Chuyện "bếp núc" bên trong tòa nhà Quốc hội

18:23, 18/06/2017
|

Một điều rất thú vị, đó là kỳ họp Quốc hội giữa năm (năm nay là kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIV) 2 năm liên tiếp gần đây đều bế mạc vào ngày 21.6 - Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.

Với anh chị em phóng viên nghị trường tác nghiệp tại tòa nhà Quốc hội, những ngày cuối cùng của kỳ họp lại chộn rộn cho lễ kỷ niệm, và không ít đại biểu Quốc hội, những ngày này, đã dành cho cánh nhà báo những lời chúc mừng nồng ấm.

Cuộc “cạnh tranh khốc liệt”

Lê Phương - nữ phóng viên xinh đẹp của Báo Lao Động, dù tuổi nghề không hẳn là ít, song lần đầu tiên cô gia nhập nhóm phóng viên nghị trường (đưa thông tin Quốc hội), với cô là một trải nghiệm thật đáng nhớ. Cô tâm sự: “Năm đầu được tác nghiệp ở Quốc hội, lại đúng kỳ họp mùa hè nóng bỏng, vừa thấy hào hứng vừa vô cùng căng thẳng”.

Cũng dễ hiểu, lần đầu được đeo cái thẻ có hình Quốc huy và ảnh chân dung, bước chân vào tòa nhà Quốc hội to lớn và lộng lẫy, đường đi lối lại còn mênh mông, lại đối diện với một kỳ họp đầy ắp những vấn đề lớn lao và gai góc của đất nước, ấy là chưa kể áp lực phải viết nhanh, chính xác và hấp dẫn bạn đọc..., thì sự căng thẳng là điều không phải một mình nữ phóng viên cảm thấy!

Đối với cánh phóng viên nghị trường như chúng tôi, dù là ngày làm việc cuối cùng - bế mạc, hay ngày khai mạc kỳ họp thì việc “cạnh tranh” thông tin đều không hề giảm nhiệt. Để thông tin “nóng” từ nghị trường luôn được cử tri đón nhận thì việc đưa “hơi thở” từ cuộc sống vào nghị trường luôn được cánh phóng viên báo chí chúng tôi thực hiện. Và đây được coi là vấn đề hay và “nóng” trên các trang báo điện tử và báo in.

Đơn cử như việc sáng 29.5.2017, khi biết thông tin ông Nguyễn Đăng Chương sẽ thôi đảm nhiệm cương vị Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn đến hết tuần và từ tuần tới Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên sẽ kiêm nhiệm chức vụ này. Do thời gian qua trên cương vị quản lý, ông Nguyễn Đăng Chương đã để xảy ra nhiều sự việc liên quan đến việc cấp phép ca khúc, khiến dư luận bức xúc.

Để làm rõ thông tin đang được dư luận cả nước quan tâm, chúng tôi đã phải tranh thủ từng thời gian nghỉ giải lao rất ngắn của các đại biểu Quốc hội để “đi tìm” bằng được Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện, ông là đại biểu thuộc Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên - Huế, để xin được phỏng vấn. Tuy nhiên, khi tìm thấy ông thì đã gần hết giờ giải lao, và ông đã cười thật tươi rồi từ chối khéo.

Tuy vậy, để thông tin về việc ông Nguyễn Đăng Chương sẽ thôi đảm nhiệm chức Cục trưởng được chính xác, chúng tôi tiếp tục chờ Quốc hội hết giờ làm việc để gặp được Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, bằng cách “chờ” ông ở chân cầu thang cuốn tòa nhà Quốc hội. Cuối cùng chúng tôi cũng đã gặp được ông để hỏi về vấn đề này, dù thời gian rất ngắn, chừng chỉ hơn 1 phút trên đường cùng ông ra xe ôtô.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết: “Việc của anh Chương, tôi đã ký quyết định gì đâu?”. Ông nói tiếp: Mọi vấn đề sẽ sớm có kết luận, khi nào có kết luận chính thức sẽ thông báo với báo chí sau. Và sau khi có thông tin từ Bộ trưởng, chúng tôi đã làm tin ngay lập tức gửi cho Báo Lao Động điện tử. Sau đó, rất nhiều báo khác đã lấy lại thông tin trên...

