Vụ 2 bệnh nhân tử vong tại BV Trí Đức: Trách nhiệm thuộc về ai?

20:20, 26/12/2016
|

(VnMedia) - Theo quan điểm của luật sư, để xác định nguyên nhân 2 bệnh nhân bị tử vong thì cần thiết lập Hội đồng chuyên môn giải phẫu tử thi làm rõ. Kết luận của cơ quan chuyên môn sẽ là căn cứ xác định giải quyết vụ việc theo qui định của pháp luật.

Bệnh nhân được đưa sang BV Bạch Mai. Ảnh: Dân Trí
Bệnh nhân được đưa sang BV Bạch Mai. Ảnh: Dân Trí

Sáng 25/12, 2 ca phẫu thuật liên quan đến 2 bệnh nhân Quách Thị Mai P. (sinh năm 1979, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội) và bệnh nhân Hoàng Văn T. (sinh năm 1982, Tân Mai, Hoàng Mai, Hà Nội) tại bệnh viện đa khoa Trí Đức cách nhau chỉ khoảng 30 phút.

Theo đó, bệnh nhân Quách Thị Mai P được chẩn đoán đa u 2 thùy tuyến giáp, có chỉ định phẫu thuật vô cảm bằng gây mê nội khí quản.

Bệnh nhân thứ hai là anh Hoàng Văn T được đẩy vào phòng phẫu thuật sau ca của chị P. khoảng 30 phút để phẫu thuật nội soi xoang - cắt Amidal - chỉnh hình vách ngăn- nạo sùi vòm và cũng gây gây mê nội khí quản.

Cả 2 đều thực hiện gây mê nội khí quản với các loại thuốc gây mê giống nhau, cùng xuất hiện các triệu chứng sốc sau 30 giây dùng thuốc và đều tử vong dù được đưa đến BV Bạch Mai cấp cứu.

Trao đổi với VnMedia về vụ việc trên, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết: Điều 38 Hiến pháp 2013 qui định: “Mọi người có quyền được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, bình đẳng trong việc sử dụng các dịch vụ y tế và có nghĩa vụ thực hiện các quy định về phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh”.

Theo quan điểm của Luật sư, gây mê là phương pháp giúp người bệnh không đau với mức độ thức tỉnh khác nhau nhằm duy trì ổn định các chức năng sống trong khi thực hiện phẫu thuật (mổ), thủ thuật.

Gây mê hồi sức đóng vai trò rất quan trọng trong hoạt động phẫu thuật. Gây mê cho bệnh nhân được chuẩn bị trước khi phẫu thuật. Trước khi được phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được khám kiểm tra với bác sỹ gây mê hồi sức. Bác sỹ sẽ đánh giá phương pháp vô cảm nào là phù hợp nhất cho từng người bệnh. Bác sỹ sẽ yêu cầu làm một số xét nghiệm tiền phẫu, khám chuyên khoa kiểm soát các bệnh mãn tính đi kèm để đảm bảo người bệnh luôn luôn an toàn khi thực hiện phẫu thuật và tránh các rủi do xảy ra cũng như các biến chứng khác trong khi phẫu thuật.

Quy trình khám trước gây mê tại các cơ sở y tế được thực hiện theo qui định tại Khoản 2 Điều 8 Thông tư 13/2012/TT-BYTngày 20/8/2012 của Bộ y tế như sau:

a) Khám trước gây mê để chuẩn bị người bệnh trước khi phẫu thuật, thủ thuật;

b) Khám trước gây mê do bác sỹ gây mê - hồi sức thực hiện tại bộ phận khám trước gây mê hoặc tại khu phẫu thuật hoặc tại khoa có người bệnh phải phẫu thuật, thủ thuật tùy thuộc vào điều kiện của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và tình trạng bệnh lý của người bệnh;

c) Khám trước gây mê được thực hiện trong khoảng thời gian từ 01 đến 07 ngày trước khi người bệnh được phẫu thuật, thủ thuật (trừ trường hợp cấp cứu);

d) Bác sỹ khám trước gây mê có quyền yêu cầu bổ sung xét nghiệm hoặc tổ chức hội chẩn và phải ghi chép đầy đủ vào hồ sơ bệnh án để thực hiện;

đ) Bác sỹ khám trước gây mê có trách nhiệm thông báo và thảo luận với người thực hiện phẫu thuật, thủ thuật, người sẽ thực hiện gây mê - hồi sức về các nguy cơ, biến chứng có thể xảy ra liên quan đến gây mê - hồi sức; giải thích về nguy cơ và lợi ích liên quan đến gây mê - hồi sức cho người bệnh hoặc người đại diện hợp pháp của người bệnh trước khi ký giấy đồng ý gây mê - hồi sức, phẫu thuật hoặc thủ thuật.

Luật sư Thơm cho rằng, đây là sự cố y khoa nghiêm trọng tại BV Đa khoa Trí Đức xảy ra trong quá trình gây mê bệnh nhân. Hoạt động về khám chữa bệnh đều có ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe người. Bộ luật hình sự 1999 cũng đã qui định rõ hành vi vi phạm các qui định về khám chữa bệnh, cấp phát thuốc, các dịch vụ y tế mà gây hậu quả nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe công dân sẽ bị xử lý trách nhiệm hình sự.

Để xác định nguyên nhân 2 bệnh nhân bị tử vong thì cần thiết lập Hội đồng chuyên môn giải phẫu tử thi làm rõ. Kết luận của cơ quan chuyên môn sẽ là căn cứ xác định giải quyết vụ việc theo qui định của pháp luật.

Nếu bác sỹ gây mê không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy trình được qui định tại Thông tư 13/2012/TT-BYT và các văn bản hướng dẫn thi hành là nguyên nhân dẫn tới 2 bệnh nhân tử vong thì sẽ phải chịu trách nhiệm về Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác. Tội phạm và hình phạt được qui định tại Điều 242 Bộ luật hình sự 1999.

Ngoài ra, các bác sỹ phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại tính mạng cho các nạn nhân. Do các Bác sỹ gây mê làm việc tại Bệnh viện Đa khoa Trí Đức thì khi hậu quả xảy ra do lỗi của bác sỹ gây ra trong quá trình khám, chữa bệnh tại Bệnh viện thì phải có trách nhiệm bồi thường cho bệnh nhân theo qui định tại các Điều 604, 610 Bộ luật dân sự 2005.

Điều 242. Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác

1. Người nào vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 201 của Bộ luật này, gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe của người khác hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm

2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.

3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt từ từ bảy năm đến mười lăm năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Phương Mai


Ý kiến bạn đọc