Hà Nội còn 18 điểm ngập "cố hữu"

15:32, 30/05/2017
|

(VnMedia) - Với các trận mưa có lượng lớn hơn 50mm – 100mm/2giờ thì dự kiến, hiện Hà Nội tồn tại 18 điểm úng ngập cố hữu - Tổng Giám đốc Công ty thoát nước Hà Nội Võ Tiến Hùng cho biết.

Võ Tiến Hùng
Tổng Giám đốc Công ty thoát nước Hà Nội Võ Tiến Hùng

Theo ông Võ Tiến Hùng, với các trận mưa nhỏ hơn 50mm/2 giờ, cơ bản trên địa bàn Thành phố chỉ tồn tại một số điểm ứ đọng nước khi mưa do đường trũng.

Tuy nhiên, với các trận mưa có lượng lớn hơn 50mm – 100mm/2giờ thì dự kiến, hiện Hà Nội tồn tại 18 điểm úng ngập cố hữu, trong đó 13 điểm thuộc địa bàn giao Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội thực hiện quản lý, duy tu trong năm 2016 (ngã tư Phan Bội Châu – Lý Thường Kiệt, ngã năm Đường Thành – Bát Đàn nhà Hoả, Cao Bá Quát, Đội Cấn, Ngã ba La Pho – Thuỵ Khuê, Minh Khai – chân cầu Vĩnh Tuy, đường Giải phóng – đoạn trước cửa bến xe phía Nam, Nguyễn Chính, Thanh Đàm, Nguyễn Khuyến, Trường Trinh, Hoa Bằng, Phạm Văn Đồng); phát sinh 5 điểm trên địa bàn mới tiếp nhận sau quyết định 41 gồm 2 điểm trên địa bàn quận Hà Đông (ngã ba Phan Đình Giót – Quang Trung, đường Yên Nghĩa – bến xe Yên Nghĩa); quận Long Biên có 3 điểm gồm Ngọc Lâm, Hoàng Như Tiếp, Cổ Linh và một số điểm úng ngập nhỏ lẻ trong các ngõ, ngách, khu dân cư.

Theo ông Hùng, trên thực tế, trong những năm vừa qua, có một số trận mưa lớn tập trung trong thời gian ngắn (thời gian mưa tập trung không quá 40 phút), lượng mưa không đều trên địa bàn thành phố gây quá tải cục bộ cho hệ thống thoát nước khi mưa như Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương, 192 Quán Thánh, Thợ Nhuộm, Ngã tư Thái Hà – Chùa Bộc… ảnh hưởng đến giao thông đô thị.

Đặc biệt, trên địa bàn Thành phố vẫn tồn tại tình trạng tập kết rác trên các rãnh vỉa, miệng ga thu, khi mưa các túi rác này sẽ theo dòng chảy trôi rất nhanh về các ga thu làm giảm khả năng thu nước. Mặt khác, một số hộ dân sử dụng các tấm tôn, gỗ… bịt các miệng ga, ghi thu, khi mưa, các vật cản này không được tháo dỡ kịp thời gây úng ngập giả ạo.

Ngoài ra, các dự án liên quan đến hệ thống thoát nước, các công trình hạ tầng kỹ thuật, chỉnh trang đô thị, đường giao thông, các dự án xây dựng lớn tiếp tục được xây dựng, cải tạo, hoàn thiện đồng thời với các dự án/công trình đã thi công xong nhưng công tác thanh thải để đưa vào vận hành, phục vụ mùa mưa còn chậm và nhiều bất cập nên gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động của hệ thống thoát nước.

Đối với các tuyến do Thành phố quản lý sau đầu tư trên địa bàn các huyện, thị trấn, ông Hùng cho biết, trên các tuyến đường Quốc lộ, tỉnh lộ còn nhiều bất cập như: có lượng lớn đan ga bị mất, vỡ, bùn đất nhiều gây ảnh hưởng đến công tác thoát nước khi mưa.

Trong khi đó, nguồn tiêu thoát nước trên các thị trấn, các đường thành phố quản lý sau đầu tư thuộc các huyện chủ yếu thoát qua mương, rạch đang phục vụ công tác tưới nông nghiệp nên cần sự phối hợp nhịp nhàng giữa Công ty thoát nước và các Công ty thuỷ nông để vừa đảm bảo công tác thoát nước đô thị vừa đảm bảo công tác tưới tiêu.

Theo Tổng Giám đốc Công ty thoát nước Hà Nội, trước nhu cầu đô thị hoá và phát triển nông thôn mới, công tác đầu tư cho hệ thống thoát nước cần phải đồng bộ, hài hoà giữa các lợi ích phát triển kinh tế xã hội từng giai đoạn, hạn chế tối đa việc lấp ao, hồ… vì hồ vừa có tác dụng điều hoà nước vừa tạo cảnh quan, cải thiện môi trường sống cho người dân.

Với nhu cầu công tác duy tu, duy trì cần phải có giải pháp cho việc tập kết phế thải thoát nước cho phù hợp để không phải vận chuyển chất thải vào nội đô, giảm mật độ phương tiện lưu thông trên đường.

Về 5 điểm cố hữu, còn được gọi là “tụ thuỷ”, có nghĩa là cứ mưa là nước dồn vào, ông Hùng cho biết là rất khó giải quyết, trừ khi làm hầm thu nước như ở Nhật Bản. Tuy nhiên, phương pháp này rất tốn kém.

Về việc cải tạo làm sạch hồ Hoàn Kiếm, theo ông Hùng, hiện nay khả năng tự làm sạch của hồ không còn, ô nhiễm chủ yếu do nhiều bùn, có chỗ mực nước chỉ còn 0,5m. Về phương án nạo vét, theo ông Hùng, làm sạch nhưng vẫn phải giữ được màu xanh đặc thù. ”Chúng tôi đã nhờ các nhà khoa học nghiên cứu xem hồ còn loài tảo xanh đặc thù không, nếu còn thì lưu giữ để sau khi làm sạch sẽ cấy lại." - ông Hùng nói.

Tổng Giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội cũng thông tin thêm, vì đây là di tích đặc biệt nên việc làm sạch sẽ phải xin ý kiến Bộ Tài nguyên và môi trường và Bộ văn hoá – Thể thao và du lịch, dự kiến khoảng cuối tháng 7 đầu tháng 8 sẽ triển khai. Thời gian thi công dự kiến trong khoảng 120 ngày.

Xuân Hưng


Ý kiến bạn đọc