Vụ bé trai bị tôn cứa cổ: Người lái xích lô không có lỗi gây ra cái chết?

06:40, 27/03/2017
|

(VnMedia) - Theo quy định của Luật giao thông đường bộ thì lái xe xích lô không có lỗi gây ra cái chết cho cháu bé. Cái chết của cháu bé không có mối quan hệ nhân quả với hành vi xe xích lô dừng đỗ và chở hàng cồng kềnh...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo dự kiến, ngày hôm nay (27/3/2017), TAND Quận Hoàng Mai đưa ra xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Đinh Ngọc Thạch, bị VKSND Quận Hoàng Mai truy tố về Tội vi phạm qui định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ theo quy định tại khoản 1 Điều 202 Bộ luật hình sự.

Theo cáo buộc, khoảng 13h30 ngày 23/9/2016 tại đường 2,5 Tân Mai, phường Tân Mai, Hoàng Mai, Hà Nội xảy ra vụ tai nạn giao thông giữa xe đạp do cháu Trần Minh Hoàng (SN: 2007HKTT: 203 B3 Tân Mai, Hoàng Mai, Hà Nội) điều khiển đi phía sau cùng chiều thiếu chú ý quan sát, đâm vào phía sau tấm tôn trên xe xích lô do Đinh Ngọc Thach đang đỗ trên đường gần vỉa hè theo chiều từ Kim Đồng về Đền Lừ. Hậu quả cháu Hoàng bị thương nặng và tử vong trên đường đi cấp cứu.

Về vấn đề dân sự, đại diện gia đình Đinh Ngọc Thạch đã bồi thường thiệt hại cho gia đình cháu Trần minh Hoàng số tiền 130.00.000 đồng.

Đại diện gia đình nạn nhân không có ý kiến gì thêm về bồi thường thiệt hại dân sự và đề nghị giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. 

Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư Hà Nội), là người bào chữa miễn phí cho bị cáo Đinh Ngọc Thạch cho rằng, việc truy tố bị can về Tội vi phạm qui định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ là không thoả mãn dấu hiệu mặt khách quan của điều luật.

Theo quy định của Luật giao thông đường bộ thì lái xe xích lô không có lỗi gây ra cái chết cho cháu bé. Cái chết của cháu bé không có mối quan hệ nhân quả với hành vi xe xích lô dừng đỗ và chở hàng cồng kềnh.

Điều 63 Luật giao thông đường bộ qui định điều kiện của người điều khiển xe thô sơ tham gia giao thông 1. Có sức khỏe bảo đảm điều khiển xe an toàn. 2. Hiểu biết quy tắc giao thông đường bộ.

Trong vụ việc này, cháu Hoàng đang là học sinh lớp 4, sinh năm 2007, đang là lứa tuổi trẻ em không đủ năng lực điều khiển phương tiện xe thô sơ (xe đạp) tham gia giao thông trên đường bộ. Về nguyên nhân tử vong là do cháu Hoàng điều khiển xe đạp do không có phanh, thiếu quan sát đã lao vào phía sau tấm tôn trên xe xích lô đang dừng đỗ chuẩn bị dỡ hàng bên lề đường.

Thời điểm xe xích lô dừng đỗ trên đường để chuẩn bị dỡ hàng không làm khuất tầm nhìn hay cản trở giao thông. Đường phố Tân Mai không có biển cấm dừng đỗ xe.

Như vậy, xét về mặt chủ quan, lỗi của cháu bé là lỗi chính do thiếu quan sát đâm vào tấm tôn. Mặt dù tại thời điểm xe xích lô chở hàng không làm khuất tầm nhìn của cháu bé và không cản trở đến việc tham gia giao thông của các phương tiện đang lưu thông trên đường.

Lỗi của anh Thạch là chở hàng cồng kềnh nhưng cơ quan pháp luật đang khởi tố truy tố anh Thạch về tội điều khiển phương tiện giao thông đường thì việc điều khiển xe xích lô chở hàng cồng kềnh phải đâm hoặc va vào cháu bé thì mới có lỗi.

"Pháp luật không quy định người điều khiển phương tiện giao thông phải quan sát phía sau khi mà họ không điều khiển xe chuyển hướng hoặc lùi . Việc cháu bé chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện giao thông nên không có đủ năng lực lái xe đã điều khiển xe đạp không có phanh, thiếu quan sát đâm vào phía sau xe chở tôn của anh Thạch gây ra hậu quả cháu bé bị trọng thương và tử vong được xác định lỗi và nguyên nhân gây ra vụ tai nạn là do cháu bé tự gây ra", luật sư Thơm nói.

Tuy nhiên, trong mọi trường hợp, người điều khiển phương tiện thiếu quan sát đâm vào đuôi xe người khác đều toàn phải tự mình chịu trách nhiệm do lỗi của mình gây ra. Anh Đinh Ngọc Thạch chở hàng vượt quá giới hạn cho phép và dừng đỗ không đúng qui định được xác định là lỗi vi phạm hành chính và xử phạt theo Nghị định 46/2016-NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông.

Luật sư Thơm dẫn chứng vụ việc cháu bé thiếu quan sát đi xe đạp đâm vào xe xích lô chở tôn đang dừng đỗ cũng tương tự như vụ việc xảy ra ngày 21/10/2016 trên đường Kinh Dương Vương, phường An Lạc, quận Bình Tân. Nạn nhân là anh Nguyễn Văn Ngộ (SN 1975, trú Cần Thơ). Do mải đuổi theo xe buýt để lên, anh này đã vấp vào nắp hố ga rồi lọt xuống. Khoảng 10 phút sau, một nhóm công nhân đưa nạn nhân ra khỏi hố nhưng người này đã tử vong.

Cơ quan điều tra cho rằng các thiếu sót liên quan đến đơn vị thi công công trình như không có rào chắn, không nắp đậy hố ga, thiếu người cảnh báo… không phải là quan hệ nhân quả dẫn đến cái chết của nạn nhân nên không khởi tố vụ án hình sự. Đối với đơn vị chủ đầu tư, đơn vị tư vấn giám sát và đơn vị thi công (Công ty TNHH liên doanh xây dựng VIC), Cơ quan cảnh sát điều tra kiến nghị xử lý hành chính các cá nhân có trách nhiệm.

Điều 202. Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ

1. Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:

a) Không có giấy phép hoặc bằng lái xe theo quy định;

b) Trong khi say rượu hoặc say do dùng các chất kích thích mạnh khác;

c) Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;

d) Không chấp hành hiệu lệnh của người đang làm nhiệm vụ điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;

đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.

4. Vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ mà có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Phương Mai


Ý kiến bạn đọc