Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng "sổ đen" doanh nghiệp để giám sát đặc biệt

09:29, 06/02/2017
|

(VnMedia) -  Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu về thanh tra, kiểm tra, trong đó xác định các đối tượng có nguy cơ, nhiều lần tái phạm để cùng với việc thanh tra, kiểm tra sẽ thực hiện các biện pháp theo dõi, giám sát đặc biệt...

Đó là một trong những nội dung được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trao đổi với phóng viên VnMedia nhân ngày đầu xuân Đinh Dậu 2017.

- Thưa Bộ trưởng, công tác thanh tra đã và đang là vấn đề còn nhiều tồn tại của không chỉ ngành tài nguyên và môi trường. Trên thực tế, các cơ quan công quyền đang phụ thuộc rất nhiều vào phát hiện của báo chí hoặc tố giác của người dân. Xin Bộ trưởng cho biết, trong thời gian tới, ông sẽ có những giải pháp gì tạo sự thay đổi đột phá trong lĩnh vực này?

Trong năm 2016, công tác thanh tra, kiểm tra của Bộ TN&MT bước đầu đã có những đổi mới; có sự phối hợp giữa Trung ương và địa phương đặc biệt là trong thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên đề diện rộng việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước tại các dự án có xả thải trên phạm vi cả nước. Qua thanh tra, toàn ngành đã phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính gần 90 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi hơn 8,6 nghìn ha đất và truy thu nộp ngân sách hơn 34 tỷ đồng.

Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận thì công tác thanh tra, kiểm tra của ngành cũng còn nhiều tồn tại hạn chế.

Một là, ngay từ khâu xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra chưa xác định đúng đối tượng, nội dung thanh tra, kiểm tra chưa tập trung vào các vấn đề bức xúc xã hội. Do đó, kết quả thanh tra chưa giải quyết được bức xúc, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí để nâng cao hiệu lực, hiệu quả, đảm bảo pháp luật được thượng tôn và phát hiện những kẽ hở, bất cập của cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoàn thiện. Chính vì vậy mà thanh tra kiểm tra chưa thành công cụ sắc bén để nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật.

Hai là, tỷ lệ thu hồi tiền, đất và tài sản vi phạm được phát hiện qua thanh tra vẫn còn thấp. Lực lượng thanh tra còn mỏng, trình độ còn hạn chế. Vì vậy, tai mắt nhân dân, phản ánh của các cơ quan báo chí về các vấn đề bức xúc xã hội và kênh thông tin quan trọng, hữu hiệu để đấu tranh với tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong công tác quản lý, sử dụng tài nguyên và môi trường.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà

Để tạo sự đột phá trong công tác thanh tra, kiểm tra về tài nguyên và môi trường cần phải tiếp tục đổi mới.

Thứ nhất, phải bắt đầu từ việc xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra; lựa chọn đối tượng, nội dung thanh tra phải gắn với những vấn đề bức xúc xã hội, vì đó là bức tranh phản ánh sinh động nhất những vấn đề tiêu cực, bức xúc trong công tác quản lý của ngành.

Thứ hai, phải có sự phối hợp giữa các cơ quan Trung ương và giữa Trung ương với địa phương; kết hợp giữa thanh tra, kiểm tra chuyên ngành với thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp; như vậy kết quả thanh tra, kiểm tra mới phản ánh được bức tranh chung về tình hình thực thi pháp luật, thấy rõ được những bất cập trong chính sách để sửa đổi hoàn thiện.

Thứ ba, các kết luận thanh tra, kiểm tra phải chỉ rõ những bất cập, kẽ hở, lỗ hổng về chính sách để kiến nghị sửa đổi bổ sung, hoàn thiện ngay không để xảy ra việc lợi dụng kẽ hở để vi phạm, để tham nhũng tương tự đối với các địa phương khác. Phải xác định rõ đối tượng vi phạm, mức độ vi phạm, biện pháp xử lý trách nhiệm, giải pháp khắc phục và giao trách nhiệm cho người đứng đầu cơ quan địa phương kiểm tra, đôn đốc thực hiện kết luận thanh tra, kiểm tra và báo cáo kết quả về Bộ theo định kỳ.

Thứ tư, xây dựng được cơ sở dữ liệu về thanh tra, kiểm tra, trong đó xác định các đối tượng có nguy cơ, nhiều lần tái phạm để cùng với việc thanh tra, kiểm tra sẽ thực hiện các biện pháp theo dõi, giám sát.

Thứ năm, nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác thanh tra. Cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra cần hiểu biết pháp luật; liêm chính, khách quan, công tâm và phải có bản lĩnh. Cần tiếp tục đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra. Xây dựng quy trình từ khâu lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra đến tổ chức đoàn thanh tra, kiểm tra; ra kết luận thanh tra; công khai thông tin ra công luận để nhân dân giám sát việc thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra. Một số lĩnh vực như khoáng sản, môi trường, quản lý tài nguyên nước sẽ thực hiện phân công trách nhiệm cho từng cán bộ theo dõi, giám sát liên tục không chỉ qua thanh tra, kiểm tra.

