Báo Đại Đoàn kết kỷ niệm 75 năm ngày thành lập

16:15, 06/01/2017
|

(VnMedia)- Hôm nay, ngày 6/1/2017, tại Hà Nội, Báo Đại Đoàn kết đã tổ chức lễ kỷ niệm 75 năm ngày ra số báo đầu tiên. 

Năm 1941, Trung ương Đảng chủ trương xuất bản một tờ báo làm cơ quan ngôn luận của Mặt trận Việt Nam Độc lập Đồng minh, phát hành rộng rãi trong các tổ chức của Mặt trận. Thực hiện Nghị quyết của Xứ ủy Bắc Kỳ, ngày 25/1/1942, báo Cứu Quốc  – Cơ quan cổ động của Việt Nam Độc lập Đồng minh ra đời!

Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam chúc mừng báo Đại Đoàn Kết sang tuổi 75.
Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam chúc mừng báo Đại Đoàn kết sang tuổi 75.

Báo Cứu Quốc ra số đầu tiên dày 4 trang tại làng Xuân Kỳ (Sóc Sơn – Hà Nội, Tòa soạn lúc ấy chỉ có 3 người: Tổng Bí thư Trường Chinh làm Chủ nhiệm kiêm Chủ bút, Ban Biên tập có các đồng chí Lê Quang Đạo và Lê Toàn Thư... Tổng bí thư của Đảng lúc bấy giờ là đồng chí Trường Chinh đã trực tiếp viết bài và phụ trách báo từ năm 1942 đến 1944. Cho tới Tổng khởi nghĩa tháng 8 -1945, trong điều kiện hoạt động bí mật, hiểm nguy, gian khổ và thiếu thốn mọi bề, Cứu Quốc chỉ ra được 30 số, nhưng đã có đóng góp vô cùng to lớn cho sự nghiệp Cách mạng, cổ vũ, động viên nhân dân đứng lên giành độc lập.

Trước khi Cách mạng thành công, Cứu Quốc xuất bản bí mật. Ngày 24/8/1945, tòa soạn Cứu Quốc trở về Hà Nội và lần đầu tiên Cứu Quốc ra công khai tại Hà Nội, chỉ một tuần sau báo đã xuất bản hàng ngày và trở thành tờ nhật báo lớn nhất nước hồi ấy dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh, là tờ báo hàng ngày của Đảng, Chính quyền, Mặt trận…Cứu Quốc là tờ báo đầu tiên có vinh dự được đăng những bài báo của Bác Hồ sau Cách mạng. Kể từ năm 1945 đến 1955, Bác Hồ đã viết và đăng trên Cứu Quốc khoảng 400 bài, với nhiều bút danh khác nhau.

Trong suốt những năm chống Pháp, Cứu Quốc vẫn được xuất bản đều đặn ở nhiều địa điểm, trên chiến khu kháng chiến. Cứu Quốc chia thành Cứu Quốc trung ương và báo Cứu Quốc ở các khu, liên khu, có mối liên hệ với báo Cứu Quốc trung ương về mặt nghiệp vụ. Tờ báo có ảnh hưởng rất lớn trong lòng bạn đọc, phát hành vào vùng tạm chiếm. Tới mức từng có những tờ Cứu Quốc giả được thực dân Pháp phát hành nhằm đánh lừa người dân.

Chính tại Hội trường báo Cứu Quốc tại nơi tờ báo đứng chân ở An toàn khu Định Hóa (Thái Nguyên), năm 1950, Hội những người viết báo Việt Nam (nay là Hội Nhà báo Việt Nam) đã ra đời với Chủ tịch sáng lập Hội là nhà báo Xuân Thủy – Chủ nhiệm báo Cứu Quốc thời ấy.

Nhân dịp Kỷ niệm 75 năm thành lập, báo Đại Đoàn kết cũng đã bấm nút khai trương giao diện mới của báo Điện tử Đại Đoàn kết.
Nhân dịp Kỷ niệm 75 năm thành lập, báo Đại Đoàn kết cũng đã bấm nút khai trương giao diện mới của báo Điện tử Đại Đoàn kết.

Hòa bình lập lại, Cứu Quốc về Hà Nội, ở nhà 66 Bà Triệu bây giờ, một lực lượng cán bộ tinh nhuệ của tờ báo đã được chi viện cho báo Nhân dân khi tờ báo Đảng thay nhiệm vụ của báo Mặt trận xuất bản hàng ngày, Cứu Quốc trở thành tuần báo.

Sau khi đất nước được thống nhất, đầu năm 1977, báo Giải Phóng hoàn thành sứ mệnh lịch sử, Cứu Quốc hợp nhất với báo Giải phóng, lấy tên là Đại Đoàn kết. Và tuần báo Đại Đoàn Kết, cơ quan Trung ương của Mặt trận tổ quốc Việt Nam hợp nhất từ báo Cứu Quốc và báo Giải phóng xuất bản số đầu tiên ngày 6/2/1977.

Trải qua lịch sử 75 năm hết sức vẻ vang, Cứu Quốc – Giải Phóng - Đại Đoàn Kết ở thời kỳ nào cũng đứng ở vị trí tiên phong, không ngừng phát triển, trở thành tờ nhật báo lớn xứng đáng là tiếng nói của khối Đại đoàn kết dân tộc. Từ Cứu Quốc – Giải Phóng đến Đại Đoàn Kết trải qua nhiều thời kỳ với những tên gọi riêng nhưng là một dòng chảy liên tục, chưa bao giờ ngừng nghỉ. Vẫn luôn luôn giữ vị trí tiên phong, bước vào thời kỳ đổi mới, Đại Đoàn Kết là tờ báo đi đầu trong sự nghiệp Đại Đoàn Kết toàn dân, trong tiến trình dân chủ và đổi mới đất nước.

Nhân dịp Kỷ niệm 75 năm thành lập, báo Đại Đoàn kết cũng đã bấm nút khai trương giao diện mới của báo Điện tử Đại Đoàn kết.

Lam Nguyên


Ý kiến bạn đọc