Nhà báo và bác sĩ: Làm thế nào để tránh khủng hoảng truyền thông?

07:34, 10/06/2017
|

(VnMedia) - Sự e ngại, thiếu cởi mở, đôi khi là thiếu minh bạch thông tin của các cơ sở y tế cộng với sự non kém về nghề nghiệp, thiếu hiểu biết chuyên môn, thiếu khách quan của các nhà báo sẽ dẫn đến những vụ khủng hoảng truyền thông, gây hoang mang trong dư luận…

Nguyễn Khắc Hiền
TS. Nguyễn Khắc Hiền - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội mong muốn báo chí và ngành y tế có sự hợp tác chặt chẽ, nhanh chóng đưa thông tin sự thật đến với người dân

Nhân 92 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, ngày 9/6, Sở Y tế Hà Nội đã tổ chức hội thảo “Báo chí với công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân Thủ đô”, nhằm nhìn nhận vai trò của công tác truyền thông đối với công tác y tế.

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Nguyễn Khắc Hiền - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội khẳng định: Những năm qua, báo chí đưa nhiều tin, bài về thành tựu của ngành y tế, các gương sáng về đức hy sinh thầm lặng cứu chữa người bệnh của đội ngũ y, bác sĩ, đồng thời cũng đã nêu lên những hạn chế, thiếu sót, thậm chí là yếu kém, tiêu cực trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Thông qua báo chí, ngành y tế đã tự nhìn nhận, đánh giá và tìm giải pháp khắc phục, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Cũng tại buổi hội thảo, hàng chục ý kiến của các đại biểu đều đánh giá những năm gần đây, Sở Y tế Hà Nội là một trong ít đơn vị có hoạt động truyền thông hiệu quả nhất: Luôn chủ động phối hợp với báo chí trong mọi sự cố/sự kiện; cung cấp thông tin với thái độ cởi mở, thân thiện, hợp tác vv… Điển hình là vụ nổ bom ở Hà Đông; tai biến ở BVĐK TRí Đức; các BV ở Hà Nội tiếp nhận bệnh nhân từ Hòa Bình về chạy thận trong sự cố y khoa ở BVĐK tỉnh Hòa Bình vv…

Tuy nhiên, các ý kiến cũng trao đổi thẳng thắn về những điểm hạn chế, trong đó có những cái nhìn thiếu khách quan, thiếu hiểu biết về nghề Y nói chung cũng như những kiến thức chuyên môn nói riêng nên trong tác nghiệp đã gây nên những hiệu ứng không tốt trong xã hội thông qua những bài báo võ đoán, phản ánh một chiều.

Đặc biệt, các thầy thuốc đã chia sẻ những cảm giác e ngại đối với báo chí, thậm chí muốn tránh tiếp xúc với báo chí do từng chứng kiến việc một số nhà báo tận dụng các sơ hở trong các cuộc trao đổi không chính thống với bác sĩ để viết tin, bài, trong đó “truyền thông đen” khiến các thầy thuốc chịu nhiều áp lực và từ 2 chiều là cấp trên và dư luận.

Những việc làm thiếu chuẩn mực đạo đức, non kém về chuyên môn đã khiến các bác sĩ vừa sợ, vừa ngại, vừa ghét báo chí, không muốn tiếp xúc, cung cấp thông tin. Đây cũng chính là lý do khiến cho việc xuất hiện nhiều hơn các bài báo không đầy đủ thông tin, thiếu ý kiến chuyên môn, võ đoán và người bị ảnh hưởng nhiều nhất chính các bác sĩ.

Do đó, các đại biểu đề nghị, để báo chí thông tin khách quan, các thầy thuốc cần hợp tác với báo chí, tránh để xảy ra việc báo chí hỏi ý kiến không được, phải hỏi những người không có trách nhiệm và thiếu kiến thức, dẫn đến phản ánh thiếu khách quan, càng khiến ngành y tế phải đối mặt với nguy cơ khủng hoảng truyền thông.