Cuối cùng như tôi vừa nói, tai mắt của nhân dân và phản ánh của báo chí, dư luận xã hội vẫn là kênh thông tin quan trọng phản ánh một cách đầy đủ hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước của ngành; cũng như phát hiện những bất cập trong chính sách; phát hiện những sai trái, vi phạm, tham nhũng trong quản lý tài nguyên và môi trường. Vì vậy, cần hoàn thiện cơ chế tiếp nhận, phản hồi ý kiến của nhân dân và doanh nghiệp.

- Theo quy định, việc tiến hành thanh tra chỉ được phép không quá một lần mỗi năm đối với một doanh nghiệp, vậy làm thế nào để Bộ có thể giám sát việc thực hiện kết luận thanh tra tại các doanh nghiệp, khi mà tỷ lệ tái phạm là rất cao?

Tôi đề nghị Thanh tra Bộ và các chuyên ngành bắt tay ngay sau Tết nguyên đán Đinh Dậu. Thanh tra đến đâu phải kết luận đến đó và giám sát chặt việc thực hiện các kết luận thanh tra… để góp phần đưa hiệu quả của công tác thanh tra vào tăng cường công tác thực thi pháp luật, tăng cường công tác xử lý những sai phạm một cách kịp thời" - Bộ trưởng Trần Hồng Hà.

Đối với việc xử lý sau thanh tra, đây là vấn đề hết sức quan trọng đảm bảo các kết luận thanh tra được thực thi. Năm 2016, mới chỉ thực hiện kiểm tra được 20% số kết luận thanh tra đã được ban hành. Trong điều kiện lực lượng cán bộ thanh tra, kiểm tra còn mỏng, phải tập trung cho triển khai các kế hoạch thanh tra, tôi cho rằng cần phải đổi mới.

Theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là tăng cường hiệu lực hiệu quả thực thi pháp luật, cũng như công tác thanh tra, kiểm tra nhưng phải đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi. Đây chính là tinh thần liêm chính và kiến tạo cho phát triển.

Tuy nhiên các nguyên tắc và biện pháp này không có nghĩa là sẽ bỏ qua các sai phạm. Đối với các doanh nghiệp có vi phạm pháp luật rõ ràng (được báo chí phản ánh, người dân tố giác hoặc các cơ quan quản lý phát hiện...) thì phải có biện pháp xử lý kịp thời.

Thứ nhất, phải xây dựng được cơ sở dữ liệu thanh tra, kiểm tra, trong đó xác định các đối tượng có nguy cơ, nhiều lần tái phạm để phân công từng cấp theo dõi, giám sát đặc biệt đến khi hoàn thành các biện pháp khắc phục.

Thứ hai, Bộ TN&MT đã thành lập Phòng Giám sát và Xử lý sau thanh tra để tăng cường công tác giám sát, kiểm tra hoạt động của các đoàn thanh tra. Thực hiện phân công cán bộ giám sát, theo dõi theo vùng đối với một số lĩnh vực khoáng sản, môi trường, quản lý tài nguyên nước để theo dõi liên tục không chỉ qua thanh tra, kiểm tra.

Thứ ba, trong các kết luận thanh tra, kiểm tra phải xác định rõ đối tượng vi phạm, mức độ vi phạm, biện pháp xử lý trách nhiệm, giải pháp khắc phục và giao trách nhiệm cho người đứng đầu chính quyền địa phương là nơi trực tiếp nhất kiểm tra, đôn đốc thực hiện kết luận thanh tra, kiểm tra và có trách nhiệm báo cáo kết quả về Bộ theo định kỳ cho đến khi hoàn thành các biện pháp khắc phục theo kết luận.

Thứ tư, trong năm 2016, Bộ TN&MT và Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam ký kết quy chế phối hợp trong công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Năm 2017, hai cơ quan sẽ phối hợp chặt chẽ để Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên giám sát sâu rộng đối với công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường ở Trung ương và địa phương.

Thứ năm, tiếp tục tăng cường công khai minh bạch trong công tác quản lý tài nguyên và môi trường, công khai kết luận về các vi phạm để phát huy vai trò giám sát của nhân dân tối cao của nhân dân và theo dõi của các cơ quan thông tấn, báo chí.

- Cùng với những chính sách quyết liệt mà ông chia sẻ, Bộ trưởng muốn gửi thông điệp gì đến với các doanh nghiệp và người dân trong việc ứng xử với môi trường?

Thời gian qua, ô nhiễm môi trường đang trở nên ngày càng phức tạp, đe dọa đến sức khỏe, đời sống của nhân dân. Cùng với ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có tầm ảnh hưởng lớn, quan hệ, tác động qua lại, cùng quyết định sự phát triển bền vững của đất nước; là cơ sở, tiền đề cho hoạch định đường lối, chính sách phát triển kinh tế - xã. Vì vậy, thông điệp tôi muốn gửi tới người dân và doanh nghiệp là: “Bảo vệ môi trường vừa là quyền lợi vừa là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng, doanh nghiệp và nhân dân, mỗi người bằng hành động cụ thể hãy chung tay bảo vệ môi trường, bảo vệ cuộc sống của chúng ta hôm nay và thế hệ con cháu mai sau".

- Xin cảm ơn Bộ trưởng về cuộc trao đổi.

Tuệ Khanh (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc