8000 lễ hội là con số quá khiêm tốn!

06:43, 07/02/2017
|

(VnMedia) - Sự phát triển đa dạng là giá trị then chốt của văn hóa. Chỉ có sự biến thái của lễ hội, của tư duy quản lý văn hóa mới làm cho chúng ta thấy 8.000 lễ hội là quá nhiều.

Cướp lộc tại lễ hội
Cướp lộc tại lễ hội - ảnh: khampha.vn

Những năm gần đây, cứ mỗi khi Tết đến, hình ảnh lễ hội lại tràn ngập trên các phương tiện thông tin đại chúng, cả báo chính thống và cả mạng xã hội. Rất nhiều hình ảnh đẹp đem đến cho người xem những xúc cảm yêu thương về văn hóa truyền thống địa phương, vùng miền, đất nước mình. Nhưng cũng có không ít hình ảnh phản cảm khiến dư luận “dậy sóng”.

Xin giới thiệu cùng độc giả bài viết của nhiếp ảnh gia Phạm Hoài Thanh với góc nhìn riêng của anh về lễ hội.

Mấy ngày nay nghe anh em phàn nàn cái tội "Đất nước ta có lắm lễn hội quá!". Tự thấy mình cùng đám phó nhòm có dính dáng đến "tội ác" này nên ngồi ngẫm nghĩ và biện minh cho nỗi oan mang tên "lễ hội" và cái tội của đám phó nhòm.

Theo tôi, Việt Nam có nhiều hơn con số 8.000 lễ hội mà người ta công bố. Mỗi làng có một lễ hội, chưa kể lễ hội mới phát sinh như lễ hội hoa, cà phê, dừa, lúa, trái cây... mà Việt Nam có khoảng 10.000 xã phường. Thường là một vài làng tạo nên một phường, vài làng tạo thành một xã. Vậy thì con số 8.000 quả là khiêm tốn.

Vậy tại sao bây giờ người ta mới biết là có nhiều lễ hội quá?

Thưa không. Lễ hội vẫn tồn tại từ hàng trăm, hàng ngàn năm nay. Mỗi làng, thậm chí mỗi thôn có lễ hội riêng của mình. Chỉ có những năm xây dựng văn hóa mới sau cách mạng, người ta coi đó là tàn dư văn hóa của chế độ phong kiến nên lễ hội gần như biến mất trong đời sống văn hóa của người Việt, trừ những lễ hội đề cao tính giai cấp hay phù hợp với văn hóa mới.

Quay trở lại với "cái tội" của đám phó nhòm. Thực ra việc quay trở lại với lễ hội tạm coi là thời điểm phim "Đến hẹn lại lên" công chiếu. Mặc dù mục đích phim không phải ca ngợi lễ hội quan họ nhưng lại xây dựng trên nền một lễ hội quan họ.

Khoảng cuối những năm 80, lác đác có những bức ảnh chụp tại các lễ hội xuất hiện. Khi đó các nhà nhiếp ảnh có lẽ đã cảm thấy chán những đề tài minh họa cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bắt đầu để ý đến các đề tài văn hóa xã hội khác.

Cái chốt quan trọng nhất của đề tài lễ hội được mở ra khi một cuộc thi nhiếp ảnh có tên viết tắt là ACCU được phát động. Theo tôi thì vào lúc đó, đây là một cuộc thi ảnh có danh tiếng và uy tín và cả giá trị của giải thưởng. Các nhà nhiếp ảnh tham gia hết sức sôi nổi. Các năm đó, Việt Nam giành khá nhiều giải. Liên tiếp sau đó các nhà nhiếp ảnh Việt Nam đã đổ vào lễ hội hàng triệu cuộn phim và hàng triệu bức ảnh. Tinh thần này cùng với những thay đổi nhận thức trong một số tầng lớp xã hội khác đã thổi bùng tinh thần lễ hội trở lại. Kết quả là làng làng làm lễ hội.

Thế lễ hội xưa có gây nhiều tiếng phàn nàn như hiện nay không? Theo tôi thì không. Tìm hiểu một vài lễ hội từ nguyên bản sẽ thấy mỗi lễ hội có một sắc thái, tinh thần riêng biệt. Mỗi làng có một không gian địa lý, văn hóa, tâm linh, tục lệ, thánh tích, thần tích... riêng biệt nên lễ hội của mỗi làng khác nhau. Xưa hội làng chỉ chủ yếu cho dân bản địa. Hội lớn hơn có giao lưu giữa các làng nên quy mô mỗi hội đâu có lớn như ngày nay. Những chuyến giao lưu lễ hội còn đóng góp thêm cho sự hiểu biết và chia sẻ văn hóa.

Trở lại việc đốm lửa lễ hội được thắp lại đã lan nhanh khắp nước bắt đầu từ lòng tự hào văn hóa, sự thiếu đói sinh hoạt văn hóa, cửa mở phục hồi của tâm linh bản địa đã được chính quyền địa phuơng nắm lấy như một cơ hội tốt để thỏa mãn lòng kiêu hãnh của người địa phương và chính họ. Người Việt vốn "khôn" nên nhiều người bắt đầu nhận ra những cơ hội trục lợi nên bắt đầu "nghiêm túc" khai thác lễ hội. Động cơ khai thác và sự ganh đua đã đẩy lễ hội tới những "biến hóa" không giới hạn.

Nếu lễ hội chính là nơi và lúc mỗi người được thỏa mãn cái cảm xúc cá nhân trong không gian văn hóa, tín ngưỡng, địa lý của họ và cộng đồng của họ chứ không phải thỏa mãn sự hiếu kỳ, hơn thua, tìm kiếm lợi ích vật chất. Tất cả các góc nhìn nhằm quản lý nó dưới góc độ hành chính đơn thuần hoặc quy nạp nó nhằm dễ dàng quản lý và thu lợi đều chỉ đẩy lễ hội chìm vào lời kêu oán thán của một số người đang lo lắng về việc chúng ta có quá nhiều lễ hội.

Cuối cùng thì đất nước ta nhiều lễ hội hay ít? Chúng ta thực sự ít lễ hội hơn chúng ta tưởng vì "vở kịch" lễ hội ngày càng nhàm chán và giống nhau. Có thể thấy ăn mặc giống nhau giữa những lễ hội ở những vùng miền khác nhau. Nghi lễ cũng ngày càng giống nhau. Khá ngạc nhiên có những nhà nghiên cứu văn hóa đang nói về "chuẩn hóa lễ hội". Có lẽ thói quen, nền giáo dục quan liêu hay tư duy quản lý tập trung duy ý chí đã khiến họ quên mất điểm quan trọng nhất là sự phát triển đa dạng là giá trị then chốt của văn hóa.

Chỉ có sự biến thái của lễ hội, của tư duy quản lý văn hóa mới làm cho chúng ta thấy 8.000 lễ hội là quá nhiều.

Phạm Hoài Thanh


Ý kiến bạn đọc