Điều tra đầy đủ 1 vụ tai nạn giúp phòng ngừa 600 vụ khác

06:32, 08/05/2017
|

(VnMedia) - Ước tính một vụ tai nạn lao động chết người được điều tra đầy đủ có thể phòng ngừa 600 vụ tai nạn tương tự có thể xảy ra tiếp theo. 

tai nạn lao động

Điều tra đầy đủ 1 vụ tai nạn có thể phòng ngừa 600 vụ tương tự

Như VnMedia đã đưa tin, năm 2016,  năm 2016 trên toàn quốc đã xảy ra 7.981 vụ tai nạn lao động làm 8.251 người bị nạn. Trong đó, số vụ TNLĐ chết người là 799 vụ, số vụ tai nạn lao động có hai người bị nạn trở lên là 106 vụ, số người chết là 862 người, số người bị thương nặng là 1.952 người, nạn nhân là lao động nữ là 2.371 người.

Tuy nhiên, điều đáng nói, theo Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐTB&XH) cho biết, những con số nói trên có được chỉ do 9,5% doanh nghiệp và 44 địa phương báo cáo tỷ lệ tai nạn lao động.

Các chuyên gia tổ chức lao động quốc tế (ILO) khẳng định, thiệt hại do tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp gây ra là rất lớn nhưng chưa được đánh giá đúng. Theo BS. Francisco Santos O’Connor, số liệu an toàn và sức khỏe nghề nghiệp sẽ cung cấp thông tin về bản chất và nguyên nhân của tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp nhằm đánh giá rủi ro, quản lý rủi ro để xác định ưu tiên và đo lường các giải pháp phòng ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp.

Cụ thể, ước tính một vụ tai nạn lao động chết người được điều tra đầy đủ có thể phòng ngừa 600 vụ tai nạn tương tự có thể xảy ra tiếp theo.

Tuy nhiên, đáng tiếc là đến nay các cơ quan chức năng không nắm bắt được tầm nghiêm trọng của vấn đề vì số liệu báo cáo không đúng và đầy đủ so với thực tiễn của tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp. Điều đó dẫn đến hạn chế rất nhiều khả năng phòng ngừa tai nạn lao động.

Trên phạm vi toàn cầu, con số báo cáo và ước tính về tai nạn lao động và thiệt hại từ bệnh nghề nghiệp cũng chênh lệch nhau. Chuyên gia của ILO dẫn ví dụ, năm 2010, con số ước tính của ILO về tai nạn lao động (dẫn đến chết người) trên toàn cầu cao hơn số liệu trong các báo cáo của ILO lên đến 24,80 lần (248%).

Trong khi đó, ông Nguyễn Anh Thơ - Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐTB&XH) cho biết, ở Việt Nam, năm 2016 chỉ có 9,5% DN và 44 địa phương báo cáo tỷ lệ tai nạn lao động.

Như vậy số liệu năm 2016 có gần 8.000 vụ tai nạn lao động, làm hơn 8.200 người bị thương, trong đó 862 người chết vừa được Bộ LĐTB&XH công bố cuối tháng 4 không phản ánh hết được bức tranh về tai nạn lao động ở Việt Nam.

Trên thực tế, con số tai nạn lao động chết người được ghi nhận từ phía các cơ sở y tế và bệnh viện ngay tại Hà Nội thường cao hơn gấp 2 -3 lần. Nghĩa là rất nhiều vụ tai nạn lao động, thậm chí cả những tai nạn lao động gây chết người, đang bị bỏ ngoài báo cáo, nhất là nếu xảy ra ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của khu vực phi chính thức.

Nguyên nhân được chỉ ra là do người sử dụng lao động luôn có xu hướng “giấu bớt” số liệu về tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp do “lười” báo cáo, sợ mất uy tín, tránh các thủ tục bồi thường; Hoặc cũng có nhiều vụ tai nạn lao động xảy ra với những lao động ở khu vực phi chính thức không được thống kê trong các báo cáo chính thức vì không có người đứng ra báo cáo. Đôi khi, nó chỉ được giải quyết như những vụ việc dân sự giữa các cá nhân.

Ngược lại, bản thân người lao động cũng không biết phải báo cáo về tai nạn lao động ở đâu, nhất là những người lao động ở khu vực phi chính thức, hoặc vì cho đó chỉ là tai nạn trong đời sống và cũng do sợ mất việc…

Theo các chuyên gia của ILO, việc tăng cường và thu thập, sử dụng dữ liệu an toàn và sức khỏe nghề nghiệp có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc xây dựng môi trường an toàn và sức khỏe cho người lao động.

Chuyên gia của ILO cũng khuyến cáo, muốn hạn chế tai nạn lao động và thiệt hại từ bệnh nghề nghiệp, Chính phủ cần có đủ tiêu chí cụ thể về báo cáo tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, xây dựng hệ thống thu thập dữ liệu, đẩy mạnh đối thoại với người lao động và xã hội.

Cùng với đó, lồng ghép hoạt động, chiến lược phòng ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp vào hoạt động thanh kiểm tra lao động, các dịch vụ sức khỏe nghề nghiệp, chương trình phúc lợi thương tích nghề nghiệp…

Xuân Hưng


Ý kiến bạn đọc