,  Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, câu chuyện khủng hoảng thừa trong ngành chăn nuôi không phải do người nông dân mà vì ngành nông nghiệp làm chưa tốt. Bộ NN&PTNT cũng báo cáo Thủ tướng tổng đàn lợn hiện nay quá thừa, cần cơ cấu lại, giảm số lượng nhưng quản trị được và tăng chất lượng. 
 
Hiện nay, không riêng thịt lợn tăng rất mạnh mà nhiều nông sản khác cũng tăng hàng chục lần trong vào năm qua. Riêng thịt lợn đã tăng 3,6 lần, sữa tăng 15 lần, cá từ 1,8 lên 3,4 triệu tấn, cùng với đó là 10 tỷ quả trứng...
 
Lợn nái cách đây 10 năm có hơn 2 triệu con, giờ lên 4,2 triệu con. Nuôi lợn dù đã tái cơ cấu nhưng con số mới giảm được từ 7 triệu hộ xuống còn 3 triệu hộ.
 
Ngoài ra, riêng về thịt lợn thì rổ thực phẩm Việt Nam cơ cấu đã thay đổi. Trước đây bữa cỗ có 70% là thịt lợn thì nay có nhiều thực phẩm thay thế. Theo ông, trong thời gian tới cần cơ cấu lại, thu hẹp 3 triệu hộ chăn nuôi để dễ dàng kiểm soát hơn về nguồn cung. 
 
Đình chỉ 2 cở sở đóng tàu vỏ thép kém chất lượng tại Bình Định

Đại biểu Đặng Hoài Tâm (Bình Định) đã đặt câu hỏi về trách nhiệm Bộ NN & PTNN khi để xảy ra tình trạng nhiều cơ sở đóng tàu do Bộ chỉ định đóng tàu kém chất lượng gây thiệt hại cho ngư dân.

Bộ trưởng Bộ Nông Nghiệp Nguyễn Xuân Cường cho biết, thực hiện chủ trương Chính phủ về xây dựng đội tàu đánh cá, Bộ đã phối hợp Bộ ngành liên quan hoàn thiện 325 cơ sở đóng tàu với số lượng 2.284 tàu phân bổ 28 địa phương.

Hiện đã đóng 666 con tàu bằng tàu vỏ sắt, vỏ gỗ, caporít trong đó 297 chiếc tàu sắt trên 900 mã lực. Qua kiểm tra bước đầu, nhìn chung các chuyến ra khơi, bà con nhiều địa phương đã bắt đầu có lãi từ hoạt động đánh cá như tỉnh Nam Định, ngư dân lãi 8-9 triệu đồng /tháng, Bà Rịa Vũng Tàu lãi 13 triệu đồng /tháng…

Tuy nhiên, qua phát hiện, 1 số tàu hư hỏng tại Bình Định, Phú Yên trong đó tại Phú Yên có 2 chiếc hỏng nhẹ đã được khắc phục. Còn tại Bình Định có 19 chiếc tàu bị hỏng.

Bộ NN & PTNN đã ra văn bản yêu cầu 27 tỉnh thành rà soát toàn bộ hoạt động đóng tàu. Bên cạnh đó, Bộ đã cử Lãnh đạo Tổng cục thủy sản làm việc với tỉnh Bình Định, mời ngư dân và 2 cơ sở đóng tàu công ty Đại Nguyên Dương 4 chiếc, công ty Nam Triệu hỏng 23 chiếc. Bộ đã ra quyết định đình chỉ 2 công ty này và yêu cầu dừng đóng mới.

Ngoài ra, yêu cầu 2 cơ sở này phải sửa chữa cho ngư dân. Đối với các tàu hỏng về máy, Bộ yêu cầu thay máy mới, không có sửa chữa. Các tàu hỏng về sắt thay sắt đúng chủng loại.

Hiện tại, tỉnh Bình Định đề nghị cơ quan công an vào cuộc điều tra để báo cáo Thủ tướng.

