Người phát ngôn Chính phủ nói về 27 trạm thu phí BOT "ma"

21:45, 01/03/2017
|

(VnMedia) - “Chủ trương của Chính phủ là đánh giá những cái được, chưa được, từ đó có sự chấn chỉnh, điều chỉnh trong công tác đầu tư, quản lý và phê duyệt các dự án theo hình thức BOT. Còn bây giờ đánh giá như thế nào thì phải chờ các cơ quan kiểm toán, các cơ quan giám sát của Quốc hội thì sẽ có câu trả lời....

người phát ngôn Chính phủ Mai Tiến Dũng
Người phát ngôn Chính phủ Mai Tiến Dũng trả lời báo chí chiều tối ngày 1/3 - ảnh: Nhật Bắc

Như VnMedia đã đưa tin Kiểm toán Nhà nước phát hiện thủ đoạn lập trạm thu phí mang tên dự án BOT (được thu phí) nhưng đặt trên các tuyến đường không đầu tư bằng BOT, đồng nghĩa với việc người dân phải trả phí oan, chiều tối 1/3, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2/2017, Người phát ngôn Chính phủ Mai Tiến Dũng đã trao đổi với báo chí về vấn đề này.

Theo đó, trả lời báo chí về trách nhiệm trong việc thẩm định thời gian thu phí BOT tại các trạm này cũng như bài học kinh nghiệm rút ra trong thời gian tới để tiếp tục cấp phép cho các trạm BOT, Người phát ngôn Chính phủ Mai Tiến Dũng nói:

“Chủ trương của Quốc hội và chủ trương của Chính phủ chỉ đạo cơ quan hữu quan là: Năm 2017 là năm các cơ quan giám sát của Quốc hội, các cơ quan Kiểm toán quan tâm đến vấn đề kiểm tra các dự án BOT.

“Trong thực tế, chúng ta đồng ý với ý kiến mà báo chí nêu ra. Ví dụ, quy định một tuyến đường 70 km có 1 trạm thu phí hay ngay cả vấn đề đầu tư bảo đảm các điều kiện liên quan đến việc thu phí đúng như đề án. Trong thực tiễn, có những doanh nghiệp làm rất tốt và kiểm soát rất trung thực nhưng cũng có những doanh nghiệp trong quá trình đầu tư chưa đạt yêu cầu nhưng đã thu phí.

“Chủ trương của Chính phủ đánh giá những cái được, chưa được, từ đó có sự chấn chỉnh, điều chỉnh trong công tác đầu tư, quản lý và phê duyệt các dự án theo hình thức BOT. Còn bây giờ đánh giá như thế nào thì phải chờ các cơ quan kiểm toán, các cơ quan giám sát của Quốc hội thì sẽ có câu trả lời. Hiện nay chúng tôi chỉ xin phép được nêu những chủ trương lớn như vậy.”

Trước đó, báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cho biết, theo quy định, khoảng cách các trạm thu phí là 70 km nhưng thực tế xảy ra hai tình trạng. Một là trạm thu phí cho dự án nhưng đặt trên tuyến đường khác và không gắn với dự án, dẫn đến người dân không đi trên đường được đầu tư bằng BOT nhưng vẫn phải trả phí cho nhà đầu tư.

Thứ hai là khoảng cách giữa các trạm thu phí không đảm bảo tối thiểu 70 km, tuy nhiên các trạm này đều được sự chấp thuận giữa bộ GTVT, Bộ Tài chính và địa phương đã tạo điều kiện cho mật độ trạm thu phí càng dày đặc thêm.

Từ thực tế đó, kiểm toán nhà nước đề nghị cần phải quy định rõ ràng hơn về vị trí đặt các trạm thu phí như: trạm thu phí phải đặt trên dự án thực hiện; khoảng cách giữa các trạm tối thiểu 70 km.

Ngoài ra, về mức thu phí, kiểm toán nhà nước cho rằng, việc cứ qua trạm thu phí là thu phí không kể chiều dài đi được là bao nhiêu đều có mức thu như nhau, gây khó khăn cho người dân và DN tại địa phương nơi đặt trạm thu phí hàng ngày phải di chuyển qua lại trạm thu phí dù đi quảng đường rất ngắn nhưng lại trả phí rất cao. Do vậy cần quy định mức thu phí với người dân địa phương nơi đặt trạm thu phí.

Xuân Hưng


Ý kiến bạn đọc