Tăng trưởng quý I/2017 thấp nhất trong nhiều năm

10:12, 15/05/2017
|

(VnMedia) - “Tăng trưởng của quý I/2017 ước tính tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng trưởng thấp nhất so với những năm gần đây” - Theo Báo cáo của Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội.

Tăng trưởng kinh tế
Tăng trưởng kinh tế quý I/2017 thấp nhất trong nhiều năm qua

Thông tin được Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội đưa ra tại phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sáng nay (15/5).

Báo cáo về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2017, Chủ  nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế - xã hội vẫn bộc lộ một số khó khăn, thách thức.

Cụ thể, tăng trưởng của quý I/2017 ước tính tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng trưởng thấp nhất so với những năm gần đây.

“Để đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,7%, các quý còn lại phải tăng trung bình khoảng 7% nhưng với điều kiện và tình hình thực tế năm 2017 thì mục tiêu này rất khó thực hiện, khả năng chỉ đạt khoảng 6,3-6,5%.” – ông Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.

Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế, tại phiên thảo luận thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kết quả thực hiện những tháng đầu năm 2017, tổ chức hôm 11/5 vừa qua, một số ý kiến đề nghị Chính phủ cần kiên trì ổn định kinh tế vĩ mô, không quá coi trọng tốc độ tăng trưởng mà tiếp tục đẩy mạnh nâng cao chất lượng tăng trưởng bảo đảm bền vững; cần có đánh giá khi tốc độ tăng trưởng GDP giảm sẽ tác động đến các chỉ tiêu khác như tỷ lệ nợ công, bội chi ngân sách...

Bên cạnh đó, cần phải cân nhắc kỹ lưỡng giải pháp thực hiện việc tăng thêm sản lượng khai thác dầu thô và hoạt động khai khoáng trong nước nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng.

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế cho biết, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu trong 4 tháng đầu năm tăng 15,4% so với cùng kỳ và dự báo sẽ đạt chỉ tiêu tăng khoảng 6-7%, tuy nhiên, tốc độ nhập khẩu 4 tháng tăng tới 24,9% so với cùng kỳ, đây là mức tăng rất cao so với các năm gần đây.

“Có ý kiến lo ngại con số nhập siêu quá cao, chiếm đến 4,5% tổng kim ngạch xuất khẩu đã cao hơn chỉ tiêu Quốc hội giao, vì vậy, cần phải xem xét kỹ những tác động đến tỷ lệ nhập siêu để có hướng điều chỉnh linh hoạt, giữ mức nhập siêu theo Nghị quyết của Quốc hội” – ông Thanh nhấn mạnh.

Về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng đầu năm 2017 tăng 4,8% so với bình quân cùng kỳ năm 2016, thấp hơn mức bình quân 4,96% của quý I/2017. Tuy nhiên, một số ý kiến lo ngại lạm phát năm 2017 có thể diễn biến phức tạp và sẽ cao hơn chỉ tiêu lạm phát theo Nghị quyết của Quốc hội do chịu áp lực từ sự tăng giá hàng hóa thế giới; Áp lực tỷ giá và Điều chỉnh giá dịch vụ công (điện, y tế, giáo dục) và tiền lương.

Về tăng trưởng tín dụng, 4 tháng đầu năm tăng 5,76% so với cuối năm 2016, đây là mức tăng cao nhất trong 3 năm trở lại đây.

“Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị cần phân tích về khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh, đồng thời bày tỏ lo ngại việc tăng tín dụng nếu tập trung vào thị trường bất động sản phân khúc cao cấp sẽ tiềm ẩn nguy cơ về “bong bóng bất động sản” và có tác động xấu như thời gian trước đây”.

Đáng chú ý, báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế cho biết, thâm hụt ngân sách và nợ công ở mức cao, tiếp tục gây sức ép trả nợ và tạo rủi ro đối với phát triển bền vững của nền kinh tế. Chi đầu tư phát triển từ ngân sách đạt mức thấp (19,2%), gây áp lực giải ngân vào những tháng cuối năm. “Tình trạng này đã diễn ra nhiều năm nhưng chưa có biện pháp khắc phục hữu hiệu” – báo cáo nêu rõ.

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế cũng cho biết, cổ phần hóa DNNN, thoái vốn nhà nước đang có dấu hiệu chững lại, hoạt động sản xuất kinh doanh của các DNNN chưa thật sự phát huy hiệu quả, còn nhiều dự án đầu tư thua lỗ nặng nề. Nợ xấu còn cao, chưa được xử lý triệt để còn là gánh nặng của nền kinh tế, kìm hãm cố gắng giảm lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng.

Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong 4 tháng đạt mức cao nhưng tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động cũng rất lớn. Vấn đề nổi lên của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là mặc dù số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng mạnh nhưng chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, quy mô doanh nghiệp đang có xu hướng nhỏ dần và thiếu các doanh nghiệp lớn làm trụ cột; hoạt động của các doanh nghiệp thiếu tính cạnh tranh, thiếu tính liên kết và tinh thần đổi mới, sáng tạo không cao.

Các dự án BOT giao thông được triển khai trong thời gian qua đã góp phần cung ứng cho xã hội những công trình có chất lượng hơn, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên cũng có một số ý kiến đề nghị cần phải đánh giá thực chất và kỹ lưỡng quy định của pháp luật và chất lượng dự án, đồng thời kịp thời xử lý những bức xúc của dư luận xã hội.

Xuân Hưng


Ý kiến bạn đọc