Không hòa giải, thương lượng với tội phạm tình dục trẻ em

07:18, 06/05/2017
|

(VnMedia) -  Loại tội phạm xâm hại tình dục trẻ em thường diễn ra nhiều lần, với nhiều người, nếu không xử lý kịp thời hoặc không được xử lý thì đối tượng sẽ tiếp tục thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội. Vì vậy, đề nghị không áp dụng biện pháp hòa giải, thương lượng để tránh bỏ lọt tội phạm"...

Ngày 5/5, Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Hình sự năm 2015. Các quy định về xâm hại tình dục, ấu dâm… được các đại biểu đặc biệt quan tâm phản biện.

Đưa số liệu của Tổng cục cảnh sát (Bộ Công an), bà Nguyễn Thanh Cầm, Trưởng Ban chính sách pháp luật T.Ư Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho rằng, các vụ xâm hại tình dục trẻ em gây ra hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng cho nạn nhân, gia đình và xã hội.

Tuy nhiên, theo bà Cầm, phần lớn dư luận xã hội hiện nay vẫn cho rằng xâm hại tình dục là vấn đề nhạy cảm, nhiều gia đình nạn nhân vì giữ gìn danh dự, tương lai cho con hoặc bị đe dọa nên không tố giác tội phạm hoặc tố giác rồi lại thương lượng hòa giải rút đơn kiện. Trong trường hợp đó, người thực hiện hành vi phạm tội được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự.

“Đặc thù của loại tội phạm này thường diễn ra nhiều lần, với nhiều người, nếu không xử lý kịp thời hoặc không được xử lý thì đối tượng sẽ tiếp tục thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội. Vì vậy, đề nghị không áp dụng biện pháp hòa giải, thương lượng đối với các tội phạm xâm hại tình dục để tránh bỏ lọt tội phạm gây bức xúc cho xã hội”- bà Cầm nêu quan điểm.

Đồng tình với ý kiến này, Luật sư Nguyễn Văn Chiến, Chủ nhiệm Đoàn luật sư TP Hà Nội nêu rõ, đối với nhóm các tội về xâm hại tình dục tại Điều 141, 142, 143, 144, 145, 146, hiện tại BLHS 2015 đang mở rộng hành vi phạm tội về các nhóm tội này nhưng chế tài vẫn giữ nguyên khung hình phạt là không phù hợp.

Luật sư Chiến phân tích: Tội hiếp dâm trẻ em dưới 16 tuổi thực tế hiện nay đang xảy ra ở nhiều lứa tuổi, nhiều mối quan hệ gia đình, xã hội. Tuy vậy, Bộ luật không quy định chi tiết sẽ dẫn đến bỏ sót hành vi xâm hại cần trừng trị. Vì vậy, cần quy định cho Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tố cao hướng dẫn chi tiết Khoản 2 Điều 19 và các tội thuộc nhóm này.

Trưởng đoàn luật sư Hà Nội cũng cho biết, hiện nay, tội phạm ấu dâm, tội dâm ô đồng tính cũng chưa được quy định trong luật nên cần bổ sung để Luật theo kịp thực tiễn xã hội.

xâm hại tình dục trẻ em

Hòa giải, thương lượng với tội phạm tình dục trẻ em là bỏ lọt tội phạm

Tội phạm về an tooàn thực phẩm: 20 năm vẫn chưa thỏa đáng

Các quy định về an toàn thực phẩm cũng là vấn đề được các đại biểu quan tâm cho ý kiến. Theo bà Trương Thị Hồng Hà - Ban Cải cách tư pháp T.Ư, an toàn thực phẩm là vấn đề của toàn xã hội, hành vi sử dụng chất cấm, hóa chất độc hại trong sản xuất, chế biến thực phẩm để cung cấp cho người tiêu dùng là hành vi xâm phạm trực tiếp đến tính mạng và sức khỏe của toàn xã hội.

“Loại tội phạm này phải quy định hình phạt nghiêm khắc nhất, song Điều 317 BLHS quy định hình phạt cao nhất là 20 năm tù đối với tội phạm này là chưa thỏa đáng, chưa tương tương xứng với hậu quả xảy ra.” – bà Hà nói.

Bà Trương Thị Hồng Hà cũng cho rằng, đối với vấn đề an toàn thực phẩm, việc quy định về hậu quả sẽ dẫn đến khó chứng minh trong quá trình giải quyết vụ án, vì hậu quả của loại tội phạm này không thể phát hiện ngay được mà sau thời gian dài (từ 5 - 10 năm) mới phát sinh, và chỉ nhận biết được với các loại bệnh nặng. Do đó, vấn đề này cần được đặt ra, khi sửa đổi bổ sung luật 2015.

Ngoài các nội dung trên, các đại biểu cũng cho ý kiến về Tội hủy hoại rừng, Luật sư Nguyễn Văn Chiến đề nghị phân loại rõ các loại rừng như rừng tự nhiên, rừng trồng… để khi xử lý, xác định tội danh cụ thể đối với từng loại khi rừng bị hủy hoại.

Trường hợp rừng bị hủy hoại có nguồn gốc từ đất rừng đã giao cho người dân trồng rừng và cây trồng trên đất được xác định là tài sản của công dân, thì cần quy định phân biệt tội hủy hoại rững với tội danh hủy hoại tài sản.

Góp ý về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người đủ 14 tuổi đến 16 tuổi đối với Tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, Tội hiếp dâm và bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (khoản 2 Điều 12), GS,TS. Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ pháp luật, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam bày tỏ đồng tình với việc xử lý hình sự đối với trẻ em từ 14 đến 16 tuổi theo hướng chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự với tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. 

Theo ông Đường, để đấu tranh phòng, chống tội phạm đối với trẻ em nói chung phải sử dụng tổng hợp nhiều biện pháp từ giáo dục, quản lý, trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội chứ không nên tuyệt đối hóa các biện pháp hình sự.

Xuân Hưng


Ý kiến bạn đọc