Cơ quan nào có thẩm quyền kỷ luật Uỷ viên Bộ Chính trị?

15:06, 29/04/2017
|

Theo PGS -TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia HCM), đối với một đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị có những sai phạm đến mức phải xem xét thi hành kỷ luật thì Ban chấp hành TƯ Đảng là cơ quan có thẩm quyền quyết định.

Như Dân Việt đã thông tin, trong thông báo kết luận kỳ họp thứ 14 Ủy Ban Kiểm tra TƯ Đảng đã đề nghị Bộ Chính trị, Ban Chấp hành TƯ Đảng xem xét, thi hành kỷ luật đối với đồng chí Đinh La Thăng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM theo thẩm quyền.

Trong kết luận nêu rõ: Ông Đinh La Thăng, nguyên Bí thư Đảng uỷ, nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) chịu trách nhiệm người đứng đầu về các vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy, HĐTV Tập đoàn PVN trong giai đoạn 2009 - 2011.

Theo PGS Nguyễn Trọng Phúc, việc Ủy Ban Kiểm tra TƯ Đảng đề nghị xem xét, thi hành kỷ luật với Ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng không phải là trường hợp đầu tiên. Vào năm 1990 ông Trần Xuân Bách lúc đó là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TƯ Đảng, do vi phạm kỷ luật ông đã bị cách chức Ủy viên Bộ Chính trị và các chức vụ trong Đảng.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng. Ảnh: Zing
Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng. Ảnh: Zing

Trường hợp thứ hai là ông Nguyễn Hà Phan, vào năm 1996. Ông Phan là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội, do sai lầm trong thời gian làm công tác binh vận, nên tại Hội nghị lần thứ 10, Ban Chấp hành TƯ Đảng khóa VII (4.1996), ông đã bị kỷ luật khai trừ Đảng và tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa IX (10.1996) đã quyết nghị bãi nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch Quốc hội và đại biểu Quốc hội của ông.

Vẫn theo PGS Phúc, trường hợp một Ủy viên Bộ Chính trị như ông Đinh La Thăng có những vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật thì thẩm quyền quyết định thuộc về Ban chấp hành TƯ. Bộ Chính trị họp rồi bỏ phiếu, sau đó trình ra Ban chấp hành TƯ để Ban Chấp hành TƯ xem xét, quyết định bằng hình thức bỏ phiếu kín.

Nhìn nhận về việc ông Đinh La Thăng bị đề nghị thi hành kỷ luật Đảng, PGS -TS Nguyễn Trọng Phúc nói: "Kỷ luật Đảng và pháp luật của Nhà nước không có vùng cấm, không loại trừ bất kỳ ai. Dù anh ở cương vị nào được giao nếu vi phạm đều phải bị xử lý về kỷ luật Đảng và pháp luật của Nhà nước. Mọi đảng viên không kể chức vụ đều bình đẳng trước pháp luật, trước pháp luật của Nhà nước. Thậm chí dù anh đã nghỉ hưu, chuyển công tác khác nhưng anh công tác ở nơi cũ mà vi phạm việc này, việc kia cũng vẫn bị xem xét, xử lý quy trách nhiệm".

Tại Hội nghị Ban Chấp hành TƯ 7 kỳ II khóa IX, Ban Chấp hành TƯ đã xem xét và biểu quyết thi hành kỷ luật ông Trương Tấn Sang lúc đó là Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương bằng hình thức khiển trách. Lý do là trong thời kỳ làm Bí thư Thành ủy TP.HCM (khóa VI) ông chưa làm tròn trách nhiệm trong việc chỉ đạo điều tra, ngăn chặn những hoạt động tội phạm của Trương Văn Cam cùng đồng bọn và có những khuyết điểm trong công tác cán bộ.

 


Ý kiến bạn đọc