TP.HCM: Cụ bà lái xe ôm chục năm liền tiếp sức sĩ tử

14:11, 12/12/2016
|

Xuất phát từ cái tâm mong nâng đỡ những bước chân chập chững ấy thêm vững vàng, gần 15 năm qua, “Má Nguyệt”, "Bố Khanh" đã trở thành cái tên quen thuộc với chiến dịch Tiếp sức mùa thi “mặt trận” Bến xe Miền Đông.

30 năm lái xe ôm mưu sinh

Chúng tôi tìm đến quán nước nhỏ của nữ tài xế xe ôm Võ Thị Nguyệt ( 66 tuổi) trong khu vực Bến xe Miền Đông TP HCM vào một buổi chiều đầu tháng 12. Ấn tượng ban đầu của chúng tôi về người nữ tài xế ấy là làn da rắn rỏi cùng nụ cười phúc hậu.

Mở đầu câu chuyện, nữ tài xế tuổi ngoài 60 này vui vẻ kể câu chuyện về cuộc đời mình. Sinh ra ở huyện Gò Công ( tỉnh Tiền Giang), lớn lên bà Võ Thị Nguyệt phải bươn chải lên đất Sài Gòn mưu sinh. Và rồi, bàn tay duyên số khéo sắp đặt đã đưa bà và chồng gặp nhau. Cùng chung hoàn cảnh, chung sự sẻ chia giúp đỡ nhau, họ yêu nhau lúc nào không hay và sau đó tiến đến hôn nhân.

Quán nước nhỏ này cũng là nơi che mưa che nắng của vợ chồng bà Nguyệt.
Quán nước nhỏ này cũng là nơi che mưa che nắng của vợ chồng bà Nguyệt.

Cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ vào những ngày đầu hết  sức khó khăn. Và rồi, bà và chồng bàn nhau tìm một nghề có thể mưu sinh lâu dài. Nói là làm, họ chắt chiu dành dụm rồi vay mượn để mua xe máy làm phương tiện sinh kế rồi quyết định gắn bó với nghề lái xe ôm. Ấy thế mà đã ngót 30 năm ròng.

Kể câu chuyện vào nghề cùng chúng tôi, bà Nguyệt trầm ngâm : “Mỗi ngày vợ chồng tôi chạy xe từ sáng đến tận 11 giờ khuya. Sau đó còn phải chạy về căn nhà ở nhờ của người em trai ở Hóc Môn. Mấy ngày đầu mới vào nghề, hay bị đe dọa vì người ta sợ mình giành khách”. Cả hai vợ chồng nghèo đếu phải vất vả kiếm tiền, nên ba người con của bà Nguyệt phải tự chăm sóc, đùm bọc lấy nhau.

Tuy cuộc sống mưu sinh của hai vợ chồng bà Nguyệt hay thiếu trước hụt sau, nhưng ông bà luôn tâm niệm “Lá lành đùm lá rách”, giúp đỡ mọi người khi họ gặp khó khăn. Có khi chạy cuốc xe từ Bình Thạnh lên quận 1 với giá chỉ 10 ngàn đồng , thậm chí không lấy tiền.

Nhìn những hành động của  vợ chồng bà Nguyệt, nhiều người hay đùa vợ chồng nghèo mà còn chê tiền, chạy cuốc xe có vài ngàn đồng sao đủ sống. Mỗi lần như thế, nữ tài xế tuổi ngoài 60 ấy lại nở nụ cười hào sảng rất Sài Gòn rồi nói: " Tiền ai không thích, nhưng kiếm ít lại vài đồng cũng chẳng sao".

Gắn bó suốt 30 năm ròng ở bến xe Miền Đông để mưu sinh, vợ chồng bà Nguyệt đã nhiều lần chứng kiến cảnh những đứa trẻ bỏ nhà đi bị kẻ xấu lừa gạt, hay chuyện những thí sinh còn chân ướt chân ráo lên Sài Gòn dự thi bị kẻ gian móc túi. Đứng trước những hoàn cảnh  ấy, bà Nguyệt và chồng đã tìm cách giúp đỡ. “Ngày trước, cứ vài ba bữa là có vài đứa nhỏ dưới quê đón xe lên trên này, hỏi đi đâu, nó nói con trốn nhà lên đây kiếm việc. Thấy vậy, tôi tìm cách liên lạc với gia đình để lên rước tụi nó về”- bà Nguyệt kể.

Trong những lần nhìn thấy những hoàn cảnh khó khăn của các sĩ tử khi mới đặt chân đến TP. HCM dự thi, bà Nguyệt cùng chồng đã bàn nhau việc giúp đỡ các thí sinh trong việc di chuyển và tìm nơi trọ hợp lý. Ít lâu sau, khi chương trình tiếp sức mùa thi được phát động, bà Nguyệt và chồng như có thêm động lực mới nên đã hỗ trợ hết mình cho thí sinh ở “mặt trận” Bến xe miền Đông.