Vẫn chuyện cạnh tranh thông tin tại nghị trường thì việc sau mỗi phát biểu, phát ngôn hay, ấn tượng của các đại biểu Quốc hội sẽ được các phóng viên nghị trường “gỡ băng” và chuyển về toà soạn để đăng ngay. Việc báo đăng sớm luôn được các phóng viên bình luận như: “Đấy, báo phải đăng sớm thế mới có người đọc”.

Bên cạnh đó, cũng không ít tiếng thở dài cùng lời than vãn của phóng viên một vài tờ báo, như: “Không biết sếp làm gì mà chưa duyệt bài, nản quá!”...

Ngoài ra, qua những kỳ họp Quốc hội, nếu phóng viên nào tạo được sự thân thiện, thân tình, cởi mở với đại biểu Quốc hội cũng sẽ gặp được thuận lợi hơn trong việc phỏng vấn hiện tại cũng như sau này. Việc phóng viên tạo được mối quan hệ với các đại biểu Quốc hội đòi hỏi vào từng kỹ năng của phóng viên từ ngoại giao, đến chất lượng bài viết, phỏng vấn có “trúng” hay không...

“Gấp gáp” bên hành lang

Một vấn đề được coi là những “ca khó” ở mỗi khóa Quốc hội mới là phóng viên nghị trường chúng tôi cũng phải làm quen dần với hàng trăm gương mặt đại biểu Quốc hội mới, để từ đó tìm ra những “ngôi sao nghị trường” để thuận lợi trong việc phỏng vấn đại biểu Quốc hội. “Sao nghị trường” mà phóng viên chúng tôi thường gọi đơn giản là những đại biểu thường xuyên phát biểu, tranh luận đóng góp ý kiến vào các dự luật, các vấn đề kinh tế - xã hội tại mỗi phiên họp Thường vụ Quốc hội, kỳ họp Quốc hội... Đó là những “sao” thường xuyên được cánh phóng viên tìm kiếm để phỏng vấn, kỳ này nổi lên những cái tên như Dương Trung Quốc, Lưu Bình Nhưỡng, Phạm Tất Thắng, Trương Minh Hoàng, Nguyễn Thị Quyết Tâm, Trương Trọng Nghĩa, Bùi Văn Xuyền...

Không thể phủ nhận, kỳ họp này, phóng viên chúng tôi đã được tạo điều kiện thuận lợi hơn. Việc phỏng vấn đại biểu không chỉ được tiến hành ở trong kỳ họp, mà phóng viên có thể phỏng vấn cả ngoài kỳ họp. Hạ tầng thông tin cũng miễn chê, rồi thiết bị đường truyền wifi được nâng cấp, Trung tâm Báo chí mở cửa muộn hơn, phóng viên được tiếp cận trực tiếp với nguồn thông tin gốc từ phòng họp Quốc hội truyền trực tiếp ra Trung tâm Báo chí.

Tuy nhiên, do điều kiện hành lang chật hẹp, nên số lượng thẻ phát hành để phóng viên lên phỏng vấn hành lang có phần hạn chế, chỉ khoảng 30 thẻ, trong khi những kỳ họp trước có thể lên đến 70 thẻ (trong số khoảng 300 phóng viên tại Trung tâm Báo chí), nên số lượng phóng viên được tiếp cận các đại biểu khá ít.

Có được trong tay tấm thẻ quý giá rồi, song việc gặp gỡ, trao đổi được với đại biểu cũng không hề đơn giản. Thời gian ngắn ngủi nên đến giờ giải lao hoặc giờ nghỉ, các phóng viên tại Trung tâm Báo chí bật dậy như lò xo, lỉnh kỉnh túi xách vội vã chạy lên hành lang. Nhưng không phải lúc nào cũng được “đúng người đúng việc”, gặp được đại biểu mình cần, nói điều mình muốn nghe, bạn đọc mình muốn đọc...

