Nội dung những Luật quan trọng sắp được Quốc hội thông qua

18:55, 19/05/2017
|

(VnMedia) - Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá 14 sẽ khai mạc ngày 22/5, dự kiến bế mạc vào 21/6 sẽ có 13 Dự án luật được thông qua, trong đó có một số luật được dư luận đặc biệt quan tâm.

Quốc hội

Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá 14 sẽ khai mạc ngày 22/5, dự kiến bế mạc vào 21/6 với 13 phiên truyền hình, phát thanh trực tiếp. Đặc biệt, kỳ này, lần đầu tiên Quốc hội tăng thời lượng chất vấn từ 2,5 lên 3 ngày.

Tại kỳ họp, Quốc hội dự kiến xem xét, thông qua 13 dự án luật, thông qua 11 nghị quyết và dành 6,5 ngày xem xét các báo cáo của Chính phủ.

Các dự án luật được Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp gồm: Luật đường sắt (sửa đổi); Luật quản lý ngoại thương; Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi); Luật thủy lợi; Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi); Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi); Luật cảnh vệ; Luật du lịch (sửa đổi); Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi); Luật quy hoạch; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13.

Đối với Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi), sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua gồm 10 chương, 136 điều.

Những vấn đề cần xin ý kiến Quốc hội gồm: tên gọi của Luật; khái niệm tài sản công; phân loại tài sản công; nguyên tắc quản lý, sử dụng tài sản; các hành vi bị cấm; sử dụng tài sản tại cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến về phạm vi điều chỉnh của Luật; thẩm quyền của các bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân các cấp, nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc hội; công khai tài sản công; đối tượng áp dụng; xử lý nguồn thu từ xử lý, thanh lý, điều chuyển tài sản, bồi thường xử lý đất đai; chế độ quản lý đối với tài sản kết cấu hạ tầng, doanh nghiệp... cũng đã được Cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra nhất trí tiếp thu, chỉnh sửa, bổ sung đưa vào Luật và trình Quốc hội cho ý kiến.

Về Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi), sau khi tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp gồm 9 chương, 79 điều, quy định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án; thiệt hại được bồi thường; quyền, nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức bị thiệt hại; cơ quan giải quyết bồi thường; thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường; phục hồi danh dự; kinh phí bồi thường; trách nhiệm hoàn trả; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong công tác bồi thường nhà nước.

Một số vấn đề tiếp tục xin ý kiến Quốc hội gồm đối với Dự luật này là về phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, gồm phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động tố tụng hình sự, phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động tố tụng dân sự, tố tụng hành chính; về nguyên tắc bồi thường và giải quyết bồi thường nhà nước; về xác định cơ quan giải quyết bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự; về lập dự toán, quyết toán kinh phí bồi thường; về bồi thường thiệt hại về tinh thần cho người thân thích của người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự.

Đối với Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), một trong những điểm mới khác trong dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp này là Luật được thiết kế theo luật khung, đưa ra những quy định khung và nguyên tắc để làm cơ sở cho Chính phủ quy định chi tiết. Để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, dự thảo Luật cũng đã tiếp thu, bỏ các quy định liên quan có thể dẫn tới mâu thuẫn, chồng chéo hoặc phải sửa đổi, bổ sung các luật khác.

Vì vậy, dự thảo Luật trình trình Quốc hội thông qua lần này đã rút gọn chỉ còn 4 chương, 36 điều (giảm 3 chương và 9 điều so với dự thảo đã được cho ý kiến).

Các nội dung khác cũng đã được tiếp thu, bổ sung, chỉnh lý trong dự thảo Luật và tiếp tục xin ý kiến của Quốc hội gồm: bổ sung quy định DNNVV có vốn đầu tư nước ngoài, DNNVV có vốn nhà nước không được áp dụng hỗ trợ về mặt bằng sản xuất (Điều 11); tiêu chí xác định DNNVV (Điều 4) cũng được chỉnh sửa theo hướng quy định tiêu chí trần để xác định DNNVV; các nội dung hỗ trợ  như hỗ trợ  tiếp cận tín dụng (Điều 8), hỗ trợ thuế, kế toán (Điều 10), hỗ trợ mặt bằng sản xuất (Điều 11), hỗ trợ mở rộng thị trường (Điều 13), hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo (Điều 17), quy định trách nhiệm trong hoạt động hỗ trợ DVNVV (Chương III), quy định trách nhiệm chung của các hiệp hội ngành nghề, quy định ưu tiên hỗ trợ đối với DNNVV do nữ làm chủ, DNNVV sử dụng nhiều lao động nữ (khoản 3 Điều 5 dự thảo Luật); quy định về kiện toàn tổ chức và mô hình hoạt động các Quỹ.

Về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13, Dự thảo luật trình Quốc hội thông qua lần này gồm 3 Điều, quy định về việc sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ 130 Điều; bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số lỗi kỹ thuật tại 32 điều, khoản của dự thảo. Một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật bao gồm: Việc bổ sung vào BLHS năm 2015 Tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp (Điều 217a); Tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm (Điều 317 của BLHS năm 2015); Việc bổ sung trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại đối với Tội tài trợ khủng bố (Điều 300) và Tội rửa tiền (Điều 324).

Đối với Luật quy hoạch, sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp này gồm 7 chương 69 điều, quy định việc lập, thẩm định, phê duyệt, công bố, thực hiện, điều chỉnh, giám sát, đánh giá, kiểm tra, thanh tra quy hoạch; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quy hoạch.

Một số vấn đề tiếp tục xin ý kiến Quốc hội gồm: phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; về giải thích từ ngữ; về hệ thống quy hoạch, bao gồm quy hoạch ngành cấp quốc gia, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, nông thôn; về phương pháp tích hợp và quy trình phối hợp trong lập quy hoạch; về các quy định chuyển tiếp quy hoạch và xử lý các quy định hiện hành về quy hoạch, hiệu lực thi hành của Luật.

Ngoài ra, Quốc hội sẽ thảo luận, cho ý kiến một số luật như: Luật quản lý nợ công (sửa đổi); Luật bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi); Luật thủy sản (sửa đổi); Luật tố cáo (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng.

Tại Kỳ họp này, Quốc hội cũng sẽ xem xét, thông qua các nghị quyết sau: Nghị quyết về thi hành Bộ luật hình sự; Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018; Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; Nghị quyết phê chuẩn Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào về việc sửa đổi điểm khởi đầu của đường biên giới quốc gia Việt Nam - Lào; Nghị quyết phê chuẩn Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào.

Xuân Hưng


Ý kiến bạn đọc