“Nếu thầy thuốc né tránh thì nhà báo vẫn phải viết và viết theo ý họ, nên không chính xác. Như vậy, người đọc sẽ không hiểu đúng bản chất sự việc và hậu quả chính ngành y phải chịu" –TS. Nguyễn Khắc Hiền nhấn mạnh.

Còn Ths. Vũ Mạnh Cường – Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông Thi đua – khen thưởng (Bộ Y tế), người trước đó từng có nhiều năm kinh nghiệm nhiều năm làm báo chia sẻ, nghề y là một nghề hết sức vất vả, môi trường làm việc nguy hiểm và nhạy cảm, tuy nhiên, các nhà báo lại chịu áp lực về thời gian, áp lực từ bạn đọc… cộng với sự thiếu kiến thức khoa học, thiếu kiên nhẫn và đôi khi chưa quan tâm đến lợi ích cộng đồng nên dẫn đến đã có những bài báo đáng tiếc.

Vì vậy, ông Cường đề nghị các bác sĩ nên hợp tác với báo chí với thái độ cởi mở, minh bạch và thân thiện. Cần cung cấp thông tin kịp thời, không né tránh cũng như tôn trọng quyền tự do ngôn luận của các nhà báo.

Bác sĩ Lê Anh Tuấn - Phó Giám đốc BVĐK Đức Giang chia sẻ: Nghề báo và nghề y đều là nghề nguy hiểm vì dễ bị hành hung. Các phóng viên có thể bị hành hung khi đi tác nghiệp, còn các bác sĩ có thể bị hành hung ngay tại nơi làm việc, khi đang cứu người.

Tuy nhiên, trong công việc, bác sĩ và nhà báo chưa gặp nhau, vì thế, vẫn có mảng trống khiến nhiều sự cố y khoa không được truyền thông đúng mức. Hoặc do các thầy thuốc thiếu bản lĩnh, thiếu chuyên nghiệp nên không cung cấp, không làm chủ thông tin, khiến nhiều khi đúng vẫn bị phản ứng.

Trong khi đó, từ phía báo chí, các nhà báo cũng chia sẻ khó khăn, áp lực trong nghề nghiệp của mình và rất mong các bác sĩ, các cơ quan y tế cùng chia sẻ. Các bác sĩ chịu nhiều áp lực từ việc phải nhanh chóng cứu người, còn các nhà báo cũng phải đáp ứng đòi hỏi, nhu cầu từ độc giả, thính giả là muốn ngay lập tức có thông tin, biết được sự thật của sự cố.

Nếu không kịp thời có thông tin chính thống từ các cơ quan y tế, người dân có thể ngay lập tức tìm đến những thông tin không được kiểm chứng trên mạng xã hội, đôi khi có thể rất xa sự thật. Vì vậy, các nhà báo mong muốn các bác sĩ, các cơ quan y tế Thủ đô tạo điều kiện cho báo chí, chủ động cung cấp thông tin càng sớm càng tốt, dù chỉ là thông tin ban đầu, đặc biệt là đối với các vụ việc nhạy cảm, để tránh bị khủng hoảng thông tin.

Trao đổi với VnMedia bên lề hội thảo, TS, PGS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, có một thực tế là hiện nay, trên mặt báo xuất hiện nhiều thông tin, nhiều hình ảnh chưa đẹp của các bác sĩ, nhưng trong khi đó, hàng ngày, hàng giờ có hàng trăm, hàng nghìn bác sĩ đang thầm lặng cứu người, phục vụ bệnh nhân một cách tận tuỵ không màng danh lợi. Họ cũng thầm lặng nghiên cứu những ứng dụng khoa học để phục vụ nhân dân. Nhưng hình ánh đó, sự thật đó lại ít đến được với độc giả, không phải vì các nhà báo không quan tâm tiếp cận, mà bởi  những người thầy thuốc chân chính không muốn xuất hiện hình ảnh trên báo chí, không muốn tự PR bản thân.

Hoàng Hải


Ý kiến bạn đọc