Nhiều tỉnh đề nghị đưa Bí thư, Chủ tịch tỉnh vào đối tượng cảnh vệ

06:34, 07/06/2017
|

(VnMedia) - Sau khi một số đại biểu đề nghị đưa Chánh án tòa án nhân dân tối cao vào danh sách đối tượng cảnh vệ, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng an ninh Võ Trọng Việt cho biết, sau khi có sự việc xảy ra ở một tỉnh, nhiều tỉnh đề nghị Bí thư, Chủ tịch tỉnh là đối tượng cảnh vệ…

Võ Trọng Việt

Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng an ninh Võ Trọng Việt

Chiều 6/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường Dự án Luật cảnh vệ. Theo dự thảo, đối tượng cảnh vệ là người giữ chức vụ, chức danh cấp cao của Đảng, Nhà nước và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam.

Gồm có: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Nguyên Tổng Bí thư, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Chủ tịch Quốc hội, nguyên Thủ tướng Chính phủ; Uỷ viên Bộ Chính trị; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, đại biểu Trịnh Ngọc Thuý (TP Hồ Chí Minh) đề nghị, đưa Chánh án TAND Tối cao vào đối tượng cảnh vệ và cho rằng, việc này là hợp lý, vì toà án là cơ quan bảo vệ  công dân, và Chánh án là người đứng đầu cơ quan này nên có một vị trí rất quan trọng.

“Tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIV, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao là 1 trong 4 vị lãnh đạo cao cấp của Nhà nước phải tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, với Nhân dân và Hiến pháp trước Quốc hội và cử tri cả nước. Vị thế của người đứng đầu một cơ quan bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người có vị trí và vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ thống chính trị của nước ta cần phải được quy định là đối tượng cảnh vệ” - đại biểu Thúy nói.

“Đa số các cử tri nơi tôi công tác đã đồng tình và đề nghị tôi đại diện cho đa số cử tri nêu ý kiến đề nghị Quốc hội đưa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao vào đối tượng cảnh vệ theo quy định tại Điều 10” - đại biểu Thúy thông tin thêm.

Đồng tình với đại biểu Thuý, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) chia sẻ, theo nhận thức của ông và nghiên cứu các quy định của Đảng, và các quy định của Hiến pháp, Luật tổ chức Quốc hội, Luật tổ chức TAND, ông đề nghị Quốc hội xem xét để quy định chức danh Chánh án là chức danh cảnh vệ vì bảo đảm tất cả những yêu cầu cả về mặt chính trị, cả về mặt vị trí, vai trò của nhà nước.

Đại biểu Trần Hồng Hà (Vĩnh Phúc) cũng đồng tình việc bổ sung Chánh án TAND tối cao vào đối tượng cảnh vệ, vì đây là chức vụ do Quốc hội bầu, thực hiện quyền tư pháp, có nhiệm vụ hết sức quan trọng bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

Tuy nhiên, khi giải trình làm rõ thêm quan điểm về nội dung này, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng an ninh Võ Trọng Việt cho hay, riêng về đối tượng cảnh vệ, cơ quan soạn thảo và thẩm tra đã tổ chức nhiều hội thảo, khuynh hướng chung là giữ nguyên.

Theo ông Việt, cũng có ý kiến muốn tăng thêm đối tượng cảnh vệ là cả Tổng kiểm toán nhà nước, vì Tổng kiểm toán nhà nước là chống tiêu cực, chống tham nhũng, đụng độ, đụng chạm đến rất nhiều lợi ích, nhất là lợi ích nhóm cho nên cần phải được bảo vệ.

Ngoài ra, còn có Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ trưởng Bộ Công an. Thậm chí, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng an ninh Võ Trọng Việt cho biết, sau khi có sự việc xảy ra ở một tỉnh, nhiều tỉnh đề nghị Bí thư, Chủ tịch tỉnh là đối tượng cảnh vệ.

“Chúng ta phải xác định cho rõ, giữa cảnh vệ với bảo vệ là hoàn toàn khác nhau. Cảnh vệ là tập trung vào những đối tượng đặc biệt quan trọng, tức là bảo vệ yếu nhân” - ông Võ Trọng Việt nói và khẳng định các đối tượng cảnh vệ quy định như trong Dự thảo Luật là phù hợp với thực tiễn nên xin được giữ nguyên như dự thảo.

Trước đó, đại biểu Đỗ Văn Bình (Hải Phòng) phân tích, gần đây đã xảy ra sự việc nghiêm trọng tại một tỉnh, và một tỉnh khác phải báo cáo Chính phủ về an toàn, an ninh lãnh đạo tỉnh, “nếu để xảy ra tình huống không đảm bảo an toàn, an ninh cho các đồng chí này thì ảnh hưởng nghiêm trọng địa phương, an ninh trật tự chung của cả nước".

“Đề nghị ngoài các đối tượng đã được ghi trong dự thảo cần bổ sung, nghiên cứu trong trường hợp cần thiết có thể bổ sung một số đồng chí lãnh đạo chủ chốt các bộ, ngành; địa phương, tỉnh thành phố trực thuộc trung ương được áp dụng một số biện pháp cảnh vệ như: bảo vệ tiếp cận trong thời gian nhất định để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho số đồng chí này. Về biện pháp cụ thể thì giao Bộ Công an nghiên cứu bổ sung, trình UBTV Quốc hội xem xét quyết định” - đại biểu Đỗ Văn Bình nói.

 Xuân Hưng


Ý kiến bạn đọc