Hà Nội "không được phép" lặp lại trận lụt như 2008

06:20, 04/02/2017
|

(VnMedia) - "Trận ngập 2008 mọi người nói là “thất thủ”, và vận hành một đô thị lớn như Hà Nội thì không được phép để lặp lại chuyện như vậy” Bí thư Hoàng Trung Hải nhấn mạnh khi thăm công trình trạm bơm Yên Nghĩa, dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2018.

Chiều 3/2, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải đã có chuyến đi kiểm tra các công trình thuỷ lợi, nghe báo cáo tiến độ dự án cải thiện hệ thống tiêu nước khu vực phía Tây -  trạm bơm tiêu Yên Nghĩa.

Hoàng Trung Hải
Bí thư Hoàng Trung Hải đi thị sát dự án trạm bơm tiêu Yên Nghĩa

Theo báo cáo của ông Ngô Xuân Dụng, Giám đốc Ban Quản lý (BQL) Dự án Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa, dự án này là 1 trong 52 công trình trọng điểm của TP Hà Nội giai đoạn 2016-2020 hiện đang được Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tích cực triển khai, đôn đốc các nhà thầu thi công đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.

Dự kiến, gói thầu số 15 “thi công xây dựng nhà máy, bể hút, bể xả, cống xả qua đê, hệ thống vớt rác, công trình quản lý, đường thi công, hoàn trả công trình dân sinh” sẽ cơ bản hoàn thành đưa vào phục vụ sản xuất, phòng chống lụt bão úng ngập trong năm 2018. Toàn bộ dự án sẽ hoàn thành vào năm 2020.

Mục tiêu chính của dự án là bảo đảm tiêu úng cho 6.300ha của huyện Hoài Đức, quận Hà Đông và Từ Liêm (trong đó khu vực Mỹ Đình và một phần Đại lộ Thăng Long), cùng với các công trình đầu mối tiêu khác (Trạm bơm Liên Mạc, Trạm bơm Yên Thái, Trạm bơm Đào Nguyên).

Bên cạnh đó, bảo đảm tiêu cho 18.652ha đất tự nhiên của khu vực phát triển đô thị phía Tây Hà Nội giới hạn phía Tây sông Tô Lịch và thượng lưu cống Hà Đông, thuộc lưu vực sông Nhuệ bao gồm diện tích của quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, Tây Hồ, Hà Đông và các huyện Từ Liêm, Đan Phượng, Hoài Đức; hạ thấp mực nước sông Nhuệ để hỗ trợ tiêu cho các khu vực khác dưới cống Hà Đông, góp phần đảm bảo an toàn hệ thống sông Nhuệ; kết hợp cải thiện môi trường sinh thái và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tổng mức đầu tư giai đoạn I là trên 3.900 tỷ đồng. Tổng diện tích giải phóng mặt bằng của dự án là trên 298 nghìn m2 của huyện Hoài Đức và quận Hà Đông.

Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa
Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa là dự án lớn nhất Việt Nam và lớn nhất Đông Nam Á

Về tiến độ công tác giải phóng mặt bằng thực hiện dự án, ông Vương Duy Hướng, Bí thư huyện Hoài Đức cho biết, trên địa bàn huyện tổng diện tích cần GPMB là trên 101 nghìn m2, hiện đã hoàn thành GPMB trên 95 nghìn m2, đạt trên 94%; kinh phí đã chi trả 61,833 tỷ đồng; diện tích còn lại chưa GPMB là 5.758,9 m2 thuộc khu đầu mối sẽ hoàn thành trong quý II/2017.

Sau khi nghe đại diện các bên báo cáo, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải nhận định, đây là dự án trạm bơm tiêu úng lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á, “lớn như một thủy điện”.

Theo Bí thư, nhiều năm qua Hà Nội vẫn chịu thách thức rất lớn về úng ngập. Mặc dù tình hình cải thiện năng lực thoát nước của Hà Nội có tiến triển, giảm được số điểm úng ngập, nhưng trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, tình hình mưa ngập vẫn rất đáng lo.

“Dự án cải thiện hệ thống tiêu nước khu vực phía Tây Hà Nội là công trình trọng điểm, phải lấy mục tiêu đưa vào khai thác trước mùa mưa năm 2018 vì không lường được biến đổi khí hậu thế nào, càng không thể đợi dự án này đến năm 2020. Vì vậy, Sở NN&PTNT phải chỉ đạo Ban quản lý dự án bám sát tiến độ thi công của nhà thầu, tránh tình trạng tới thời điểm cần vận hành lại nói xin lỗi là không được” Bí thư Hoàng Trung Hải nhấn mạnh.

Hoàng Trung Hải
Bí thư Hoàng Trung Hải nhấn mạnh: Hà Nội “không được phép” lặp lại trận lụt như 2008

Để đẩy nhanh tiến độ, Bí thư Hà Nội cũng yêu cầu thành phố và các sở ngành liên quan ưu tiên nguồn vốn. Đồng ý với những ý kiến đề xuất tại buổi làm việc, Bí thư Hoàng Trung Hải yêu cầu tính toán, bố trí vốn giải phóng mặt bằng cả hai giai đoạn cùng lúc, không để tình trạng một gia đình phải chịu cảnh hai lần giải phóng mặt bằng.

“Đây là trạm bơm tiêu lớn hơn trạm bơm Yên Sở Hà Nội, cũng lớn nhất nhất Việt Nam, nhưng trong thiết kế về tiêu thoát nước cần phải tính toán việc tiêu thoát trùng nhau với các khu vực trạm bơm Yên Sở. Ngay trạm bơm Yên Sở trong trận ngập lịch sử năm 2008 cũng suýt ngập, vì thế khi dự án đảm bảo khả năng tiêu thoát trùng nhau cho các khu vực thì càng có thêm phương án dự phòng để đảm bảo an toàn".

"Còn để ngập như năm 2008 là không thể được. Như trận ngập khi đó mọi người nói là “thất thủ”, và vận hành một đô thị lớn như Hà Nội thì không được phép để lặp lại chuyện như vậy” Bí thư Hoàng Trung Hải nhấn mạnh.

Tuệ Khanh (bài, ảnh)


Ý kiến bạn đọc