Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu kiểm soát nghiêm các loài ngoại lai xâm hại

09:30, 16/02/2017
|

(VnMedia) - Trước thông tin có việc phóng sinh một lượng cá lớn, trong đó có cá chim trắng, là ngoại lai có nguy cơ xâm hại, Bộ TN&MT vừa có thông báo yêu cầu các địa phương, các cơ quan liên quan thực hiện nghiêm việc kiểm soát các loài ngoại lai xâm hại...

thả cá phóng sinh
Việc thả cá phóng sinh xuống sông Hồng hôm 5/2 khiến nhiều người e ngại rằng, trong đó có một số lượng lớn cá chim trắng là loài ngoại lai xâm hại - ảnh: Vietnamnet

Những ngày qua, một số cơ quan truyền thông, vào ngày 5 tháng 2 năm 2017, tại bến sông trước cửa đình làng Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội, đã diễn ra việc phóng sinh một lượng cá lớn, trong đó có cá chim trắng (tên khoa học là Colossoma brachypomum) là ngoại lai có nguy cơ xâm hại.

Trong khi đó, quy định tại Khoản 1, Điều 52 Luật Đa dạng sinh học năm 2008 và Khoản 6 Điều 7 Thông tư số 53/2009/TT-BNNPTNT ngày 21/8/2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về quản lý các loài thủy sinh ngoại lai thì việc nuôi, trồng trái phép, phóng thích các loài ngoại lai xâm hại và loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại là trái quy định pháp luật.

Tin từ Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin nêu trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Nội phối hợp với các cơ quan có liên quan gửi báo cáo chi tiết về vụ việc.

Tiếp đó, ngày 10/2, Bộ đã tổ chức cuộc họp giữa Tổng cục Môi trường và Tổng cục Thủy sản, Văn phòng Ủy ban và các cơ quan chuyên môn liên quan của thành phố Hà Nội cùng với sự tham gia của các nhà khoa học để làm rõ thực trạng vụ việc và đưa ra các biện pháp quản lý. Chi cục Thủy sản thành phố Hà Nội tiếp tục theo dõi, xử lý vụ việc.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đề nghị Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị chức năng tiến hành điều tra, xác định rõ thông tin và xử lý theo quy định đối với trách nhiệm tổ chức, cá nhân vi phạm quy định pháp luật;

Ngoài ra, Bộ có văn bản đề nghị các bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp chỉ đạo việc quản lý loài ngoại lai xâm hại và loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại nhằm bảo tồn đa dạng sinh học trên phạm vi toàn quốc.

Cụ thể, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát danh mục và việc quản lý các loài ngoại lai xâm hại, các giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản trong ngành nông, lâm, thủy sản để bảo đảm thực hiện đúng quy định pháp luật về quản lý loài ngoại lai xâm hại; Chỉ đạo việc thực hiện nghiêm các biện pháp kiểm soát các loài xâm hại, loài có nguy cơ xâm hại trong ngành thủy sản, nông nghiệp, lâm nghiệp; Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường để rà soát, cập nhật Danh mục các loài ngoại lai xâm hại.

Đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực thi các quy định pháp luật về quản lý các loài ngoại lai xâm hại, loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại trên địa bàn; Tăng cường hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về các tác hại của loài ngoại lai xâm hại đối với môi trường và đa dạng sinh học và không thực hiện các hành vi nuôi, trồng, phát tán, phóng sinh loài ngoại lai xâm hại, loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại trái với quy định của pháp luật.

Trong thông báo này, Bộ Tài nguyên và môi trường không nói đến kết luận chính thức tại cuộc họp giữa các bên, tuy nhiên, theo thông tin đăng trên một số phương tiện thông tin thì sáng 11/2, ông Hoàng Tiến Minh, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội) cho biết, chiều 10/2, các chuyên gia của Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng Bộ NN&PTNT đã có cuộc họp kín để xác định rõ số cá phóng sinh xuống sông Hồng hôm 5/2 có nguy hại hay không.

Tại cuộc họp, theo báo cáo của lãnh đạo xã, huyện thì số cá được thả phóng sinh trong lễ ngày 5/2 do nhà chùa thực hiện chỉ là cá mè, trắm, trê, chép.

"Ngoài ra, cá chim trắng có thể có nhưng rất ít và do người dân, phật tử các nơi đi lễ mang về thả, còn các nhà sư làm lễ không mua cá này về thả, cũng như không nắm được đó là cá gì. Hiện nay, Chi Cục sẽ có báo cáo Thành phố và Bộ rõ về việc này", ông Minh cho hay.

Đặc biệt, ông Minh thông tin, trong cuộc họp, các chuyên gia xác định, đối tượng cá chim trắng phóng sinh xuống sông Hồng trong buổi lễ ngày 5/2 theo hình ảnh được đăng tải không phải là loài chim trắng toàn thân có tên khoa học Piaractus brachypomus bị cấm mà đây là loài cá chim trắng được nuôi, có tên khoa học là Colossoma brachypomum. Đây là loài cá được nuôi, sản xuất, kinh doanh theo Thông tư liên tịch số 27/2013/TTLT-BTNMT-BNNPTNT ngày 26/9/2013 và Quyết định số 57/2008/QĐ-BNN ngày 2/5/2008 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT.

“Giống cá này cũng là giống truyền thống, được đưa về Việt Nam nuôi từ năm 2000 chứ không còn là mới", ông Minh nêu rõ.

Ông Minh cũng bác bỏ một số thông tin cho rằng, có 10 tấn cá chim trắng được thả xuống sông Hồng trong buổi lễ ngày 5/2.

Xuân Hưng


Ý kiến bạn đọc