Sẽ có nghị định xử phạt việc sản xuất, kinh doanh phân bón giả 
 
Về quản lý phân bón, Bộ trưởng Cường cho biết, đúng là tại kỳ trước, các đại biểu QH đã nêu ra sự trùng lặp về quản ý phân bón giữa 2 Bộ, sau đó Thủ tướng đã phân cho Bộ NN & PTNT quản lý phân bón. Hiện nay Bộ NN&PTNT đang phối hợp với Bộ Công Thương để phối hợp chuyển toàn bộ chức năng quản lý, làm thủ tục để Bộ NN & PTNT chính thưc tiếp nhận. Bộ NN&PTNT đang xây dựng 2 Nghị định sửa đổi và sẽ trình Chính phủ trong quý này.
 
Về vấn đề phân bón giả kém chất lượng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNN cho biết, Bộ đã cho xây dựng Nghị định xử phạt trong lĩnh vực phân bón với mức xử phạt cao nhất, sẽ trình Chính phủ trong quý 3.
 
"Trên tinh thần cố gắng nhanh nhất chúng tôi sẽ tiến hành bàn giao trọn vẹn vấn đề phân bón giữa 2 Bộ", Bộ trưởng Cường nêu.
 
Về vấn đề xử phạt các cán bộ tại 11 Trung tâm kiểm định phân bón làm giả quy chuẩn vừa qua, Bộ trưởng Cường cho biết: Việc này đã xử lý từ năm ngoái và xử lý Trung tâm này không còn tư cách pháp nhân. Chúng tôi cũng đã đưa quản lý phân bón về một đầu mối là Cục Bảo vệ thực vật quản lý cả thuốc và phân bón, không để ở Cục Trồng trọt như trước đây.
 
Bộ trưởng nhận trách nhiệm cá nhân
 
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm tranh luận với Bộ trưởng Bộ NN&PTNT về trách nhiệm của Bộ trưởng trong tổ chức sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản để người nông dân sống được. Đại biểu Tâm cho rằng chúng ta ứng xử với nông nghiệp, nông thôn, nông dân còn lúng túng, chưa có giải pháp đột phá, cái dễ thì làm, cái khó thì tránh...
 
Trả lời đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm về trách nhiệm của mình trước người nông dân, Bộ trưởng thừa nhận trách nhiệm cá nhân, song cho biết nếu chỉ trông chờ vào Bộ trưởng thì khó.
 
"Phân công cho trưởng ngành nào thì ngành đó phải chịu trách nhiệm đầu tiên, nhưng một mình trưởng ngành không thể làm hết được. Cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị", Bộ trưởng Cường nói.
 
Đại biểu Tâm tiếp tục tranh luận lại: "Tôi chất vấn Bộ trưởng là muốn Bộ trưởng trả lời trách nhiệm của mình, chứ không phải hệ thống chính trị".
 
Theo đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, trong nhiều cuộc gặp gỡ với bà con nông dân, đại biểu Tâm nhận thấy ứng xử của ngành với khu vực nông nghiệp, nông thôn còn nhiều lúng túng...
 
* Cũng tại phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, thay mặt Thủ tướng Chính phủ trả lời những chất vấn thuộc trách nhiệm chung của Chính phủ; các Bộ trưởng, Trưởng ngành cùng tham gia trả lời chất vấn: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tài nguyên và Môi trường, Công thương, Giao thông vận tải, Khoa học và Công nghệ.

Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện sẽ trả lời về vấn đề quản lý, cấp phép các hoạt động văn hóa, nghệ thuật; khai thác, sử dụng các công trình văn hóa, thể thao; tổ chức lễ hội...

Cùng với đó là giải pháp ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức xã hội và văn hóa ứng xử; xây dựng nếp sống văn hóa và bảo tồn, phát triển văn hóa xã hội; Công tác quản lý và các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng quy hoạch ngành du lịch.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, thay mặt Thủ tướng Chính phủ trả lời những chất vấn thuộc trách nhiệm chung của Chính phủ; các Bộ trưởng, Trưởng ngành cùng tham gia trả lời chất vấn: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công an, Giáo dục và Đào tạo.

Ngoài ra, các Bộ trưởng, Trưởng ngành khác trả lời về những nội dung liên quan thuộc trách nhiệm của mình (nếu có).

 

Khánh An, Đinh Bách, Yến Nhi (ghi)

 


Ý kiến bạn đọc