Ấn định số lần cắt cỏ, tưới cây: Triệt tiêu cải tiến công nghệ?

19:01, 05/01/2017
|

(VnMedia) - Một đại biểu tham dự hội thảo đưa ra ví dụ về việc Hà Nội ấn định cụ thể số lần cắt cỏ, tưới nước cho cây xanh và e ngại: “Như vậy, nếu Ixraen mà đưa quy trình tưới nhỏ giọt vào đây thì sẽ chào thua vì sẽ không đủ quy trình".

cắt cỏ
Việc xã hội  hóa lĩnh vực dịch vụ công ích còn nhiều rào cản - ảnh  minh họa

Sáng nay (5/1), Viện Quản lý và nghiên cứu Kinh tế T.Ư (CIEM) phối hợp với Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và thương mại Phú Điền tổ chức Hội thảo “Cơ chế chính sách cung ứng dịch vụ công ích tại các đô thị ở Việt Nam”.

Xã hội hóa dịch vụ công ích: Sợ biểu tình, đình công?

Ở Việt Nam. dịch vụ công chia thành 3 loại là hành chính công, sự nghiệp công và công ích. Trong đó, dịch vụ công ích tại đô thị chủ yếu là cấp thoát nước, vận tải công cộng, chiếu sáng, quản lý công viên, trồng và chăm sóc cây xanh... được quy định thực hiện theo phương thức đấu thầu hoặc đặt hàng.

Trước đây, dịch vụ công ích tại đô thị chủ yếu do các DNNN đảm nhiệm, nhưng thời gian gần đây, nhà nước bắt đầu “mở cửa” cho tư nhân tham gia vào lĩnh vực này. Tuy vậy, số lượng các doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ công ích còn rất ít mặc dù với tốc độ đô thị hóa hiện nay, quy mô thị trường của dịch vụ công tại các đô thị là rất lớn và có xu hướng tăng nhanh.

Theo ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), hiện nay, gần 100% các dịch vụ công vẫn đang được đặt hàng theo kế hoạch cho các DNNN hoặc các DNNN đã cổ phần hóa chứ chưa “mở cửa” thực sự cho các DN ngoài nhà nước thông qua phương thức đấu thầu. Sau 3 năm thực hiện Nghị định, tỷ lệ đấu thầu không đáng kể, thậm chí ở nhiều địa phương không có đấu thầu mà vẫn duy trì nguyên tắc DNNN hoặc DNNN được cổ phần hóa thực hiện cung ứng dịch vụ công.

“Đây là điểm cần đổi mới để việc cung ứng dịch vụ công mang yếu tố thị trường nhiều hơn, để người tiêu dùng được hưởng lợi” - Viện trưởng CIEM nhận định.

Còn theo ông Lê Thanh, Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng và thương mại Phú Điền, chính quy định như vậy đã “gây khó khăn cho DN tham gia cung ứng dịch vụ công ích vì các cơ quan nhà nước luôn có lý do để không thực hiện đấu thầu dịch vụ công ích”.

Từ thực tiễn tham gia cung ứng dịch vụ công với chuyên môn là vận hành hệ thống xử lý nước thải ở Hà Nội, Bắc Ninh, Nha Trang, Bình Định…, ông Lê Thanh khẳng định, việc giao cho khu vực ngoài nhà nước cung cấp dịch vụ công sẽ đảm bảo chất lượng và tiết kiệm chi phí từ ngân sách.

“Thành tựu lớn nhất tính đến thời điểm này, chính là việc Phú Điền đã xóa bỏ được “định kiến” trong lĩnh vực xử lý nước thải đó là chỉ dành cho DNNN hoặc DN được hình thành từ cổ phần hóa DNNN trong lĩnh vực cấp thoát nước” - ông Lê Thanh chia sẻ.

