Hà Nội đề nghị vay vốn ưu đãi làm 2 tuyến đường sắt đô thị

06:09, 13/05/2017
|

(VnMedia) - UBND Thành phố Hà Nội vừa có văn bản đề xuất vay vốn ODA từ Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) và Nhật Bản để làm tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) số 2 đoạn Trần Hưng Đạo - Thượng Đình và tuyến số 3 đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai.

đường sắt đô thị
Sơ đồ hướng tuyến các tuyến đường sắt đô thị Hà Nội

Theo phân tích của UBND Thành phố Hà Nội, tuyến ĐSĐT số 2 được coi là tuyến ĐSĐT xương sống cho khu vực đô thị hiện tại và tương lai, vì vậy, đây là tuyến cần được ưu tiên đầu tư, trong đó ưu tiên đoạn đi qua trung tâm thành phố từ khu vực Nam Thăng (thuộc Bắc Từ Liêm) đến Thượng Đình (thuộc quận Thanh Xuân).

Tuyến số  2 khi hoàn thiện theo quy hoạch sẽ kết nối 3 khu vực tập trung dân cư lớn của Hà Nội, đó là khu đô thị mới phía bắc sông Hồng kết nối với sân bay quốc tế Nội Bài, khu đô thị cổ, cũ, mới phía nam sông Hồng đến Thượng Đình sẽ thu hút một lưu lượng khách từ 714.000 khách/ngày năm 2020 lên đến 1,7 triệu lượt khách ngày năm 2040.

Hiện nay, Hà Nội đang triển khai thực hiện dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo với nguồn vốn ODA vay của Nhật Bản. Việc tiếp tục thực hiện, đầu tư xây dựng đoạn từ Trần Hưng Đạo - Thượng Đình theo quy hoạch sẽ có ý nghĩa quan trọng kết nối các khu vực đô thị trung tâm của Hà Nội, đồng thời kết nối với tuyến số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi, tuyến số đoạn 3 Nhổn - ga Hà Nội và các dự án vận tải công cộng khác tạo thành một mạng lưới giao thông công cộng phân bố hợp lý cho khu vực các quận nội thành cũ làm tăng khả năng hấp dẫn của giao thông công cộng và giảm ách tắc giao thông tại các khu vực nóng hiện nay của Thành phố.

Đối với tuyến số 2 đoạn Trần Hưng Đạo- Thượng Đình có chiều dài khoảng 5,9 km, có 6 ga (toàn bộ là đi ngầm), qua các quận Hai Bà Trưng, Đống Đa, Thanh Xuân. Điểm đầu trên phố Huế, trước ngã tư giao với đường Nguyễn Du- Lê Văn Hưu, điểm cuối tại Thượng Đình ở vị trí nút giao giữa Nguyễn trãi với đường vành đai 2,5. Tổng mức đầu tư dự kiến của dự án là 177,260 tỷ Yên (tương đương khoảng 34.743 tỷ đồng).

Dự kiến tuyến này sẽ vay 146 tỷ Yên vốn ODA của Nhật Bản, còn lại là vốn đối ứng trong nước. Dự kiến thời gian thực hiện dự án từ 2020-2025.

Trong khi đó, tuyến số 3 là trục hành lang nối khu vực phía Tây với trung tâm Thành phố Hà Nội và với khu vực phía Nam Thành phố. Đây là trục giao thông có lưu lượng hành khách lớn, thu hút lượng hành khách là 488.000 hành khách/ngày vào năm 2020.

Hiện Hà Nội đang triển khai xây dựng tuyến số 3 đoạn Nhổn - ga Hà Nội. Việc tiếp tục đầu tư xây dựng tuyến số 3, đoạn từ ga Hà Nội - Hoàng Mai để hoàn chỉnh toàn bộ này có ý nghĩa quan trọng trong việc giải quyết giao thông đi lại từ phía Nam sang phía Tây Thành phố, đồng thời kết nối với tuyến số 2 tại ga Hàng Bài tạo nên sự gắn kết của mạng lưới ĐSĐT, cơ bản giải quyết vận tải hành khách công cộng khu vực đô thị trung tâm Hà Nội.

