Tiếp tục có ý kiến khác nhau về trách nhiệm hình sự của trẻ vị thành niên

19:45, 24/05/2017
|

(VnMedia) - Với những lập luận trái ngược nhau, các đại biểu tiếp tục bảo vệ quan điểm của mình với hai phương án khác nhau mà Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đưa ra về nội dung về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi…

Sáng 24/5, Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự.

Trong đó, nội dung về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi đối với Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134), Tội hiếp dâm (Điều 141) và Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 169) tiếp tục được nhiều đại biểu quan tâm, thảo luận với nhiều ý kiến khác nhau.

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, kết quả tổng hợp ý kiến của 53 Đoàn ĐBQH về dự án Luật, có 41 Đoàn có ý kiến về vấn đề này, trong đó: 26/41 Đoàn tán thành với phương án sửa đổi do Chính phủ trình, 15/41 Đoàn đại biểu Quốc hội đề nghị giữ như quy định của Bộ luật hình sự năm 2015.

Do còn có ý kiến khác nhau, UBTVQH xin ý kiến Quốc hội về 02 phương án:

Phương án 1: Giữ như quy định của Bộ luật hình sự 2015, theo đó đối với 03 tội: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134), Tội hiếp dâm (Điều 141) và Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 169) thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về cả tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng.

Phương án 2: Giữ như dự thảo Luật do Chính phủ trình, theo đó người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về loại tội rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng mà không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng đối với 3 tội danh nêu trên.

ĐB Nga

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga

Thảo luận tại Hội trường về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Bùi Văn Xuyền - tỉnh Thái Bình bày tỏ đồng tình với phương án 2 là giữ như dự thảo do Chính phủ trình. Theo đại biểu, trẻ em chưa phát triển toàn diện đầy đủ về cả thể chất và tinh thần, nhận thức, việc phạm tội chủ yếu là do bị kích động, lôi kéo và không làm chủ được bản thân, do vậy việc xử lý hình sự đối với trẻ em là điều hết sức phải cân nhắc và phải ưu tiên xử lý bằng các biện pháp khác mới đem lại hiệu quả tác dụng giáo dục và thể hiện tính nhân văn của pháp luật.

Cùng quan điểm, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy (tỉnh Bắc Kạn) cho rằng, xử lý đối với người chưa thành niên không nên bằng thái độ quá “nóng”.

“Điều này không có nghĩa là chúng ta sẽ cưng chiều, dung dưỡng cho những vi phạm của các em, mà quan trọng là để khi ta bắt tay vào sửa điều luật này, chúng ta sẽ phải tự hỏi là trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội đến đâu trong sự việc vi phạm ngày hôm nay và xử lý như thế nào là đúng mức để các em có điều kiện quay trở lại với cuộc đời còn rất dài ở phía trước.” - đại biểu Thủy nêu quan điểm.

Tán thành với những phân tích của đại biểu Thủy, đại biểu Nguyễn Thái Học (tỉnh Phú Yên) dẫn chứng, theo số liệu thống kê trong 5 năm của Tòa án nhân dân tối cao thì tỷ lệ tội phạm này trong độ tuổi từ 14 đến dưới 16 tuổi là không đáng kể, vì nó chỉ chiếm 0,31%. Trong khi đó, tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại đến sức khỏe của người khác năm 2016 chỉ có 19 trường hợp vi phạm, chỉ chiếm 0,6%.

Đối với tội hiếp dâm, năm 2016 chỉ có 2 trường hợp vi phạm, chiếm 0,47%. Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản năm 2016 cũng như 2 năm liền kề trước đó không có trường hợp nào vi phạm.

“Điều này khẳng định rằng, loại tội phạm này không diễn biến phức tạp và gia tăng như lý do chúng ta đưa ra cũng như sự quan ngại của nhiều đại biểu.” – ông Học khẳng định và cho rằng, phương án này phù hợp với điều kiện quản lý giáo dục người chưa thành niên phạm tội tại các địa phương.

