8 người chết nghi do sử dụng nguồn nước RO chạy thận

17:28, 08/06/2017
|

(VnMedia) - Mặc dù chưa đưa ra kết luận nhưng Hội đồng chuyên môn nghĩ nhiều đến sự bất thường của nguồn nước RO sử dụng trong quá trình chạy thận nhân tạo tại bệnh viện đa khoa Hòa Bình.

chạy thận
8 bệnh nhân chạy thận nhân tạo đã tử vong nghi do nguồn nước RO

Chiều nay (8/6), tại Hòa Bình, Hội đồng chuyên môn đánh giá sự cố y khoa ngày 29/5 tại Đơn nguyên Thận nhân tạo – Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình vừa thông báo kết quả phiên họp Hội đồng sáng nay (8/6).

Theo đó, Hội đồng chuyên môn của Sở Y tế tỉnh Hòa Bình bao gồm đại diện Sở Y tế, các chuyên gia đầu ngành của bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện đa khoa tỉnh đã họp nhằm đánh giá quá trình khám, chăm sóc và điều trị đối với các bệnh nhân trong sự cố nói trên và định hướng tìm nguyên nhân sự cố.

Trên cơ sở nghiên cứu tài liệu gồm: Hồ sơ bệnh án, các tài liệu liên quan và bản tường trình của các cá nhân liên quan, các văn bản Hội đồng đã thảo luận và khẳng định đây là một thảm họa, các bệnh nhân trong tình trạng diễn biến hết sức phức tạp.

Các thành viên Hội đồng tập trung thảo luận và thống nhất kết luận, quy trình tiếp nhận, khám, nhận định, đánh giá và thiết lập vòng tuần hoàn ngoài cơ thể cho bệnh nhân trước khi lọc máu là phù hợp với quy trình.

Khi phát hiện bệnh nhân trong quá trình lọc máu có dấu hiệu bất thường, các biện pháp xử lý như: Dừng lọc máu, cho thở oxy, sử dụng các thuốc cấp cứu và các biện pháp hồi sức tích cực là phù hợp với diễn biến và tình trạng cấp cứu của người bệnh.

Các bệnh nhân có diễn biến nguy kịch như suy hô hấp, ngừng tuần hoàn, trụy mạch… đã được xử trí cấp cứu tại chỗ và vận chuyển đến khoa Hồi sức tích cực là phù hợp với quy trình chuyên môn kỹ thuật.

Khi xuất hiện một số lượng lớn bệnh nhân cần cấp cứu, Đơn nguyên Thận nhân tạo đã báo cáo với Lãnh đạo bệnh viện xin hỗ trợ chuyên mộn từ các bệnh viện tuyến trên (Bệnh viện Bạch Mai) là phù hợp với quy chế hội chẩn bệnh nhân nặng của Bộ Y tế.

"Tuy nhiên, đây là một thảm họa lớn do vậy, bệnh viện còn thiếu kinh nghiệm, phương tiện, nhân lực, kiến thức xử lý tình trạng thảm họa", Kết luận nêu.

Về chẩn đoán, Hội đồng chuyên môn cho biết, trên cơ sở biểu hiện của 18 bệnh nhân lọc máu với các biểu hiện tương đối giống nhau trong cùng một thời điểm, hội đồng chuyên môn nghĩ đến hội chứng ngộ độc cấp qua đường máu do cùng một nguyên nhân gây ra với các biểu hiện tổn thương đa cơ quan (hô hấp, tuần hoàn, gan, thận, máu…).

Về nguyên nhân, "ở thời điểm hiện tại, Hội đồng chuyên môn chưa đủ căn cứ, cơ sở và bằng chứng khoa học để kết luận khẳng định chắc chắn nguyên nhân của sự cố trên (do chưa có kết quả xét nghiệm, phân tích nguồn nước RO và kết quả khám nghiệm tử thi…). Tuy nhiên, Hội đồng chuyên môn nghĩ nhiều đến sự bất thường của nguồn nước RO sử dụng trong quá trình chạy thận nhân tạo cho bệnh nhân tại Đơn nguyên Thận nhân tạo của bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình" - Bản thông báo  nêu.

Đáng chú ý, trong cuộc họp báo công bố kết luận cuộc họp chiều nay không có mặt đại diện lãnh đạo bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, nơi xảy ra sự cố khiến 8 người chết. Giám đốc Sở Y tế Hòa Bình đã nhiều lần gọi điện cho lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình đến ngay cuộc họp nhưng không được.

Nước RO là gì?

Theo một cơ chế ngược lại với các cơ chế lọc thẩm thấu xuôi thông thường, công nghệ thẩm thấu ngược RO là cơ chế chuyển động của các phần tử nước nhờ áp lực nén của máy bơm cao áp tạo ra một dòng chảy mạnh qua màng lọc RO có kích nhỏ tới độ chỉ có phân tử nước mới đi qua được. Kích thước màng lọc RO chỉ: 0.000 1 Micromet.

Các kim loại, tạp chất… có kích thước lớn hơn chuyển động mạnh theo dòng nước bị chặn lại và văng ra vùng có áp lực thấp hay trôi theo dòng nước ra ngoài theo đường thải. Vì thế, nước qua màng lọc RO là nước tinh khiết.

Trước đó, trao đổi với VnMedia, Bác sĩ Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng khoa Thận nhân tạo (bệnh viện Bạch Mai) cho biết, nước để chạy thận là nước tinh khiết hoặc nếu dùng các kỹ thuật cao hơn thì phải siêu tinh khiết.

"Hiện nay như ở Bạch Mai, chúng tôi dùng cả tinh khiết và siêu tinh khiết bởi có những loại máy bắt buộc phải là siêu tinh khiết. Nước được lọc ngay tại bệnh viện, mỗi một ngày khoa Thận nhân tạo bệnh viện Bạch Mai dùng 70-80 m3 nước, lọc bằng công nghệ đi kèm theo các thiết bị" - Bác sĩ Dũng cho biết.

Hoàng Hải


Ý kiến bạn đọc