Vì vậy, theo UBND Thành phố, việc nghiên cứu và đầu tư xây dựng dự án tuyến số 3 đoạn ga Hà Nội-Hoàng Mai là cần thiết và đóng góp tích cực vào phát triển mạng lưới giao thông công cộng; góp phần hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch, giảm phương tiện giao thông cá nhân, giảm ùn tắc giao thông, cải thiện bộ mặt đô thị Hà Nội.

Về quy mô đầu tư, đối với tuyến đường sắt số 3 đoạn ga Hà Nội- Hoàng Mai có chiều dài khoảng 8 km, có 7 ga, đi qua các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai. Điểm đầu tại Quảng trường 1-5 trên đường Trần Hưng Đạo, điểm cuối trên phố Tam Trinh tại nút giao với cầu cạn Pháp Vân (phường Yên Sở, Hoàng Mai).

Tổng mức đầu tư dự kiến của dự án là 1,225 tỷ USD (tương đương khoảng hơn 27.600 tỷ đồng). Trong đó, vốn vay nước ngoài là 1,075 tỷ USD, dự kiến vay của ADB và các nhà tài trợ khác, còn lại là vốn đối ứng trong nước để chi giải phóng mặt bằng, tái định cư… Thời gian thực hiện dự kiến từ 2020-2025.

Theo UBND Thành phố Hà Nội, hiện ADB là nhà đồng tài trợ cho dự án đường sắt đô thị tuyến số 3 đoạn Nhổn- ga Hà Nội. Tại các buổi làm việc với cơ quan chức năng của Việt Nam, phía ADB bày tỏ quan tâm tiếp tục  tài trợ xây dựng tuyến số 3 kéo dài từ ga Hà Nội đến Hoàng Mai.

Còn trong quá trình nghiên cứu thực hiện xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2, Nam Thăng Long - Thượng Đình, Bộ Kế hoạch-Đầu Tư đã làm việc với phía Nhật Bản đề nghị tài trợ vốn để thực hiện xây dựng toàn tuyến, phía Nhật Bản đã có các cam kết để thực hiện toàn tuyến này.

Vì vậy, theo UBND Thành phố, việc tiếp tục sử dụng vốn ODA Nhật Bản để làm tuyến đường sắt số thị số 2, đoạn Trần Hưng Đạo- Thượng Đình là phù hợp.

UBND Thành phố Hà Nội kiến nghị Bộ Kế hoạch – Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đề xuất sử dụng vốn ODA của Nhật Bản và ADB đối với 2 dự án nói trên để Hà Nội có cơ sở thực hiện thủ tục trình phê duyệt lại chủ trương đầu tư dự án theo quy định của Luật Đầu tư công và triển khai các bước tiếp theo của dự án theo các quy định hiện hành về quản lý đầu tư, xây dựng quản lý nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ. 

Cũng liên quan đến việc vay vốn làm đường sắt đô thị Hà Nội, chiều qua 11/5, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chứng kiến lễ ký kết 5 văn kiện hợp tác, trong đó có Hiệp định vay ưu đãi Chính phủ khoản vay bổ sung cho Dự án đường sắt đô thị Hà Nội - Hà Đông giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (China Eximbank).

Theo đó, Dự án đường sắt đô thị Hà Nội - Hà Đông vay bổ sung 250,62 triệu USD. Thực ra, số vốn này bổ sung cho dự án đã được thống nhất từ cách đây 3 năm. Đây chính là số tiền vay bổ sung do dự án bị chậm tiến độ và đội vốn thêm hơn 250 triệu USD. Việc China Emximbank chậm trễ ký kết khoản vay bổ sung này đã khiến tuyến đường sắt đô thị Cát Linh- Hà Đông đứng trước nguy cơ phải lùi tiến độ vì không có tiền để giải ngân.

Xuân Hưng


Ý kiến bạn đọc