Hà Nội: Hầu hết các điểm trông giữ xe thu phí cao gấp 2-3 lần quy định

08:44, 14/02/2017
|

Theo quy định của thành phố tại các địa điểm danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa, đối với xe máy ban ngày thu 3.000 đồng/lượt, song tất cả các điểm được khảo sát đều thu cao hơn quy định, hầu hết 10.000 đồng/lượt; đối với ô tô xe đến 9 ghế ngồi và xe tải từ 2 tấn trở xuống quy định thu 30.000 đồng/lượt, song hầu hết 50.000 đồng/lượt.

Hầu hết các điểm trông giữ xe không thực hiện việc thu giá dịch vụ trông giữ phương tiện theo quy định. Ảnh minh họa
Hầu hết các điểm trông giữ xe không thực hiện việc thu giá dịch vụ trông giữ phương tiện theo quy định. Ảnh minh họa

Ban Kinh tế - Ngân sách thuộc Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội mới đây đã có kết luận đợt khảo sát việc thực hiện quy định về giá trông giữ phương tiện xe đạp, xe máy, ô tô trên địa bàn thành phố.

Kết luận dựa trên việc khảo sát thực tế tại một số quận, huyện khu di tích, bến xe như khu vực Chùa Quán Sứ, Đền Quán Thánh, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Chùa Đậu, Bến xe Giáp Bát, Nước Ngầm, Mỹ Đình.

Hầu hết các điểm trông giữ xe không thực hiện việc thu giá dịch vụ trông giữ phương tiện theo quy định (ảnh minh họa)

Theo đó, Ban Kinh tế - Ngân sách và đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố Hà Nội đã chỉ ra không ít các hình thức vi phạm, trong đó có nhiều vấn đề đã từng được kiến nghị từ những năm trước nhưng vẫn chậm được khắc phục.

Chẳng hạn như nhiều điểm trông giữ xe tự phát, không được cấp phép theo quy định như tại khu vực ngoài Đền Quán Thánh, lòng đường Lý Thường Kiệt cạnh Chùa Quán Sứ; sử dụng ngoài diện tích được cấp phép (vỉa hè bên ngoài Bến xe Giáp Bát); trông giữ phương tiện khi giấy chứng nhận đủ điều kiện trông giữ phương tiện đã hết hạn.

Hầu hết các điểm không thực hiện việc thu giá dịch vụ trông giữ phương tiện theo quy định, cao hơn từ 2 đến 3 lần mức thu quy định của thành phố.

Cụ thể, quy định của thành phố tại các địa điểm danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa, đối với xe máy ban ngày thu 3.000 đồng/lượt, song tất cả các điểm được khảo sát đều thu cao hơn quy định, hầu hết 10.000 đồng/lượt; đối với ô tô xe đến 9 ghế ngồi và xe tải từ 2 tấn trở xuống quy định thu 30.000 đồng/lượt, song hầu hết 50.000 đồng/lượt.

Nhiều điểm thu không có biên lai; vé hoặc biên lai, vé thu do đơn vị thu tự lập chưa đúng quy định, trên biên lai không ghi giá trông giữ phương tiện...

Một trong các nguyên nhân được đoàn khảo sát chỉ ra đó là sự vào cuộc chưa chủ động và thiếu kiên quyết của chính quyền các cấp, các sở, công an tại địa bàn trong công tác kiểm tra, giám sát...

Từ kết quả khảo sát, Ban Kinh tế - Ngân sách đã đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo các ngành, cấp kiểm tra, chấn chỉnh ngay việc thu giá dịch vụ trông giữ phương tiện tại các điểm di tích, danh lam thắng cảnh, bến xe của thành phố theo đúng quy định.

Đồng thời, đơn vị khảo sát cũng đề nghị công khai đường dây nóng để tiếp nhận, phản ánh của người dân; có biện pháp xử lý, xử phạt và thường xuyên tái kiểm tra, kiểm soát không để tái diễn vi phạm đối với các đơn vị để xảy ra vi phạm.

Ban Kinh tế - Ngân sách của thành phố cho rằng, cần phải kiên quyết thu hồi giấy phép đối với những đơn vị tái vi phạm. Đồng thời, đề nghị UBND thành phố chỉ đạo nghiên cứu, thực hiện nhân rộng mô hình trông giữ xe miễn phí cho người dân tại các khu di tích, bến xe, đặc biệt là dịp lễ.

Đoàn khảo sát cũng đề nghị UBND thành phố Hà Nội sớm rà soát, đầu tư các bãi đỗ xe theo quy hoạch; chỉ đạo rà soát giá dịch vụ trông giữ phương tiện, cần thiết điều chỉnh tại một số điểm, khu vực đảm bảo khuyến khích các nhà đầu tư tham gia xây dựng, kinh doanh trông giữ phương tiện thông tin trên địa bàn thành phố, nhất là các điểm danh lam, thắng cảnh, di tích gắn với phát triển du lịch.

Theo Dân Trí


Ý kiến bạn đọc