Vợ chồng đồng lòng tiếp sức sinh viên

Cũng bắt nguồn từ hoàn cảnh khó khăn không được ăn học tới nơi tới chốn, bà và chồng hiểu rõ sự thiệt thòi của việc không được đến trường. Cũng từ đó, bà cảm mến những hoàn cảnh thí sinh nghèo khó nhưng hiếu học.  

Khi được hỏi về kỉ niệm trong suốt 30 năm chạy xe của mình, Bà Nguyệt kể về cuốc xe không bao giờ quên : “Hôm đó, chú ấy cùng con gái bắt xe của tôi đến Trung tâm hỗ trợ sinh viên TP. HCM (Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 1), trên đường đi tôi có hỏi chú ở ngoài quê làm nghề gì để nuôi con, chú trả lời chú ấy đi ăn xin kiếm tiền cho con đi học, tôi nghe mà rớt nước mắt”.

Theo lời bà Nguyệt, sau khi đến nơi người khách kia trả tiền nhưng bà không nhận. Thời gian sau, bà nghe tin chú ấy qua đời, còn con gái thì phải nghỉ học về quê. Nữ tài xế  rơm rớm nước mắt tiếp lời : “Bởi vậy tôi thương lắm, muốn giúp đỡ nhiều hơn cho học sinh, sinh viên nghèo nhưng chẳng biết làm cách nào. May mắn là sau đó có chiến dịch Tiếp sức mùa thi. Tôi với chồng mới có nhiều cơ hội hơn để giúp đỡ cho các em”.

Bà Nguyệt bên bằng khen vừa được nhận của chiến dịch Tiếp sức mùa thi 2016.
Bà Nguyệt bên bằng khen vừa được nhận của chiến dịch Tiếp sức mùa thi 2016.

Đang trò chuyện cùng chúng tôi, bà Nguyệt nghe tiếng xe máy từ xa và nói giới thiệu đó là chồng mình. Dựng xe trước cửa, ông Thạch Ngọc Khanh( 68 tuổi- chồng bà Nguyệt) mỉm cười với chúng tôi thay cho lời chào. Nhìn dáng người cao lớn vạm vỡ, cùng với nụ cười hiền, chúng tôi hiểu vì sao các bạn sinh viên hay gọi ông bằng cái tên thân thương :  “Bố Khanh”.

Tiếp lời vợ, ông  kể về hành trình 15 năm với  hoạt động Tiếp sức mùa thi, của vợ chồng mình,  ông Khanh cho biết, ngay từ năm đầu tiên hoạt động tình nguyện này được phát động, hai vợ chồng ông sẵn sàng chở miễn phí cho các thí sinh.

Không chỉ giúp đỡ các thí sinh, vợ chồng ông Khanh còn hỗ trợ hết mình cho các tình nguyện viên trong suốt 15 năm qua. Năm nào cũng hỗ trợ cho đội hình Tiếp sức mùa thi, khi thì nồi nước lèo cho các bạn sinh viên ăn mì, đỡ chi phí, lúc thì phích đá, cái quạt.

5 năm trước, thấy tuổi đã cao, vợ chồng bà Nguyệt bàn nhau thuê mặt bằng, mở quán nước nhỏ trong bến xe Miền Đông kiếm sống qua ngày. Từ khi có quán nước, mỗi năm các bạn sinh viên tình nguyện có chỗ che mưa che nắng, ông bà  cũng thuận tiện giúp đỡ các bạn hơn.

Hiện tại, ông Khanh  chỉ chạy xe cho vài khách quen, thi  thoảng vài phụ huynh của các sĩ tử  ngày xưa vợ chồng ông giúp đỡ, lại  lặn lội vào tận bến xe để kêu ông  chạy:  “Họ thương nên có việc lên Sài Gòn là vào bến  kêu mình chạy xe, mà lúc nào cũng nhớ cho quà, khi thì vài trái cà, bịch tiêu. Vậy mà quý lắm”- ông tự hào.

Hơn 15 năm gắn bó với tiếp sức mùa thi, cũng là ngần ấy năm “Bố Khanh”, Má Nguyệt” được nhiều tặng thưởng, biểu dương. Tuy nhiên, chia sẻ với chúng tôi, đôi vợ chồng này cho biết, món quá quí giá nhất đối với họ là sự thành công của những thí sinh - những đứa con mà họ đã nâng đỡ, cưu mang.                                                                                                                   

Yến Nhi (Bài&Ảnh)


Ý kiến bạn đọc