Bộ trưởng Bộ Văn hóa thừa nhận cán bộ ngành "tư duy theo lối cũ"

06:48, 13/06/2017
|

(VnMedia) - Trước phiên chất vấn chiều nay (13/6), Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã có văn bản giải trình về một số vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm, đặc biệt là vấn đề Quản lý, cấp phép hoạt động nghệ thuật biểu diễn, trong đó thừa nhận cán bộ ngành còn "tư duy theo lối cũ"... 

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện

Theo đó, Bộ trưởng sẽ phải trả lời về các vấn đề quản lý, cấp phép các hoạt động văn hóa, nghệ thuật; khai thác, sử dụng các công trình văn hóa, thể thao; tổ chức lễ hội. Giải pháp ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức xã hội và văn hóa ứng xử; xây dựng nếp sống văn hóa và bảo tồn, phát triển văn hóa xã hội. Công tác quản lý và các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng quy hoạch ngành du lịch”.

Trước phiên chất vấn, Bộ trưởng đã có văn bản giải trình về một số vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm, đặc biệt là vấn đề Quản lý, cấp phép hoạt động nghệ thuật biểu diễn.

Theo Nghị định số 79/2012/NĐ-CP và Nghị định số 15/2016/NĐ-CP, hiện nay, công tác quản lý và cấp phép các hoạt động nghệ thuật biểu diễn bao gồm 07 loại: Cấp giấy phép cho tổ chức, cá nhân nước ngoài vào Việt Nam biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời tran; Cấp giấy phép tổ chức thi người đẹp, người mẫu trong nước và quốc tế; Cấp giấy phép tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang;Cấp giấy phép cho đối tượng mời cá nhân là người Việt Nam định cư ở nước ngoài vào Việt Nam biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; Cấp giấy phép đưa thí sinh đi tham dự cuộc thi người đẹp, người mẫu quốc tế;Cấp giấy phép phê duyệt nội dung bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu; Cấp phép phổ biến bài hát sáng tác trước năm 1975 và tác phẩm do người Việt Nam định cư ở nước ngoài sáng tác.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, thời gian qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo, hướng dẫn UBND các tỉnh/thành tổ chức thẩm định và cấp phép các hoạt động văn hoá, nghệ thuật theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo sự đan xen, hài hoà giữa các loại hình nghệ thuật truyền thống và hiện đại, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc. Tăng cường theo dõi, phát hiện, phối hợp kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm.

Tuy nhiên, Bộ trưởng thừa nhận, công tác quản lý và cấp phép trong lĩnh vực này vẫn còn những bất cập, lúng túng. Đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp tham gia công tác quản lý, điều hành, thực thi pháp luật trong lĩnh vực này còn nhiều hạn chế, tư duy nhận thức về quản lý lĩnh vực này còn theo lối cũ, chưa bắt kịp với xu thế hiện nay.

Ông Nguyễn Ngọc Thiện cũng đánh giá, cách thức, phương pháp thực hiện công tác quản lý lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn nặng về quản lý đầu vào (thực hiện cấp phép) mà chưa chú trọng hướng đến phương pháp quản lý tăng cường kiến tạo, hậu kiểm (kiểm tra, giám sát) cho phù hợp với xu thế hội nhập của đất nước và tính chất hoạt động nghệ thuật thay đổi từng ngày, từng giờ.

Trong khi đó, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật chưa được chú trọng dẫn đến nhiều cơ quan quản lý, cán bộ, công chức, các tổ chức, cá nhân không kịp thời nắm bắt để triển khai thực hiện.

“Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã và đang có những chỉ đạo và giải pháp cụ thể nhằm chấn chỉnh những hạn chế, bất cập trên” - Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết.

Trước đó, Cục nghệ thuật biểu diễn đã đăng tải trên Website cucnghethuatbieudien.gov.vn danh sách 300 bài hát được phép phổ biến rộng rãi, trong đó có có bài Tiến quân ca (Quốc ca) của cố nhạc sĩ Văn Cao. Bên cạnh Tiến quân ca, trong danh sách là những ca khúc truyền thống, cách mạng đã được biểu diễn và ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng công chúng nhiều năm qua như: Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng, Lên đàng, Tiếng hát giữa rừng Pác Bó, Tiếng chày trên sóc Bombo, Anh vẫn hành quân…Sự việc khiến dư luận hết sức bất bình.

Trước sự phản ứng của dư luận, Cục nghệ thuật biểu diễn đã lên tiếng thanh minh, cho rằng không có chuyện cấp phép cho các bài hát này mà chỉ là “cập nhật các bài hát đã phổ biến rộng rãi và không "cấp phép" đối với 300 bài hát trên.

Cũng liên quan đến lĩnh vực này, trước đó, ngày 7/2, Sở VHTT&DL Tiền Giang đã ban hành Công văn số 120/SVHTTDL-TTr do ông Nguyễn Đức Đảm- Giám đốc Sở ký, đề nghị Phòng VHTT các huyện, thành thị thông báo cho các cơ sở kinh doanh karaoke trên địa bàn quản lý yêu cầu trong thời hạn 30 ngày phải gỡ bỏ ngay các bài hát chưa được cấp giấy phép phê duyệt nội dung… Kèm theo công văn này là danh sách 354 bài hát “không được phép lưu hành, cấm phổ biến”.

Đáng nói là trong danh mục các bài hát được chú thích là “chưa được phê duyệt nội dung và cho phép lưu hành, cấm phổ biến”, đi kèm với công văn trên có ca khúc “Màu hoa đỏ” của cố nhạc sĩ Thuận Yến, phổ thơ Nguyễn Đức Mậu. Sáng tác này còn được ghi rõ là nhạc đỏ, với lý do là hiện nay ca khúc này khi được sử dụng ở các điểm kinh doanh karaoke có phần hình ảnh thể hiện chưa phù hợp với nội dung. Công văn này sau đó đã phải bị thu hồi.

Hiện, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Nguyễn Đăng Chương đã bị cho thôi chức dù trước đó ông này đã lên tiếng xin lỗi vì đã khiến dư luận “hiểu lầm”.

Xuân Hưng


Ý kiến bạn đọc