Tuy nhiên, theo ông Lê Văn Cư, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng), tìm được doanh nghiệp tư nhân có năng lực như Phú điền không nhiều bởi thực tế, hiện Hà Nội có 2 đơn vị hợp tác xã thu gom rác Thành Công (xã hội hóa) và Công ty môi trường đô thị thì HTX Thành công hoạt động kém hơn hẳn.

Thảo luận tại Hội thảo, ông Vũ Thừa Ân, Phòng Kết cấu hạ tầng (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng thừa nhận, ông rất “tâm tư và suy nghĩ” về chính sách, khi mà việc đấu thầu dịch vụ công ích có một ưu điểm là tìm ra nhà đầu tư đáp ứng đầy đủ tiêu chí cung ứng dịch vụ công ích nhưng hiện nay rất khó tìm được.

“Đến nay vẫn chưa có tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư như năng lực chuyên môn, năng lực tài chính…, mà không có tiêu chí thì làm sao mà đấu thầu được?” - ông Vũ Thừa Ân đặt vấn đề.

Trong khi đa số các đại biểu nêu vấn đề và góp ý về giải pháp để mở rộng xã hội hóa lĩnh vực dịch vụ công ích thì ông Lê Văn Cư lại đặt vấn đề ngược lại, đó là, liệu tư nhân hoá tất cả thì có gì bất lợi?

Theo ông Cư, tư nhân hoá phải lựa chọn dịch vụ và không thể tư nhân hoá 100% vì liên quan đến thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan đô thị. Ông Cư lo rằng, tư nhân hay có biểu tình đình công đòi tăng giá.

“Ở Việt Nam, nên lựa chọn dịch vụ nào để tư nhân hoá, ví dụ như vận hành nhà máy xử lý nước thải. Chứ nếu thu gom rác của một đô thị lớn thì tư nhân hoá không đơn giản” - ông Cư gợi ý.

Kết luận về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, cải cách theo xu hướng thị trường hoá và tư nhân hoá là để cân bằng nền kinh tế, cân bằng xã hội vì hiện nay đang có quá ít doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực dịch vụ công ích.

“Chúng ta đừng sợ. Biểu tình thì Airfrance là doanh nghiệp nhà nước nhưng vẫn biểu tình. Cần cân bằng lợi ích các bên có liên quan, phải áp dụng thay đổi thể chế để thị trường, tư nhân nhiều hơn trong lĩnh vực nền kinh tế nói chung và dịch vụ công nói riêng” - ông Cung nhấn mạnh.

Quy trình, định mức cứng nhắc cản trở sự cải tiến

Đại diện một doanh nghiệp tư nhân khác là thì đưa ra một khó khăn “thật như đùa”, đó là quy trình, định mức để đưa ra đấu giá, thuê doanh nghiệp tư nhân làm dịch vụ đôi khi trở thành “vật cản” cho sự tiến bộ, đổi mới công nghệ.

Dẫn chứng cho vấn đề này, doanh nghiệp tư nhân đưa ra ví dụ về việc mới đây Hà Nội đã ấn định cụ thể số lần cắt cỏ, tưới nước cho cây xanh (cắt cỏ 18 lần/năm, tưới nước là 148 lần/năm, lượng nước...) và e ngại: “Như vậy, nếu Ixraen mà đưa quy trình tưới nhỏ giọt vào đây thì sẽ chào thua vì sẽ không đủ quy trình.”

Hay một câu chuyện khác tại chính công ty của vị này, đó là khi đề xuất thay đổi công nghệ để nâng cao hiệu quả của một dự án thì đã không được cho phép bởi nếu thay đổi, việc thực hiện dịch vụ sẽ không đúng với quy trình đã mang ra đấu thầu ban đầu và sẽ không có cơ sở để thanh toán.

Ngược lại, đại diện cho một doanh nghiệp nhà nước, ông Vũ Hữu Tân - Giám đốc Công ty Xử lý nước thải Bắc Ninh lại cho rằng, hiện nay, các quy định về định mức, đơn giá chưa đầy đủ nên thường công việc thực hiện từ đầu năm thì có khi đến cuối năm mới được thanh toán.