Đáng chú ý, đại biểu Nguyễn Thái Học cho biết, tại Kỳ họp thứ 2, chính ông là người ủng hộ theo Phương án 1 nhưng quá trình tìm hiểu, nghiên cứu sâu về vấn đề này thì thấy rằng, cần thay đổi ý kiến để ủng hộ Phương án 2.

Trong khi đó, ủng hộ Phương án 1, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) cho rằng, pháp luật thì phải nghiêm và chính việc xử lý nghiêm mới có tác dụng giáo dục, cải tạo người phạm tội và đảm bảo tính phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm một cách hiệu quả và chắc chắn hơn, hạn chế tình trạng tái phạm sau khi thi hành án.

ĐB Nguyễn Thị Phúc

Đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận)

Theo bà Phúc, thực tế thời gian qua, liên quan tới các tội danh này việc áp dụng các biện pháp giáo dục hòa giải tại cộng đồng là không hiệu quả. Nhiều trường hợp sau khi được áp dụng các biện pháp giáo dục tại cộng đồng lại tiếp tục tái phạm, thậm chí lần sau vi phạm thì mức độ, tính chất càng tinh vi và nguy hiểm rất nhiều, vì vậy, đây không phải là phương án tốt để giáo dục các cháu trở thành người có ích cho xã hội.

Đồng tình với đại biểu Nguyễn Thị Phúc, Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng, tội phạm đang ngày càng trẻ hóa với những hành động vi phạm phức tạp, tàn bạo, phi nhân tính, đặc biệt gần đây tệ nạn hiếp dâm, bắt cóc tống tiền, cố ý gây thương tích cho người khác gia tăng một cách nghiêm trọng, gây bức xúc, bất an cho xã hội cần được xử nghiêm để cảnh báo, để răn đe, để hướng tới xây dựng một xã hội bình yên.

Cũng theo phân tích của đại biểu Phương thì tuổi từ đủ 14 đến 16 phạm tội là cá biệt nhưng lại gây bất an cho số đông, luôn tạo cho mọi người cảm giác lo âu, sợ hãi, vì thế luật phải bảo vệ cho số đông.

“Lợi ích tốt nhất của trẻ em được quan tâm hàng đầu trong trường hợp này chính là phải xây dựng một môi trường lành mạnh, một xã hội an toàn bình yên cho số đông trẻ em, chứ không phải là số ít tội phạm” - ông Phương nhấn mạnh.

Trong khi đó, Đại biểu Nguyễn Hữu Chính (Hà Nội) cho rằng, cả 2 phương án liên quan đến việc xác định phạm vi trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi mà dự thảo đã đưa ra đều có điểm chưa hợp lý.

Cụ thể, phương án 1 chưa phù hợp với nguyên tắc xử lý và chính sách hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội vì đã mở rộng phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự cả về những tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng.

Còn phương án 2 phù hợp với chính sách hình sự của nhà nước ta đã thu hẹp phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến 16 tuổi và phù hợp với tình hình đấu tranh phòng, chống tội phạm trong giai đoạn hiện nay, nhưng chưa lý giải được tại sao chọn tội này mà không chọn tội khác.

Sau khi nghe các ý kiến, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, Điều 12 về chính sách xử lý hình sự đối với người chưa thành niên ở độ tuổi từ 14 đến 16 tuổi là một vấn đề rất lớn, rất quan trọng nên ý kiến đại biểu Quốc hội hiện nay vẫn tập trung vào hai phương án, với những lập luận lý lẽ từ phía nào cũng có những lý lẽ hợp lý, thuyết phục.

Vì vậy, Đoàn Chủ tịch có hội ý sẽ gửi phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội và đề nghị đại biểu Quốc hội thảo luận, cho ý kiến vào phương án đó, phương án nào có đa số ý kiến đại biểu lựa chọn thì sẽ quyết định chọn phương án đó. 

Xuân Hưng


Ý kiến bạn đọc