Chính vì gặp được đại biểu không dễ, nên chỉ cần một đại biểu đồng ý trả lời một báo nào đó, là phóng viên các báo khác cùng “nhao” tới bất kể vấn đề đại biểu đó đang trả lời có thực sự “trúng” với báo mình hay không. Nếu bạn đọc chứng kiến hình ảnh cô phóng viên xinh đẹp của chúng tôi mướt mồ hôi đứng chật chội trong gần chục phóng viên cả nam cả nữ, một tay máy ghi âm cố gắng giơ cao và ghé gần đến vị đại biểu, rồi hỏi, rồi trao đi đổi lại, gương mặt chăm chú một cách căng thẳng...

Sau đó, cô đi như chạy về Trung tâm Báo chí, tai nghe ghi âm, tay gõ gấp gấp trên bàn phím..., bạn đọc hẳn sẽ hình dung và sẻ chia về công việc của cánh phóng viên nghị trường chúng tôi.

Chuyện “bếp núc” bên trong tòa nhà Quốc hội ảnh 1
Tổng Thư ký - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trả lời phỏng vấn báo chí bên lề Quốc hội. Ảnh: T.T

Không nhanh thì đói, không mang chăn thì rét

Trung tâm Báo chí của toà nhà Quốc hội mới phải nói rất đẹp, rộng rãi và tiện lợi cho phóng viên tác nghiệp. Từ trà nước đầy đủ, ổ điện để sạc máy tính đặt chìm khắp phòng, bàn ghế rộng rãi đến màn hình tivi cỡ đại để phóng viên theo dõi tường thuật trực tiếp từ nghị trường. Chỉ có điều, phòng lạnh như… tủ lạnh. Giữa mùa hè, có hôm nhiệt độ đỉnh điểm 40 độ C, nhiều phóng viên đến Trung tâm Báo chí với khăn quàng, áo chống nắng, thậm chí cả… chăn mỏng.

Những ngày mát trời không sao, những hôm nắng nóng gay gắt, đa số phóng viên tác nghiệp từ sáng đến chiều tối (16h30 Quốc hội tan họp, sau đó phóng viên lại cắm cúi gõ bài gửi về toà soạn để kịp tiến độ), ở phòng lạnh cả ngày, ra ngoài ai cũng… sốc với đủ cấp độ. Một phóng viên nữ đã phải nghỉ 2 ngày do bị cảm, mà nguyên nhân được xác định là “sốc nắng”.

Thứ nữa là chuyện ăn. Phòng ăn ngay cạnh Trung tâm Báo chí, rất tiện lợi cho phóng viên qua lại. Kế đó có phòng giải khát phục vụ ăn sáng đủ món, từ bún thang, mì gà, phở bò, đến cà phê, nước cam… đủ cả. Có điều, mỗi trưa, khi Quốc hội tan họp là 11h30, nhiều phóng viên cố làm cho xong bài để cập nhật thông tin về toà soạn, bước vào phòng ăn khoảng 12h20, có hôm may mắn cơm và thức ăn vẫn còn, có hôm… hết sạch.

Một số phóng viên may mắn hơn được nhà bếp “vét” cho đĩa cơm cháy và bát lạc rang muối; nhóm chậm chân hơn chạy sang phòng cà phê gần đó tìm mua bún, phở; lễ tân nói còn duy nhất mì “hai tôm” úp nước sôi, không hành, không thịt. Phần nắng nóng, phần chạy ra ngoài ăn tốn thời gian, đa số những người lỡ bữa chọn ăn mì “không người lái”. Bát mì chỉ có nước sôi, ăn tầm 12h30 sao mà ngon như sơn hào hải vị!

Theo Lao động

 


Ý kiến bạn đọc