“Vì không có định mức, đơn giá đầy đủ nên không tính được chi phí để thanh toán. Doanh nghiệp như là đi xin, và nhà nước là người cho, xin khéo thì cho nhiều, không khéo thì cho ít. Trong 6 năm tôi làm việc, bản thân việc xác định giá trị để ký hợp đồng từ giao đến đặt hàng là rất vất vả. Làm từ đầu năm mà đến cuối năm mới ký được hợp đồng xác định giá trị dự án” - ông Tân nói.

Vị Giám đốc này cũng cho rằng, đây là một trong những lý do khiến cho DNNN thường được chọn để thực hiện các dịch vụ công ích hơn là doanh nghiệp tư nhân. “Làm từ tháng 1 đến tháng 10 mới ký hợp đồng, đó là vì họ bảo, anh là DNNN, chúng tôi bảo làm thì cứ làm, còn vấn đề xác định giá trị thì tính sau” - Giám đốc Công ty Xử lý nước thải Bắc Ninh chia sẻ.

Đáp lại, ông Lê Thanh, GĐ Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng và thương mại Phú Điền khẳng định, không có sự phân biệt trong DN tư nhân với DNNN trong chuyện này, bởi đều làm trước, tính tiền sau.

“Với doanh nghiệp nhà nước hay ngoài nhà nước thì cơ chế đặt hàng đều giống nhau. Chúng tôi có những hợp đồng đã thanh lý nhưng chưa nhận được đồng tiền nào. Thậm chí doanh nghiệp nhà nước giảm giá 10% thì doanh nghiệp tư nhân phải giảm tới 20%” - ông Thanh nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Vũ Thừa Ân cũng cho rằng, việc đặt hàng dịch vụ công ích là rất khó khi hiện nay vẫn chưa có định mức kỹ thuật. “Sở nào cũng đưa ra giá nhưng giá đó dựa vào cơ sở nào thì không có. Doanh nghiệp làm tốt có khi vẫn mang tiếng vì không có định mức kỹ thuật. Như cắt cỏ ở Hà Nội vừa rồi cũng vậy, không có tiêu chí để xem việc đó là đúng hay sai vì không có định mức. Chúng ta làm theo cơ chế giao việc chứ không phải là hợp đồng kinh tế. Vì vậy mới có bài học là dự án đường ống nước Sông Đà, vỡ bao nhiêu lần nhưng chả có đền bù không?” - ông Ân nói.

Trao đổi về vấn đề này, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, quy trình định mức là cơ sở để cơ quan nhà nước định giá gói thầu nên không thể không có quy trình, định mức.

Nhất trí với ý kiến của Sở XD Hà Nội, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế xây dựng Lê Văn Cư cho rằng, quy trình định mức vẫn hoàn toàn cần. “Ví dụ như trước đây quy định cắt cỏ hay số lần tưới đã có, giờ siết lại do trước đây định mức xông xênh, số tiền nhiều” - ông Cư cho hay.

Nêu ý kiến, ông Lê Thanh đồng tình với việc phải có định mức nhưng phải “mở” để cho các nhà thầu đề xuất công nghệ mới, hoạt động hiệu quả.

Về vấn đề này, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Nguyễn Đình Cung cho rằng, định mức là cần nhưng dưới dạng cẩm nang cho nhà đầu tư để tuỳ vào từng trường hợp cụ thể mà lựa chọn, ép nhà thầu đưa ra giá tốt nhất chứ không phải là một quy phạm pháp luật để bắt buộc phải áp dụng.

“Có như vậy thì tư nhân mới cải tiến, cải cách, đổi mới, chứ không thể muốn làm tốt cũng không được” - ông Cung kết luận.

Xuân Hưng


Ý kiến bạn đọc